Tiếng Việt ngược chuẩn vì đâu?
Nhiều bạn trẻ còn phũ phàng biến hóa ngôn ngữ linh hoạt, không được chắt lọc cứ như tra tấn lỗ tai của người nghe. Từ nhắn tin cho đến “chát”, bình luận trên Facebook, nhiều người pha trộn tiếng Việt với tiếng Anh. Không hiếm bảng quảng cáo của nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, quần áo, mỹ phẩm nhỏ lẻ đến quán cắt tóc gội đầu đang chuộng những cái tên được “chêm” tiếng Anh vào tiếng Việt theo quan điểm của nhiều người là cho sang, cho sành điệu, cho đắt giá.
Chứng kiến cuộc nói chuyện của các cháu tôi (đang học cấp I và cấp II2), tôi giật mình nhận ra các cháu toàn nói chuyện theo kiểu nửa ta nửa tây, thiếu dấu, thiếu chữ cứ như “thập cẩm”. Tôi nhắc nhở các cháu thì đứa lớn đang học lớp 8 thanh minh rằng: “Bạn bè cháu đứa nào cũng nói vậy đó cậu ơi. Giờ cháu mà không nói thế thì lại bị cho là khác người ạ”.
Ở đây tôi không đề cập chi tiết ngôn ngữ Việt bị biến tấu, bóp méo thế nào nữa. Dưới góc độ của một người Việt yêu tiếng Việt, tôi chỉ mong sao tiếng Việt trước hết được mọi người trân trọng, gìn giữ. Ví dụ nhiều bạn trẻ nên chấm dứt cách gọi tiền theo kiểu “lít”, “củ”, “xị”… Dường như người này nói, người kia cũng nói thế, viết thế cho đỡ bị chê là quê, là không biết gì. Tôi thấy buồn khi tiếng Việt đang bị “bỏ rơi”, nhất là trong lúc mọi người đề cao chuyện con trẻ phải thông thạo các thứ tiếng khác như Anh, Pháp…
Chắc hẳn trong chúng ta đều muốn giữ gìn tiếng Việt nhưng vô tình chỉ từ những lần gõ phím sai lỗi chính tả hay cố tình sai để giống người khác, chúng ta đã và đang làm cho tiếng Việt bị “què quặt” đi từng ngày.
Đừng tự đánh mất mình!
Thứ nhất, ở các cấp học, nhất là mẫu giáo, tiểu học, trẻ em phải được dạy nghiêm túc tiếng Việt từ chính tả cho đến ngữ pháp.
Làm được điều này, cha mẹ phải vào vai thầy cô để uốn nắn con, định hướng cho con thấy được tầm quan trọng của tiếng Việt chuẩn.
Nhiều bậc cha mẹ hiện nay vì chạy theo xu thế cho con học ngoại ngữ nên quên mất rằng thông thạo tiếng Việt không chỉ giúp các em biết mình là ai, mà còn giúp các em biết trân trọng truyền thống, gốc gác, cội nguồn của mình.
Không phủ nhận tiếng Anh rất được thịnh hành, ưa chuộng thời nay, người thông thạo tiếng Anh có rất nhiều lợi thế trong công việc và góp phần không nhỏ trong thành công, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu như các bạn trẻ rất thông thạo ngoại ngữ, nói ngoại ngữ như gió nhưng tiếng Việt lại mù mờ viết, nói cứ như gà mắc tóc, sai chính tả cũng như sai cú pháp.
Thế hệ mầm non, tiểu học, trung học đang nghiện công nghệ. Nhiều sách dành cho thiếu nhi vẫn chưa chuẩn mực trong ngôn ngữ và hành động. Lúc này cha mẹ phải là những nhà ngôn ngữ học thông thái trong việc lựa chọn, phân loại sách, truyện cho con.
Lứa tuổi thanh thiếu niên bây giờ sử dụng thoải mái, rộng rãi ngôn ngữ biến dạng phần lớn do học đòi, bắt chước, nghe quen tai, nhìn quen mắt.
Cha mẹ nên định hướng, giáo dục, chấn chỉnh con kịp thời nếu con “mắc lỗi ngôn ngữ”. Chối bỏ tiếng Việt chuẩn chính là chối bỏ nguồn gốc của mình. Giới trẻ là tương lai của đất nước nên không chỉ có nghĩa vụ phải học giỏi, thành đạt để làm giàu cho đất nước, mà còn phải thấy được tầm quan trọng của tiếng Việt để cùng chung tay gìn giữ văn hóa ngôn ngữ Việt.
Nếu như các em biến tiếng Việt thành méo mó cũng vô tình góp phần khiến các em vô cảm, thờ ơ. Khi con bắt chước ngôn ngữ bị biến dạng thì cha mẹ phải là người đầu tiên chấn chỉnh chứ đừng chờ mong thầy cô giáo. Phải có sự kết hợp khăng khít giữa giáo dục gia đình và giáo dục trường lớp.
Thứ hai, trên phim truyền hình tuyệt đối chắt lọc ngôn ngữ, tránh sử dụng tràn lan các thứ ngôn ngữ “tạp chất”. Không nên để tình trạng lời ăn tiếng nói của nhân vật trong phim ảnh hưởng tiêu cực đến người nghe, người xem. Giữ gìn tiếng Việt cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa. Đó là trách nhiệm không chỉ của riêng một người nào, một cơ quan, tổ chức nào. Nó được rèn giũa từ ý thức của mỗi người.
Thứ ba, lý do cũng khá quan trọng là nhiều cơ quan báo chí, nhất là báo mạng vẫn còn sử dụng ngôn ngữ dễ dãi, thoải mái, chưa chuẩn trong biên tập dẫn đến nhầm lẫn và hiểu sai, dẫn đến tình trạng “ô nhiễm” ngôn ngữ. Vậy nên các cơ quan báo chí như đài truyền hình, đài phát thanh… phải đi đầu, gương mẫu trong việc tuyên truyền cũng như giữ gìn tiếng Việt.
Tình yêu tiếng Việt thực tế đang bị suy giảm nghiêm trọng trong thời kỳ lên ngôi của những ngoại ngữ khác. Khi tiếng Việt không được tôn trọng nghĩa là không tôn trọng người nghe, cũng là không tôn trọng chính mình.
Thử hình dung nếu cứ tiếp tục co kéo tiếng Việt thành thứ ngôn ngữ “teen”, ngôn ngữ biến hình biến dạng của từng người, từng nhóm người thì 10 năm, 20 năm tới con cháu chúng ta sẽ còn lại gì với thứ ngôn ngữ chẳng khác gì “ô hợp”, “tạp chất”?
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (Ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày mai 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận