Một chiếc loa công suất lớn được sử dụng để hát trên đường - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tôi có thời gian công tác ở công an phường của một quận vùng ven và đã gặp chuyện người dân phản ảnh bức xúc vì karaoke khá nhiều. Mặc dù có quy định xử phạt nhưng để có thể xử phạt và để người bị phạt "tâm phục khẩu phục" thì thật không dễ.
Ai phạt, phạt ai?
Không chỉ phường tôi mà nhiều nơi khác khi người dân gọi điện lên phản ảnh, thường cảnh sát khu vực sẽ đến nhắc nhở. Bao năm công tác, tôi chưa gặp trường hợp nào bị phạt do hát karaoke tại nhà gây ồn ào.
Chính quyền không phạt, người vi phạm không bị xử lý, người dân cứ phải tiếp tục chịu đựng. Lâu dần người ta xem chuyện ca hát hết cỡ là chuyện bình thường.
Nhưng vì sao không phạt? Xử phạt các trường hợp hát hò gây ảnh hưởng đến người xung quanh không hề đơn giản!
Trước hết, phải có đoàn kiểm tra liên ngành dưới sự chủ trì của UBND cấp phường. Tiếp đến cần có phương tiện đo tiếng ồn theo quy định. Tiếng ồn là thứ nghe được nhưng không nhìn thấy được nên phải có chứng cứ thuyết phục mới thực hiện việc xử lý. Trong khi người mở âm thanh lớn chỉ cần thấy bóng dáng cơ quan chức năng họ sẽ chủ động "điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe".
Nhiều tiệc nhậu ngoài vỉa hè, ban đầu chủ nhà (chủ bữa tiệc) chỉ đãi ăn uống, thế nhưng sau khi đã có hơi men một số người cao hứng gọi điện thuê loa thùng đến hát nhạc sống. Chủ nhà dù không thích cũng phải im lặng vì không muốn khách buồn. Trong trường hợp này, giả sử đo được tiếng ồn vượt quá quy định nhưng xử phạt ai là việc phải cân nhắc kỹ.
Sự thiếu ý thức của một số người cùng với việc chính quyền địa phương chưa kiên quyết trong xử lý nên chuyện "ô nhiễm" tiếng ồn vẫn làm khổ người dân.
Chính quyền phải kiên quyết!
Cá nhân tôi thấy so với chuyện giảm tội phạm, giảm tai nạn giao thông, giảm xả rác… thì việc chống "ô nhiễm" tiếng ồn đơn giản hơn nhiều. Kẻ trộm lén lút cỡ nào ta còn bắt được huống gì chuyện hát hò cứ diễn ra công khai, ở xa còn nghe thấy.
Giải quyết tình trạng này nên bắt đầu từ việc cấm các hoạt động ca hát phát sinh tiếng ồn trong giờ nghỉ ngơi. Sau đó, trang bị máy đo tiếng ồn cho cơ quan chức năng tất cả phường, xã, thị trấn.
Chính quyền cấp quận, phường tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở yêu cầu chủ quán "hát với nhau" cam kết mở "âm thanh vừa đủ nghe", hoạt động không quá 22h. Nếu là mặt bằng thuê mướn, cần ràng buộc trách nhiệm của chủ nhà. Đình chỉ hoạt động ca hát nếu không có giấy phép tổ chức ca nhạc. Những quán được "hát với nhau" phải chấp hành đúng giờ giấc, âm lượng. Tái phạm thì rút giấy phép kinh doanh.
Các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cũng cần bổ sung quy định về địa điểm hoạt động văn nghệ phải cách xa khu dân cư. Tránh tình trạng cấp tràn lan, hễ cứ "xin" là cấp.
Lãnh đạo thành phố và quận, huyện cần tăng cường thị sát, kiểm tra để thấy thực trạng tiếng ồn từ chuyện hát hò đang tra tấn người dân đến mức nào. Nên chăng có quy định nếu không ngăn chặn và giải quyết dứt điểm nạn ca hát gây tiếng ồn tràn lan thì chế tài lãnh đạo chính quyền cơ sở thay vì chỉ "chịu trách nhiệm".
Không thể chấp nhận vì thú vui của thiểu số mà bao nhiêu người khác bị hành hạ. Đây cũng là một thứ "rác" văn hóa, cần dọn sạch để môi trường sống được trong lành. Nếu quyết tâm làm đến nơi đến chốn, tôi tin rằng chắc chắn sẽ dẹp được!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận