13 phim tham gia Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II) lần này đại diện cho 13 tiếng nói của các nhà làm phim đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Philippines, Indonesia, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc).
Nhỏ nhưng mạnh mẽ
Warwick Thornton là đạo diễn - biên kịch người Úc từng giành giải Caméra d'Or tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2009.
Phim The new boy (Cậu bé lạ kỳ) mà ông mang sang DANAFF II đã có 32 giải thưởng và đề cử ở các LHP lớn nhỏ. Sao ông Warwick Thornton lại đến Đà Nẵng và tham gia DANAFF - một liên hoan rất trẻ và nhỏ?
Trả lời Tuổi Trẻ, nhà làm phim này cho hay ông từng chinh chiến ở những LHP khá quyền lực trên thế giới:
"Nhưng đôi khi, tôi cảm thấy những LHP lớn này có phần nào đó nhàm chán". Theo Warwick, những LHP nhỏ và chưa có sự góp mặt của nhiều ngôi sao lớn nhưng chất lượng phim vẫn rất tốt.
"Tôi là người luôn quan tâm tới những tiếng nói, những câu chuyện khác nhau được thể hiện trong điện ảnh", Warwick Thornton bày tỏ. Đó là lý do ông đến với DANAFF - để hiểu thêm những tiếng nói trong khu vực.
Warwick Thornton cho rằng những năm gần đây, ngành điện ảnh Âu - Mỹ "có lẽ cũng đang e ngại trước sự vươn lên của điện ảnh châu Á".
Đây là một châu lục rất mạnh, vượt trội về dân số. Để tiếp cận thị trường khổng lồ như vậy, họ phải "nghe được" những tiếng nói nơi này.
"Có lẽ có một điều các nhà làm phim Mỹ nên nhận ra là đừng chỉ đơn thuần đẩy cách kể chuyện của họ đến đây. Họ nên đến xem phim của châu Á để biết tâm hồn châu Á, biết người dân ở thị trường điện ảnh này đang quan tâm gì, qua đó có những thay đổi trong cách kể", Warwick nói.
Bà Mariette Rissenbeek - nguyên giám đốc LHP Berlin - nói với Tuổi Trẻ, đúng là trước đây, vì sự bao trùm "có phần thống trị" của điện ảnh Âu - Mỹ nên chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để xem những tiếng nói thuộc về phần còn lại của thế giới.
Không chỉ điện ảnh châu Á mà cả điện ảnh châu Phi. "Điện ảnh những khu vực này cũng rất truyền cảm hứng, động lực, mang đến một sự tiếp cận mới mẻ trong việc thưởng thức", bà Mariette đánh giá.
Phiêu lưu "tâm hồn châu Á"
Khi xem Cu li không bao giờ khóc - bộ phim giành giải Phim dài đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin 2024 hồi tháng 2 vừa qua, nhiều người hiểu hơn "một tâm hồn Việt hôm nay". Đó là một phức cảm đan xen mơ hồ giữa quá khứ và hiện tại.
Cây bút Matthew Joseph Jenner của Hiệp hội Phê bình phim Cinephile đánh giá phim đã "tham gia vào một phong trào cách tân mạnh mẽ nhằm giới thiệu Việt Nam là quê hương của những nhà làm phim tài năng và sâu sắc".
Hay với phim Rain town (Thị trấn mưa) kể về gia đình ông Choo và cách họ vượt qua "khủng hoảng", nhà làm phim kỳ cựu Tunku Mona đã góp vào một "tiếng nói" từ Malaysia.
Trong bộ phim dữ dội và dịu êm khiến khán giả khóc rồi cười đó, bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của đất nước này nổi lên rất rõ.
Đạo diễn Joselito Altarejos (phim Guard of honor - Người bảo vệ danh dự) chia sẻ với Tuổi Trẻ, lúc mới làm phim, anh quan tâm cộng đồng LGBT.
Nhưng tới năm 2014, anh nhận ra cuộc chiến đòi quyền lợi cho nhóm LGBT cũng là cuộc chiến vì con người nói chung.
Trong phim Người bảo vệ danh dự, Joselito Altarejos mang đến một bộ phim rất dữ dội về gia đình. Theo anh, có lẽ không riêng Philippines, mà ở châu Á nói chung, có hiện tượng bề nổi, có vẻ những giá trị gia đình luôn được coi trọng nhưng sau tấm màn che đó là bạo hành, nam tính độc hại.
Joselito Altarejos nói: "Chúng tôi muốn làm những bộ phim đại diện cho toàn bộ con người tham gia vào cuộc chiến đó. Đó là những người có tiếng nói nhỏ hoặc vốn không có tiếng nói trong xã hội".
Trong phim All ears (Những mảnh đời đáng giá) có sự tham gia của Hồ Ca và Ngô Lỗi, nhà làm phim Liu Jiayin kể về cuộc đời của Wen Shan, một cựu biên kịch làm nghề viết điếu văn, từ đó mở ra chủ đề sự sống và cái chết...
Hay trong Women from Rote island (Những người phụ nữ từ đảo Rote), qua câu chuyện về Orpha, một người mẹ kiên cường và mạnh mẽ, đạo diễn Jeremias Nyangoen không lùi bước trong bộ phim đầu tay, mang đến sự phẫn nộ cùng tiếng nói cho nhiều phụ nữ Indonesia bị quấy rối và tấn công tình dục.
Lâu nay, những nền điện ảnh đến từ các nước châu Á, thậm chí cả châu Phi... thường bị đưa vào "phần còn lại của thế giới".
Nhưng làm gì có cái gọi là "phần còn lại của thế giới", bởi tiếng nói nào mà chẳng quan trọng như tiếng nói nào. Và phần nào đi chăng nữa, dù là những tiếng nói nhỏ bé nhất, cũng là một phần cần được nghe và thấu hiểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận