Các diễn giả chia sẻ tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Đông |
Các Việt kiều trong cuộc nói chuyện ngày 17-5, chủ đề Vượt qua khoảng cách thế hệ trong văn hoá Việt, đã chia sẻ về những cách biệt trong gia đình đặc biệt của mình, họ đã vượt qua những khoảng cách ấy như thế nào. Buổi nói chuyện do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức tại Trung Tâm Hoa Kỳ, TP. HCM.
Theo các diễn giả, việc tìm hiểu Việt Nam đem lại nhiều trải nghiệm thú vị, khám phá những điều chưa từng tưởng tượng về đất nước hình chữ S khi còn ở Mỹ.
Nhưng cùng với đó, họ cũng đối mặt với những khác nhau giữa hai nền văn hoá. Melinh Rozen, trưởng khoa tiếng Anh công ty khởi nghiệp Everest Education, kể lại câu chuyện thú vị về việc những bạn bè người Việt thường sống cùng ông bà, cha mẹ trong một đại gia đình, bị gò bó về thời gian.
Ở Mỹ không có chuyện đó, cô nói. Nhưng ngược lại, những người bạn Mỹ hoàn toàn mất kết nối với xã hội sau khi lập gia đình vì phải tự mình làm mọi việc từ chăm con đến làm việc nhà. Nhà làm phim Jenni Trang Le, cũng từng bước làm quen với văn hoá Việt Nam từ những người trong gia đình, họ hàng, qua áo dài, nón lá, những câu hỏi “chừng nào lấy chồng”.
Biết ơn vì bị bắt học tiếng Việt
Nhưng để kết nối với nguồn cội văn hoá ấy, tiếng Việt là một cầu nối quan trọng. Anh Khanh Nguyen, viên chức lãnh sự thuộc tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cho biết văn hóa Việt Nam hiện hữu rất mạnh mẽ trong gia đình anh. Lúc còn nhỏ có những chuyện anh không hiểu vì sao ba mẹ cứ bắt mình làm vậy, như đi chùa mỗi chủ nhật, hay bắt đi học các lớp tiếng Việt.
“Nhưng khi lớn lên, trở về Việt Nam làm việc, tôi mới thấy được mình may mắn như thế nào khi được học tiếng Việt, được ba mẹ giữ cho nếp văn hóa truyền thống của người Việt”, anh chia sẻ. Ngày nay, làm việc tại TP.HCM, tiếng Việt giúp anh thấu hiểu hơn những người thân trong gia đình và là công cụ đắc lực trong công việc.
Các diễn giả giao lưu với khán giả tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Đông |
Trong khi đó, luật sư Khanh Nguyen kể lại câu chuyện qua Mỹ khi còn nhỏ và luôn háo hức nói tiếng Anh mọi nơi, bị cuốn vào văn hoá Mỹ và bạn bè tại xứ sở cờ hoa. Nhưng cha mẹ anh luôn muốn con cái không được quên tiếng Việt.
“Tôi và chị tôi về nhà cứ nói tiếng Anh suốt và ba mẹ tôi ghét chuyện đó lắm. Họ thậm chí còn phạt bằng cách cho chúng tôi ăn các món ớt”- anh cười kể lại. “Hồi nhỏ tôi thấy thật kinh khủng vì chúng tôi luôn muốn sống kiểu Mỹ, luôn không ngừng tự hỏi vì sao cha mẹ lại bắt chúng tôi như vậy”.
“Nhưng khi lớn lên và về Việt Nam sống, tôi thấy được việc học Tiếng Việt quan trọng như thế nào với nghề luật sư của mình - Khanh tâm sự - Vì vậy nhìn lại quãng thời gian khi xưa, tôi thấy biết ơn”.
Còn Jenni cũng thừa nhận việc “sõi” tiếng Việt, hiểu hơn về văn hoá Việt Nam giúp cô thân thiết hơn với những người thân trong gia đình. “Lúc qua Mỹ lại, tôi có thể ngồi lai rai vài chai bia với các cô các cậu rồi nói đủ thứ chuyện, có cả chuyện nhạy cảm mà trước đó chúng tôi không nói với nhau bao giờ”, Jenni vui vẻ kể.
“Tôi mở lòng mình hơn, cô cậu tôi cũng cởi mở hơn”. Jenni chia sẻ cô cũng đang lên kế hoạch thuyết phục mẹ sang đây ở luôn với mình.
Bà Alena Joseph, tùy viên báo chí Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM (trái), chụp ảnh cùng các diễn giả - Ảnh: Ngọc Đông |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận