Ông Trần Quốc Dũng (trái) vui mừng trong ngày nhận quyết định đình chỉ điều tra - Ảnh: T.L.
Với các quyết định này, ông Dũng đã được minh oan về hai tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" mà ông bị truy tố suốt 5 năm qua.
Chiếm nhà của mẹ ruột?
Bà Nguyễn Thị Hồng (mẹ ông Dũng) là chủ sở hữu căn nhà 29B Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Từ năm 2003, bà Hồng giao cho ông Dũng được toàn quyền sử dụng giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà này.
Kết quả điều tra cho thấy tháng 3-2011, do cần tiền để kinh doanh nên ông Dũng tự soạn thảo ra một giấy ủy quyền ghi ngày 26-3-2010 với nội dung bà Hồng ủy quyền cho ông Dũng được quyền mua bán, sang nhượng cầm cố căn nhà trên.
Ông Dũng giả chữ ký của bà Hồng, sau đó đưa toàn bộ hồ sơ cho một người tên Nguyễn Việt Hùng. Hùng đã giúp ông Dũng ký tên, đóng dấu giả của Phòng tư pháp Q.1 chứng thực việc ủy quyền.
Sau khi có giấy ủy quyền giả, ông Dũng gặp bà Trần Thị Kiều Trang (ngụ Q.Phú Nhuận) để vay 1,5 tỉ đồng.
Theo yêu cầu của hai bên, công chứng viên của Văn phòng công chứng Củ Chi đã đến tận nhà bà Trang để lập hợp đồng công chứng.
Nội dung hợp đồng thể hiện ông Dũng thế chấp nhà 29B Điện Biên Phủ cho bà Trang để vay 1,5 tỉ đồng. Sau đó, ông Dũng dùng toàn bộ số tiền này để đầu tư làm ăn.
Tháng 3-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có kết luận và đề nghị truy tố ông Dũng về hai tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Năm tháng sau, TAND TP.HCM xét xử và tuyên phạt ông Dũng 9 năm tù về hai tội danh nêu trên.
Tuy nhiên, bản án này sau đó bị TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy để điều tra lại. Lý do là các cơ quan tố tụng chỉ mới làm rõ được ông Dũng có thủ đoạn gian dối khi sử dụng tài sản không thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho hợp đồng vay tài sản.
Hành vi gian dối là dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm này.
Người phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Việc ông Dũng có hành vi chiếm đoạt tài sản hay không vẫn chưa được làm rõ.
Tháng 11-2017, Công an TP.HCM kết thúc điều tra lại, chuyển hồ sơ vụ án đề nghị viện kiểm sát tiếp tục truy tố ông Dũng về hai tội danh nêu trên.
Theo cơ quan điều tra, hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Dũng thể hiện ở chỗ dùng giấy ủy quyền giả để ký hợp đồng vay tiền của bà Trang.
Ông Dũng biết nội dung ủy quyền có chứng thực là giả nhưng vẫn xuất trình để lừa dối công chứng viên. Tuy nhiên khi tiếp nhận hồ sơ, Viện KSND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Mẹ ruột bất ngờ thay đổi lời khai
Quá trình điều tra, bà Hồng nhiều lần khẳng định căn nhà 29B là của bà, việc ông Dũng đi thế chấp nhà để vay tiền bà không biết. Tuy nhiên đến tháng 6-2018, bà Hồng bất ngờ thay đổi lời khai.
Theo bà Hồng, căn nhà số 29B Điện Biên Phủ là do vợ chồng bà mua từ trước năm 1975. Sau khi vợ chồng bà ly hôn thì căn nhà số 29B do bà toàn quyền sở hữu.
Năm 2003, bà Hồng có ý định cho ông Dũng căn nhà nên đã ký giấy cho ông Dũng được toàn quyền định đoạt đối với căn nhà số 29B.
Mục đích ủy quyền là để ông Dũng thế chấp nhà cho ngân hàng vay vốn làm ăn. Thời hạn ủy quyền là 5 năm.
Việc con trai thế chấp nhà cho bà Trang để vay tiền, bà Hồng không biết. Đến khi bà Trang yêu cầu bàn giao căn nhà do ông Dũng nợ tiền thì bà Hồng mới biết con trai dùng giấy ủy quyền giả để thế chấp căn nhà.
Vào thời điểm ông Dũng thế chấp nhà cho bà Trang, căn nhà có giá khoảng 6 tỉ đồng. Số tiền này lớn hơn rất nhiều khoản nợ 1,5 tỉ đồng mà ông Dũng vay. Do sợ bà Trang chiếm mất căn nhà nên bà Hồng mới khai căn nhà thuộc sở hữu của bà và chưa tặng cho con.
Theo bà Hồng, thực chất bà đã cho tặng ông Dũng căn nhà từ năm 2003 nhưng chưa làm thủ tục theo quy định.
Riêng ông Dũng thì luôn cho rằng ông được mẹ giao giấy chủ quyền nhà để khi nào cần tiền thì cứ thế chấp vay vốn làm ăn. Riêng giấy ủy quyền giả là do các đối tượng khác tự làm rồi mang đến đưa cho bà Trang chứ ông không biết và cũng không làm giả.
Kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy việc bà Hồng ký hợp đồng ủy quyền cho ông Dũng được định đoạt căn nhà là có thật.
Nhận thấy hành vi của ông Dũng không cấu thành tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông.
Cơ quan điều tra cho rằng hành vi ông Dũng giả giấy ủy quyền của mẹ đã cấu thành tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Tuy nhiên, do chuyển biến của tình hình mà hành vi này không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, người đại diện của ông Dũng cho biết ông rất vui mừng khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra.
Bị tạm giam hơn 2 năm, bị điều tra, truy tố và xét xử oan trong 5 năm, ông Dũng và luật sư của mình sẽ yêu cầu các cơ quan tố tụng xin lỗi công khai và bồi thường oan sai thời gian tới.
Giấy ủy quyền giả nhưng công chứng không biết
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã yêu cầu Văn phòng công chứng Củ Chi nêu căn cứ của việc chứng thực hợp đồng vay tiền và thế chấp quyền sở hữu nhà giữa ông Dũng và bà Trang.
Câu hỏi đặt ra là Văn phòng công chứng Củ Chi là đơn vị chứng thực hợp đồng vay tiền và thế chấp tài sản dựa trên hợp đồng ủy quyền giả thì có hợp pháp không?
Mặc dù giấy ủy quyền của Phòng tư pháp Q.1 bị làm giả nhưng Văn phòng công chứng Củ Chi vẫn cho rằng giấy ủy quyền được ký tên thật và sử dụng con dấu thật. Chính giấy ủy quyền này là căn cứ để văn phòng công chứng hợp đồng vay tiền.
"Tôi bị oan"
Năm 2017, đoàn công tác kiểm sát việc tạm giữ tạm giam do ông Nguyễn Nhật Nam - phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM - dẫn đầu đi kiểm tra tại trại tạm giam Chí Hòa thì nghe tiếng thét lớn phát ra từ khu giam giữ: "Tôi bị oan, người ta lập mưu đưa tôi vào đây, tôi không lừa đảo"...
Nghe vậy, ông Nam và đoàn công tác đã đến đứng trước cổng buồng giam để nghe ông Trần Quốc Dũng trình bày về vụ án trong khoảng 10 phút.
Ông Nam đã chỉ đạo cấp dưới rà soát, kiểm tra lại vụ án. Nhiều cuộc họp liên ngành cho ý kiến về vụ án này đã diễn ra. Cơ quan điều tra và tòa án cương quyết bảo vệ quan điểm là ông Dũng có tội.
Trong khi đó, Viện KSND TP.HCM cho rằng ông Dũng có hành vi gian dối nhưng hành vi của ông không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau hai lần viện kiểm sát trả hồ sơ nhưng cơ quan điều tra không đáp ứng được các yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã phải đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Dũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận