03/12/2011 02:43 GMT+7

Tiếng rao tàu hủ

NGUYỄN THIỆN LỆ NHIÊN
NGUYỄN THIỆN LỆ NHIÊN

TT - “Ai tàu hủ không?”... Tiếng rao quen thuộc vang vọng trong con hẻm 134 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TP.HCM, nơi chúng tôi đang sống.

Ai trong khu hẻm này cũng nhiều lần nghe qua tiếng rao của cô Thúy, người phụ nữ trông già hơn cái tuổi 46, với gánh tàu hủ trên vai. Mười mấy năm tần tảo, ba con của cô đã vào ĐH. Câu chuyện của cô được nhiều người khách quen ăn tàu hủ truyền tai nhau với sự khâm phục thật sự.

4F2zYgxw.jpgPhóng to

Cô Thúy bên gánh tàu hủ mưu sinh của mình - Ảnh: L.N.

Quê cô Thúy ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Một mình lặn lội vào TP.HCM tìm kế mưu sinh để chắt chiu món tiền cho con đi học, cô không ngại ngần vai oằn, chân mỏi cho tương lai của con. Mỗi năm, mỗi tuổi chồng chất nhưng bước chân cô lại mạnh mẽ hơn, nhanh hơn với gánh tàu hủ mỗi lần nghe tin những đứa con hiếu thảo của mình lần lượt đậu vào các trường ĐH, CĐ: con trai lớn và em kế vào ĐH kinh tế ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh, đứa con út học CĐ sư phạm tại quê nhà để gần gũi và chăm sóc cho cha.

Con học càng lên cao, gánh tàu hủ càng nặng, ngày của cô càng dài hơn. Bán từ sáng đến chiều, tối ngâm, xay đậu tới 0g, 2g sáng trở dậy nổi lửa để chuẩn bị nồi tàu hủ. Ngày ngày cứ thế trôi qua. Cô chỉ ngả lưng một ngày hai giờ trong căn phòng trọ nhỏ bé. Hai giờ ngắn ngủi ấy dành cho hi vọng hướng về những đứa con: mong ngày chúng ra trường, tự lập. Ngày ấy, chắc cô sẽ hạnh phúc lắm.

Thế nhưng cuộc đời vốn không chiều lòng người. Cách đây hai năm, bất hạnh bỗng đổ lên đầu cô khi hay tin con trai đang đi xin việc thì bị tai nạn giao thông. Nhận được hung tin, cô quăng gánh tàu hủ, bổ nhào chạy đi tìm con nhưng không kịp. Ôm thi thể con trai mà cô không thốt được một lời, nước mắt cũng không chảy ra được. Cả xóm tôi nghe tin ấy ai cũng quặn thắt trong lòng.

Rồi sau bốn ngày tang lễ cho con, gánh tàu hủ lại cùng cô đi khắp các con hẻm, tiếng rao “Ai tàu hủ không” lại cất lên nhưng nghe thật não nề và buồn bã. Chúng tôi nhìn theo cô, lòng thêm khâm phục. Cô vẫn phải bước đi vì hai đứa con còn lại.

Hình ảnh của cô làm tôi nhớ về người mẹ tảo tần của mình. Tôi vui khi trước 21g nhìn ra đầu hẻm thấy gánh tàu hủ nhẹ hẫng trên vai cô. Tôi lo trong lòng khi hơn 21g vẫn thấy cô ngồi co ro bên gánh hàng chờ khách.

Nhiều lần tôi hỏi: “Mai mốt hai con trai ra trường, cô nghỉ bán chứ?”, cô chỉ một câu trả lời: “Tụi nó tự lo được bản thân là cô mừng lắm rồi, tự lập rồi còn phải lấy vợ. Đâu cần lo cho cô”. Rồi cô mỉm cười - nụ cười chất chứa nỗi vất vả, sự hi sinh và niềm hi vọng nhỏ nhoi của một người mẹ. Người xóm tôi cũng thương cô như vậy. Có người thân tình mời cô bữa ăn sáng bằng chén cơm nguội, có người đi ngang dúi cho ổ bánh mì, trái bắp... Sẻ chia đơn giản nhưng đầy ắp tình người.

Mời bạn đọc cộng tác với chuyên mục Khoảnh khắc cuộc sống thông qua email: [email protected].

NGUYỄN THIỆN LỆ NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên