uẩn ức đầy tuyệt vọng trong đêm ấy, tiếng gào bất lực của đứa trẻ ấy là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên. Tiếng thét đó thay đổi cách nhìn của tôi về một lớp người, cũng như hành vi sống của một người phụ nữ là tôi.
Hình ảnh cháu gái ấy đã đưa tôi đến những hoạt động xã hội, mở lòng ra với những em gái, những chị em phụ nữ thiếu may mắn, phải chọn hay bị làm việc bán thân mà sinh sống.
"Tụi bây giết tao đi, giết tao đi!..."
Đêm giữa mùa thu yên lành năm đó, bên khung cửa sổ, một thói quen mỗi tối, tôi ngồi nhìn sự bình yên, rũ bỏ mọi vất vả của một ngày làm việc tất bật.
Trong bầu không khí mát dịu thấm đẫm hương từ cây ngọc lan trước sân, bỗng vang rõ trong đêm thanh tĩnh là tiếng bước chân chạy nhanh từ đầu con hẻm.
Tôi choài người qua cửa sổ quan sát.
Một cô gái dáng nhỏ thó với mái tóc rối tung từ xa chạy tới. Rồi tiếng xe máy trờ tới liền sau đó, thắng rét... rét! Trên chiếc xe là đứa con trai tầm 25 tuổi, chở người phụ nữ trạc 40, cả hai nhảy xuống xe lớn tiếng sừng sộ: "Về ngay, con đ... Tao đập chết mẹ mày cho chừa!".
Đứa con gái nhỏ, giờ tôi đã thấy mặt cháu, vừa vùng vẫy dưới cái túm chặt của tên thanh niên vừa gào lên: "Tao không về!... Tụi bây giết tao đi, giết tao đi!...".
Tiếng gào tuyệt vọng trong đơn côi đó dội mạnh vào lồng ngực tôi đau buốt. Tôi như bị thôi miên, mắt dán chặt vào cô bé.
Con bé không hề khóc, nó chống cự rồi quăng người nằm dài dưới đất để hai người kia không túm được mà lôi nó lên xe.
Nó cứ thét lên, mặc dù trong tiếng thét đó tôi nghe được sự tuyệt vọng âm vang. Nó hiểu sẽ không ai thèm giúp một đứa con gái son phấn lòe loẹt trong bộ đồ hớ hênh trên đường khuya khoắt này...
Trong đầu tôi nhiều câu hỏi vụt qua: Con bé hư trốn nhà đi bụi, bị người thân đi tìm lôi về? Hay bị nợ nần? Nhưng thắc mắc đó tan nhanh khi tôi nghe con bé tiếp tục gào thét: "Tụi bây giết tao đi..., giết tao đi, tao không về chỗ đó!".
Tiếng thét của một đứa trẻ cùng đường đau đớn, phải lựa chọn cái chết thay sự sống. Trời ơi! Có phải con bé bị ma cô và tú bà bắt về động chứa? Có phải con bé đã quá hãi hùng với công việc dập vùi nó?
Ôi, con bé nhỏ lắm, chỉ lớn hơn con gái tôi vài tuổi thôi, chừng 15-16 thôi mà!...
Tôi không thở nổi. Tim tôi như ngưng đập. Tôi lật đật chụp chiếc điện thoại di động (tôi phản xạ như chính tôi đang bị tấn công), bấm số anh công an xã như để chính tôi phải thoát cho được tình cảnh đó.
Tôi nói nhanh trong hổn hển về chuyện tôi thấy, đề nghị anh cho chặn các con đường khu vực để giải cứu con bé. Anh công an xã tiếp nhận sự việc và nói sẽ triển khai nhanh.
Rồi hai kẻ kia cũng lôi được cô gái nhỏ đi. Tôi lần về phòng con gái, mở nhẹ cửa, ngồi bệt ở cửa phòng mà ngắm nhìn con ngủ ngon lành trong chăn ấm nệm êm. Mắt tôi nhòe đi...
Tôi đến với công tác xã hội
Sáng hôm sau, tôi ra công an hỏi tình hình con bé đó. Tôi mong ước cháu nó đã được gia đình đón về. Nhưng không, một sự hụt hẫng khác.
Anh công an thông tin cho tôi là cháu gái đó được đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, ở đó cháu sẽ có cơ hội tránh xa bọn chủ chứa và được dạy nghề, cháu sẽ có cơ hội trở lại xã hội đàng hoàng hơn.
Đó cũng là nguyện vọng của cháu, cháu không muốn về nhà vì chính gia đình đã đưa cháu đến địa ngục kia.
Anh công an đã hỏi vì sao tôi quan tâm và nhiệt tình giúp cô bé ấy, tôi đã không trả lời được, đó chẳng qua là bản năng của một người phụ nữ, một người mẹ. Tôi về nhà với nỗi buồn khó tả.
Cùng trang lứa, con gái tôi may mắn có được cuộc sống đàng hoàng, sung sướng, còn cháu gái kia đã bước vào đời với bao sự đắng cay trong khoảng đời đáng lẽ ra phải rất đẹp.
Tôi tự hỏi mình chắc nhiều lắm những cô bé đáng thương phải sống trong thân phận nhơ nhuốc tận đáy xã hội như thế. Đó là những cô gái mà trước đây tôi luôn nhìn bằng ánh mắt khinh rẻ và lên án.
Nhưng giờ thì tôi đã hiểu các em, các cháu có những thân phận và cảnh đời quá đặc biệt.
Hình ảnh cháu gái ấy đã đưa tôi đến những hoạt động xã hội, mở lòng ra với những em gái, những chị em phụ nữ thiếu may mắn, phải chọn hay bị làm việc bán thân mà sinh sống.
Những đóng góp của tôi không nhiều, nhưng mong rằng nó sẽ giúp các cháu, các em gái biết cách giữ sức khỏe để không vướng vào bệnh tật, hay một ngày nào đó các em gái ấy có thể tìm được lối ra tốt hơn cho cuộc đời.
Cho tận đến ngày nay và mãi mãi, tôi không thể quên cháu gái với tiếng hét tuyệt vọng ấy. Và cứ mỗi lần nhớ lại là mỗi lần tôi bị xúc động mạnh.
Cảm ơn cháu gái đã thay đổi cách nhìn của tôi về những góc tối xã hội. Cháu đã giúp tôi có cách nhìn nhân văn hơn đối với mọi ngõ ngách cuộc đời.
Thay vì chê trách, khinh khi, tôi đã chọn làm gì đó có ích hơn.
Từ ngày 15 đến 19-10, cuộc thi "" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Trần Đình Khả, Nguyễn Thị Bạch Vân, Nguyễn Thị Tuyết, Phạm Như Duy, Đoàn Thị Minh Châu, LHMD, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Thảo, Lê Hoàng Hiệp, Đỗ Phạm Anh Thư (TP.HCM); Phan Đình Mậu (Hà Nội), Nguyễn Thị Hằng (Đà Nẵng); Trần Văn Tuấn, Nguyễn Văn Hay (Quảng Nam), Trần Thị Tiêu (Huế); Đặng Thu Phượng (Bình Định); Ngô Tấn Thủy Tiên, Lê Đức Quang (Khánh Hòa); Nguyễn Hoàng Nhân (Cần Thơ); Trần Văn Đường (Tây Ninh), Trần Thị Thanh Huyền (Tiền Giang), Dương Thị Thao (Bình Dương), Ngô Văn Quyên, Khang Thuy.
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi vui lòng gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email [email protected]. Trân trọng.
“Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”
* Thể lệ:
Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.
* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.
* Tiêu chí:
Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).
* Đối tượng dự thi:
Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).
Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.
* Giải thưởng:
Nhất: 30 triệu đồng.
Nhì: 20 triệu đồng.
Ba: 10 triệu đồng.
Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc:
Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động. Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, VN. Hoặc email: [email protected].
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận