Từ đầu cầu Quảng Ninh, bạn Nguyễn Mạnh Ninh gửi đến góc nhìn thú vị “muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải có con người số”. Bạn Ninh mong Đoàn giải đáp thêm về nội dung này.
“Tăng sức đề kháng” trước các thông tin xấu độc
Anh Bùi Quang Huy - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - chia sẻ muốn chuyển đổi số được phải có những con người làm việc được ở trong môi trường số, trong đó có hai yếu tố quan trọng là về nhận thức số và năng lực số.
Theo anh Huy, nhận thức quan trọng trong chuyển đổi số vì chuyển đổi số được xem là “thay đổi có tính chất phá hủy”, tức là thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, làm việc cũ.
Do đó, nếu nhận thức không đúng vai trò của nó thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi. Còn năng lực số chính là năng lực sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, thông tin - truyền thông.
Thái độ, kiến thức, kỹ năng giúp đoàn viên, thanh niên học tập, làm việc được trong môi trường số. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của Đoàn và các tổ chức khác là tạo môi trường để các bạn đoàn viên, thanh niên rèn luyện nâng cao năng lực số.
Một câu hỏi nhiều bạn trẻ quan tâm và mong muốn được giải đáp được gửi đến diễn đàn về giải pháp để giúp thanh niên tăng cường “sức đề kháng” trước các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội.
Trả lời về vấn đề này, anh Nguyễn Ngọc Lương - bí thư thường trực Trung ương Đoàn - cho biết năm 2022, từ đề xuất của Trung ương Đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030.
Đây là cơ sở rất quan trọng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đoàn và cả hệ thống.
“Bên cạnh những tiện ích mang lại, cũng có những hệ lụy, nguy cơ đối với giới trẻ trên không gian mạng, nhất là việc tiếp cận với những thông tin xấu, độc, tin giả, những sản phẩm độc hại trên không gian mạng.
Thời gian qua, Đoàn cũng đã có nhiều ấn phẩm cung cấp kỹ năng để đoàn viên thanh niên sử dụng mạng an toàn và an toàn trên không gian mạng. Chúng ta phải tự trang bị để làm phong phú thêm kho tàng kiến thức, kỹ năng và cách để kiểm chứng thông tin trên các kênh thông tin chính thống.
Đặc biệt, để thông tin tiêu cực bớt đi thì cần có những câu chuyện tích cực nhiều lên, chúng ta “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, chúng ta chung tay cùng thực hiện thì sẽ lấn át đi những sự việc xấu”, anh Lương nhấn mạnh.
Thôn bản có trở thành làng quê đáng sống?
Bạn trẻ Nguyễn Văn Trường (Thanh Hóa) trăn trở hiện nay nhiều bản làng đã thu hút người dân xa quê quay trở về cống hiến cho quê hương. Vậy làm thế nào để “thôn bản trở thành làng quê đáng sống”?
Anh Ngô Văn Cương - bí thư Trung ương Đoàn - cho biết ngay từ đầu năm Trung ương Đoàn có hướng dẫn các cấp bộ Đoàn trong việc triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, từ đó chọn lựa những giải pháp cụ thể để triển khai cho phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Sau đại dịch COVID-19, tình hình di - biến động của thanh niên về làng quê, rất nhiều lao động từ thành phố lớn về quê không trở lại làm việc.
Giải pháp của Đoàn ngoài việc đưa thanh niên, người lao động trở lại thành phố làm việc thì cũng cần có giải pháp để hỗ trợ cho những thanh niên ở lại lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình.
Bên cạnh đó, giúp các bạn tiếp cận tư vấn hỗ trợ kiến thức, giới thiệu mô hình phát triển kinh tế phù hợp; hỗ trợ vốn thông qua vốn 120, vốn ủy thác, vốn ưu đãi khác…
Lan tỏa tình yêu biển đảo, đất nước
Lắng lại trong những câu hỏi gửi về diễn đàn là dòng thư xúc động của một nữ quân nhân. Chị là con gái duy nhất của Anh hùng liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương, người đã anh dũng hy sinh với lời thề giữ vững chủ quyền biển đảo đất nước: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.
Đó là bức thư gửi từ Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân, của thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thủy.
Chị trăn trở về những giải pháp của Đoàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và những trọng trách mà các em, các con phải làm để góp phần phát huy, bảo tồn thành quả thế hệ cha ông đã xây dựng và gìn giữ.
Gửi lời cảm ơn và tri ân đến chị Thủy, anh Nguyễn Minh Triết khẳng định đối với tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, việc tuyên truyền lòng yêu nước luôn là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt.
Trong hàng chục năm qua, tổ chức Đoàn đã duy trì Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, đưa hàng nghìn cán bộ, đoàn viên, thanh niên thăm cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa.
Để mỗi người hiểu rõ hơn về công việc của những người chiến sĩ, đồng thời từ đó là những tuyên truyền viên chia sẻ những câu chuyện về biển đảo, nâng cao lòng yêu nước.
“Chúc bạn Trần Thị Thủy và các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng hải quân, đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc luôn mạnh khỏe, vững niềm tin, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, anh Triết nhắn nhủ.
Bày tỏ xúc động khi được đọc lá thư của nữ quân nhân, anh Bùi Quang Huy chia sẻ đã có nhiều chuyến công tác đến đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Ba lần đến với Trường Sa, anh đã trực tiếp chứng kiến cuộc sống của người lính ở đảo và khâm phục trước tinh thần lạc quan của các cán bộ, chiến sĩ. Sau mỗi chuyến đi Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, mỗi đoàn viên, thanh niên được chiêm nghiệm, hiểu hơn về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Sau khi được đến thăm Trường Sa máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, họ đều trở thành những nhân tố, hạt nhân lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến với đông đảo đoàn viên, thanh niên khác.
Qua đây, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng kêu gọi đoàn viên, thanh niên có trách nhiệm hơn nữa trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Làm TikTok, YouTube đúng pháp luật, nội dung văn minh
Tại diễn đàn, YouTuber Giang ơi chia sẻ trong thời đại phát triển chóng mặt của công nghệ, môi trường mạng xã hội đã mở ra cho thế hệ trẻ nhiều cơ hội mới, có rất nhiều bạn lựa chọn theo đuổi sự nghiệp trên các nền tảng này, với tên “nhà sáng tạo nội dung”.
Tuy là nghề mới nhưng kiếm được thu nhập ổn định như các ngành nghề truyền thống, lời khuyên cho các bạn trẻ theo đuổi nghề này là gì?
Trả lời câu hỏi này, anh Nguyễn Minh Triết chia sẻ hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có thu nhập từ việc xây dựng, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Trung ương Đoàn rất trân trọng sự sáng tạo và dám khẳng định mình ở những lĩnh vực mới, theo đuổi đam mê của bản thân như bạn Giang.
“Tôi nghĩ rằng, chỉ cần là lao động chân chính, đúng pháp luật và từ chính công sức của các bạn, trí tuệ của các bạn thì đều đáng trân trọng. Trên không gian mạng, cũng có rất nhiều bạn làm các video tuyên truyền về kiến thức pháp luật, tuyên truyền cho thanh thiếu nhi không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận khi làm sáng tạo nội dung chạy theo việc câu view, câu like, đôi lúc gây phản cảm trong cộng đồng. Để thành công không chỉ là chạy theo thị hiếu và tò mò của khán giả tức thời mà phải có tư duy, đầu tư thay đổi, phục vụ nhu cầu lâu dài của người xem. Những người trẻ làm công việc này nên thực hiện những nội dung văn minh, tích cực, hướng tới mục tiêu tốt đẹp và mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng”, anh Triết nói.
Chiều 17-3 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tháng thanh niên năm 2023, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn".
Đây là dịp để Ban Bí thư Trung ương Đoàn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong và ngoài nước.
Cùng đó trao đổi về những giải pháp của Đoàn, Hội, Đội để thực hiện những vấn đề mà các bạn trẻ đang quan tâm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Dự chương trình có anh Bùi Quang Huy - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - cùng anh Nguyễn Ngọc Lương - bí thư thường trực Trung ương Đoàn; anh Ngô Văn Cương - bí thư Trung ương Đoàn; anh Nguyễn Tường Lâm - bí thư Trung ương Đoàn; chị Nguyễn Phạm Duy Trang - bí thư Trung ương Đoàn; anh Nguyễn Minh Triết - bí thư Trung ương Đoàn.
Cùng dự diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn" có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và thường trực các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi Việt Nam trong và ngoài nước.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn gửi lời cảm ơn đoàn viên, thanh niên và bày tỏ hy vọng diễn đàn sẽ làm hài lòng với các kiến nghị của đoàn viên, thanh niên.
Anh cũng kỳ vọng các câu hỏi đều được trả lời ngay. Bên cạnh trả lời trực tiếp, ngay sau diễn đàn Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục giải đáp với các bạn trên các nền tảng của Đoàn.
Trước đó, Trung ương Đoàn đã vận hành website: doithoai.doanthanhnien.vn để tiếp nhận các câu hỏi của các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đoàn.
Đến nay, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã nhận được gần 3.000 ý kiến, sáng kiến và nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu niên.
Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn" được tổ chức với hai phần gồm "Phát huy sức trẻ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc" và "Đồng hành, tạo môi trường để thanh thiếu nhi phát triển toàn diện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận