Phóng to |
Bên trong trung tâm VOV giao thông ở Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Ngọc Thắng |
Lời kể từ màn hình camera
Vào một ngày tháng 3, Hà Nội còn mưa phùn và rét nàng Bân, người phụ nữ điều khiển xe gắn máy chở theo bé trai đang ở lứa tuổi mẫu giáo đi trên đường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội). Sau một cú va chạm gần ngã ba, người phụ nữ bị ngã vào gầm xe bồn và bánh xe chèn lên người. Những tiếng la hét, hoảng loạn của người đi đường. Tiếng hụ còi của xe cứu thương, cảnh sát và tiếng khóc điên loạn của những người thân của hai mẹ con là những hình ảnh được truyền về trung tâm VOV giao thông Hà Nội. Tất cả mọi sự vật vã đều vô nghĩa, tất cả mọi nỗ lực cố gắng đều bằng không bởi cả bà mẹ và em bé đều đã vĩnh viễn ra đi sau cú va chạm kinh hoàng ấy.
...Sáng sớm, đường Giải Phóng (Hà Nội) vẫn còn thưa xe chạy qua lại. Một chàng trai chở một cô gái trên chiếc xe gắn máy. Qua ngã tư, chiếc xe va chạm với một xe tải. Cô gái bị ôtô chèn qua người. Chàng trai bị văng ra xa ngồi lên nhìn bạn gái dưới gầm xe rồi nhảy lên điên loạn. Khi người đi đường xúm lại xem tai nạn giao thông thì màn hình camera không còn nhìn thấy chàng trai đâu nữa. Chiếc xe gắn máy để lại hiện trường. Vài tiếng sau, người nhà cô gái từ Thái Nguyên xuống hiện trường vụ tai nạn, vật vã bên xác người thân.
...Giữa giờ phát sóng trực tiếp chương trình “Quà tặng âm nhạc”, trong khi các ca sĩ đang véo von hát về tình yêu, về sự nhớ nhung lãng mạn của một ca khúc “hit” thì trung tâm VOV nhận được thông tin về vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng xảy ra tại Thường Tín (Hà Nội). Những hình ảnh mà phóng viên hiện trường đưa về khiến người dẫn chương trình rụng rời chân tay mất cả phút, không thể thốt được nên lời. Không phải một mà có đến 21 người trong chiếc xe 16 chỗ bị văng ra nằm rải rác trên quốc lộ.
Tiếng thét từ hiện trường
Trong vụ tai nạn đường sắt thương tâm nói trên, phóng viên từ hiện trường vừa ghi hình vừa điện thoại về trung tâm VOV tường thuật diễn biến vụ việc: “Kèm theo tiếng phóng viên tường thuật là tiếng người la hét, tiếng còi xe cứu thương, tiếng than khóc, tiếng vật vã đến não lòng. Camera zoom đến đâu những hình ảnh hãi hùng hiện ra đến đấy. Phóng viên tường thuật cũng không thể nói tròn vành rõ chữ bởi cảnh tượng quá thê thảm trước mắt”. Chị Kiều Tuyết, biên tập viên chương trình VOV, vẫn còn nguyên xúc động khi nhắc lại vụ tai nạn thảm khốc đó.
Còn anh Đinh Xuân Hào, phóng viên hiện trường, muốn khuỵu ngã khi là một trong những người đầu tiên đến tác nghiệp cạnh chiếc xe hư hỏng nặng, hàng chục người chết và bị thương nằm rải rác suốt quốc lộ: “Người dân la hét vì xúc động, trên mặt đường người chết, người bị thương nằm rải rác khắp nơi”. Chiếc ôtô bị tàu đâm giắt vào lan can, còn hai thi thể kẹt lại trên xe. Mọi công tác cứu hộ được tiến hành nhưng cú va chạm định mệnh đó đã khiến ít nhất bảy người chết. Đó có lẽ là hình ảnh khủng khiếp nhất mà anh Hào chứng kiến trong cuộc đời tác nghiệp của mình. “Đó là một đám cưới, bạn ạ”.
...Gắn bó với chương trình VOV giao thông Hà Nội ngay từ số đầu tiên, biên tập viên Kiều Tuyết xúc động mạnh khi nhắc đến những hình ảnh được truyền từ camera hiện trường về. “Có quá nhiều vụ tai nạn ám ảnh khiến tôi bàng hoàng đến cả một thời gian dài. Nhưng u ám nhất là vụ tai nạn giao thông ở gần đường Kim Giang vào đúng Ngày quốc tế phụ nữ cách đây vài năm”. Trong suốt nhiều ngày sau đó, cảm giác u ám, buồn thảm của vụ tai nạn còn luẩn quẩn vào cuộc sống của chị: “Tôi không thể nào thoát ra được những hình ảnh đó, kể cả khi đã về đến nhà. Sau này phóng viên tác nghiệp thì được biết thêm đứa trẻ mất cùng mẹ trong vụ tai nạn là cháu đích tôn, là độc đinh của họ nhà đó”.
Ám ảnh tai nạn
Có hơn 100 camera đặt ở các ngã tư, các “điểm đen” giao thông trên đường phố Hà Nội, những camera này không chỉ phản ánh về trung tâm VOV về tình hình giao thông mà còn lưu lại tất cả những gì diễn ra trong phạm vi ống kính sao chụp. Đây cũng là địa chỉ mà Công an TP Hà Nội thường “ghé thăm” để đề nghị xem lại những băng ghi hình cũ trong một số vụ tai nạn giao thông để giải quyết. Tuy nhiên, không ít người dân cũng tìm đến trung tâm VOV đề nghị làm những việc tương tự.
Một cậu sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Hà Nội chở mẹ ra bến xe để về quê, trên đường trở về qua đường Trường Chinh cậu bị tai nạn mất. Người mẹ nhận được tin báo trở lên Hà Nội nhận thi thể con với nỗi đau đớn không thể chia sẻ: hiện trường vụ tai nạn đã được giải tỏa, người gây tai nạn không còn ở đó; nguyên nhân, diễn biến tai nạn cũng không ai nắm được. Nghe người ta mách, người mẹ đau khổ này tìm đến trung tâm VOV hi vọng được xem lại cảnh quay vụ tai nạn. Tuy nhiên, do trời mưa và góc quay của camera không hướng đến hiện trường vụ tai nạn nên không có manh mối nào được tìm thấy.
Một ngày khác, trung tâm VOV giao thông Hà Nội có một người đàn ông trung niên đến đề nghị được giúp đỡ. Lý do, người thân của anh đã bỏ đi đâu không rõ, người đàn ông này đề nghị được xem những đoạn phim lưu về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố để tìm manh mối. “Tôi thấy thật đau đớn khi người dân buộc phải nghĩ đến tai nạn giao thông, họ cuống cuồng chạy vào bệnh viện, đồn cảnh sát giao thông và VOV. Tại sao một vấn đề không liên quan lại trở thành liên quan thế?” - chị Kiều Tuyết đặt câu hỏi.
Gắn bó từ đầu với VOV giao thông, hàng chục anh chị em phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình không còn lạ lẫm với những hình ảnh về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. “Khi tính mạng một con người bị mất đi ai cũng đau xót cả, nhưng rồi cũng quen dần với những hình ảnh này. Tôi chỉ mong sẽ càng bớt đi bao nhiêu tai nạn càng tốt, khoảng cách các vụ tai nạn càng dài bao nhiêu càng mừng bấy nhiêu” - anh Đinh Xuân Hào nói.
________________________
Kỳ tới: Thiên đường mong manh
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận