17/12/2009 07:03 GMT+7

Tiếng Việt trong một gia đình ba thế hệ

PHẠM THÀNH NHÂN
PHẠM THÀNH NHÂN

TT - Trong những buổi nói chuyện của GS.TS Trần Văn Khê, ngoài kiến thức về âm nhạc dân tộc, khán giả còn học được từ GS rất nhiều về cách diễn giải, nghệ thuật dùng từ và nói trước công chúng. Chính xác và thu hút, tiếng Việt của một “bô lão” tuổi trên 90 và nửa đời sống tại Pháp không khỏi khiến người nghe ngưỡng mộ.

Tiếp xúc với GS Trần Quang Hải, trưởng nam của GS Trần Văn Khê trong dịp về nước tham dự lễ hội cồng chiêng Tây nguyên, có thể cảm nhận ngay sự trân trọng tiếng mẹ đẻ ở ông như một sự kế thừa đáng quý từ người cha. Cũng cách nói chuyện khúc chiết, phát âm rõ ràng và đặc biệt không hề chêm một từ tiếng Pháp, tiếng Anh nào dù công việc nghiên cứu và giảng dạy của ông luôn tiếp xúc với người nước ngoài, sử dụng ngoại ngữ.

Trong những thư điện tử GS trao đổi cùng Tuổi Trẻ, thật thú vị khi nghe những lời chào, tạm biệt bằng một ngôn ngữ xa xưa như cách đây vài chục năm. Câu “Thăm con vui mạnh” cuối thư thay cho “Best regard” thường nhận được khiến người tiếp xúc cảm thấy chân tình và khó tả như chạm vào một chút hương xưa đã mất.

GS Trần Quang Hải bày tỏ: “Ở Pháp mấy mươi năm tôi vẫn nói tiếng Việt. Dịp về Việt Nam vừa rồi, trả lời phỏng vấn báo chí tôi cũng nói bằng tiếng Việt, trong khi có một vài nhà báo lại chèn tiếng Anh trong câu hỏi. Người này nói: “Anh send hình qua mail giùm tôi”, người kia xin “số mobile”... Tôi không hiểu tại sao lại vậy. Phải chăng khi chêm mấy tiếng nước ngoài vô cuộc đàm thoại sẽ khiến họ trở nên sang trọng hơn?

Đi ra quán uống nước tôi được (bị) nghe nhiều bạn trẻ biểu diễn khả năng ngoại ngữ. Người này hỏi người kia: “What do you want to drink?” (Bạn muốn uống gì?), người kia đáp: “Coffee” (cà phê), người này nói lại: “Yeah, I like coffee too. It’s good”. (Tôi cũng thích cà phê. Nó ngon) rồi thì sau đó cứ hết “oh yeah” lại tới “wow”, “woah”. Để làm chi vậy”?

Danh ca Bạch Yến, phu nhân GS Trần Quang Hải, rất tự hào kể về người con gái thuộc thế hệ trẻ lớn lên ở xứ người nhưng về nhà chỉ nói tiếng Việt, vẫn biết thưa ba, thưa mẹ, đến bữa mời cơm người lớn... như ở quê hương. Khi chọn ngoại ngữ trong chương trình trung học, cô cũng chọn tiếng Việt. Chuẩn bị tốt nghiệp tú tài, chỉ quen nghe giọng Bắc, giọng Nam, cô giáo hướng dẫn trớ trêu lại là... người Huế.

Bước qua những bỡ ngỡ lúc đầu, con gái GS Hải vượt qua kỳ thi với số điểm rất cao và phần thưởng lớn hơn là đã nghe được nhiều làn điệu của “tiếng quê mình”.

Yêu tiếng Việt không phải chỉ bằng lời nói mà phải bằng cả sự trân trọng đối với tài sản của cha ông. Mọi lý do giải thích cho việc dùng sai tiếng Việt, dùng tiếng nước ngoài vô tội vạ đều chỉ là ngụy biện.

Nhiều bài dân ca, vọng cổ đã lưu truyền nhiều năm trong dân gian, phát sinh nhiều dị bản, điều đó cũng là bình thường. Nhưng nếu không có kiến thức về tiếng Việt, không chịu tìm hiểu ngọn nguồn thì không thể tránh khỏi việc hát sai khiến tác phẩm trở thành vô nghĩa hoặc gây phản cảm. Như trong bài Dạ cổ hoài lang có nơi hát là “chàng dù xa ong bướm”, tôi cho là chưa chính xác bởi vì chuyện ong bướm là chuyện gái trai trăng gió, không thể dùng để nói về tình cảm vợ chồng.

Đúng ra phải hát là “chàng dù (dầu) say ong bướm”, nghĩa là dù cho chàng trên đường xa có lúc nào đó ngả lòng say mê chuyện bướm ong vụn vặt thì cũng “xin đó đừng phụ nghĩa tào khang”.

Tính vọng ngoại xuất hiện trong đời sống, lan tràn vào cả văn hóa nghệ thuật, trở thành một mối nguy với ngôn ngữ nước nhà. Nhiều bản tân nhạc hôm nay chèn tiếng nước ngoài, nhiều tờ báo cũng viết tiếng Anh khi không thật sự cần thiết.

Tôi không tự đề cao mình, nhưng trong suốt bao nhiêu năm sống ở Pháp tôi vẫn nói tiếng Việt, không hề lẫn lộn. Những buổi sinh hoạt văn nghệ tại nhà tôi, tôi cũng nói bằng tiếng Việt. Thậm chí với cả những thuật ngữ chuyên môn tôi cũng dùng tiếng Việt khi tiếng Việt có thuật ngữ đó.

Ngôn ngữ là văn hóa. Trong cố gắng quảng bá văn hóa của đất nước, dân tộc mình ra với thế giới (từ đó tạo ảnh hưởng với thế giới), nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc đã tổ chức các lớp dạy tiếng của họ miễn phí cho người nước khác, hay như người Pháp xây dựng cả một cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, thì chúng ta dường như vẫn đang lơ là với tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Đặt tiếng Việt trong tương quan với các ngôn ngữ khác và nhìn cách thế giới phổ biến, gìn giữ tiếng của họ rồi so với cách mình đang làm mới thấy hết những nguy cơ, mới sớm biết giật mình mà lo cho tiếng Việt.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nói dai nói dài nói dại Bảo vệ tiếng Việt bắt đầu từ nhà trường Tiếng nước tôi Hãy nghiêm túc với tiếng Việt của chính mình Viết tiếp bài “Tiếng Việt dị dạng”: học sinh chưa coi trọng “chữ viết”Tiếng Việt đâu rồi?“MyHa xin chào các bạn”“Tiếng Việt đâu rồi?”: báo chí nên xem lại mình“Nói ngọng” và việc dạy phát âm đúngÔng, cháu và tiếng Việt

PHẠM THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên