21/12/2020 09:23 GMT+7

Tiếng Việt không bị ảnh hưởng nhiều từ tiếng Hán

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Đây là vấn đề được chú ý nhiều tại hội thảo khoa học quốc tế Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực do Viện Ngôn ngữ học tổ chức ngày 20-12 tại Hà Nội, do GS Mark Alves đưa ra.

Tiếng Việt không bị ảnh hưởng nhiều từ tiếng Hán - Ảnh 1.

Một giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1 ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong trình bày của mình, GS Mark Alves không chỉ bổ sung cho một kết luận từng được đưa ra từ năm 1882 rằng tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á nhưng không có nhiều bước tiến trong nghiên cứu suốt 150 năm qua, mà còn đưa ra nhiều minh chứng cho thấy tiếng Việt nguyên thủy độc lập với tiếng Hán.

Theo Mark Alves, trong nghiên cứu này, ông sử dụng một khối lượng từ vựng bản ngữ trong tiếng Việt lớn hơn bất cứ nghiên cứu nào công bố trước đây, với hơn 1.000 từ.

Trong đó, ông phát hiện hơn 750 từ nguyên bản địa, hơn 220 từ nguyên gốc hệ Nam Á hoặc Nam Á khu vực. Chỉ có khoảng 120 từ được tìm thấy là từ vay mượn, bao gồm 100 từ vay trong tiếng Hán cổ và Hán trung cổ.

Trong trường ngữ nghĩa sản xuất lúa gạo, từ vựng tiếng Việt hiện nay có rất nhiều từ nguyên bản địa.

GS Mark Alves kết luận tổ tiên người Việt là những người trồng lúa nước, đã có một nền văn hóa mạnh mẽ trước khi tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc.

Ông cho biết trong một nghiên cứu ban đầu của ông về 2.000 âm tiết tiếng Việt thì có chưa đến 25% là âm Hán Việt mượn từ tiếng Hán trung cổ, 75% là âm tiết tiếng Việt bản ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á (Việt Mường hoặc thuần Việt). "Mức độ Hán hóa trong tiếng Việt là điều chúng ta cần xem xét lại" - GS Mark Alves nói.

Quan điểm của ông nhận được sự quan tâm thảo luận của các nhà nghiên cứu trong nước.

Nghiên cứu về tiếp nhận từ Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại, PGS.TS Phạm Hùng Việt - nguyên viện trưởng Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam - trong chia sẻ với Tuổi Trẻ cũng đồng tình rằng cần phải đánh giá lại mức độ Hán hóa trong tiếng Việt, xem lại con số 60% từ Hán Việt trong tiếng Việt mà lâu nay giới ngôn ngữ thường nói.

Theo PGS Việt, đây là con số được ông H. Maspero - nhà ngôn ngữ học khá nổi tiếng trong nghiên cứu về tiếng Việt và tiếng Hán - đưa ra từ năm 1910 và từ đó các nhà ngôn ngữ của ta cứ dẫn theo mà ít có nghiên cứu cập nhật.

PGS Việt từng làm đề tài nghiên cứu đi sâu vào khảo sát và mới đây đã xuất bản thành sách (cuốn Từ ngữ Hán Việt tiếp nhận và sáng tạo, NXB Khoa Học Xã Hội năm 2018) cho thấy chỉ có chưa tới 40% là từ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay.

Tỉ lệ này khác nhau ở các ngành khác nhau. Tỉ lệ từ Hán Việt thấp nhất là trong ngành xây dựng, chỉ có hơn 20%, nhưng trong lĩnh vực báo chí và kinh tế thì từ Hán Việt lên tới 60%, thậm chí 70%.

Đề xuất có Ngày tiếng Việt Đề xuất có Ngày tiếng Việt

TTO - Hội thảo khoa học "Tiếng Việt trong Truyện Kiều" ngày 25-9 tại TP Hà Tĩnh mang đến gần 50 bài tham luận của các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà giáo, người yêu Truyện Kiều cả nước. Tất cả đều cùng ngợi ca vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên