TTCT - Thực tế cho thấy người sử dụng được ngôn ngữ thứ hai, thứ ba, đa ngữ cho dù thành thạo, lưu loát đến mấy cũng không bằng được người sử dụng các ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ. Cô Lê Thị Bích Hường cùng các sinh viên trong buổi khai giảng Phòng thí nghiệm ngôn ngữ Việt tại Đại học Turin 3-2-20251. Nhiều năm về trước, trong lúc đang ngồi chờ để lấy hẹn chích ngừa tại sở vệ sinh thành phố, tôi chứng kiến cuộc đối thoại của một phụ nữ Marocco với bà nhân viên bàn giấy. Cuộc nói chuyện tăng dần âm lượng cho tới khi người phụ nữ nước ngoài đó lớn tiếng la hét, rủa xả và hăm dọa. Vài năm sau, tôi nhận thức tình huống của sự việc này rõ ràng hơn khi đọc một truyện ngắn dự thi, viết bằng tiếng Anh, của một chị bạn đến Pháp từ năm 14 tuổi. Truyện có nhan đề "One - legged man" (Người đàn ông một chân). Truyện viết về một kỷ niệm thời thơ ấu còn sống ở Việt Nam, hằng ngày vào giờ giới nghiêm có một người thương phế binh lọc cọc nạng gỗ đi bấm chuông hết nhà này sang nhà khác trong khu phố. Tác giả kể lại: "…Nhiều năm sau ở Pháp, khi các bạn bè cùng lớp thích thú với chữ "A" hay thất vọng với chữ "C" trên bảng điểm của họ, tôi nhìn chằm chằm vào chữ "H" của mình trên dòng nhận xét bằng màu mực đỏ: "Français: handicapé"… Không biết ngôn ngữ này, tôi cảm thấy mình cũng đã đánh mất bản sắc, phẩm giá và vị trí của mình trong xã hội. Tôi cảm thấy vô hình. Tôi có thể thấy rằng làm thế nào người đàn ông một chân bị cám dỗ rung chuông chỉ để nhắc nhở người khác rằng anh ấy đã ở đó".Một người không được sử dụng tiếng mẹ đẻ, phải cố gắng diễn đạt suy nghĩ, tâm trạng, ý kiến của mình bằng một ngôn ngữ xa lạ trong đời sống hằng ngày sẽ luôn mang cảm giác bất lực, dễ nổi giận hoặc biến mình thành người câm, người cụt lưỡi, không phải do khuyết tật về thể chất mà là khuyết tật ở tâm hồn. Tôi cũng đã trải qua. Thực tế cho thấy người sử dụng được ngôn ngữ thứ hai, thứ ba, đa ngữ cho dù thành thạo, lưu loát đến mấy cũng không bằng được người sử dụng các ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ.2. Nhà lãnh đạo người Nam Phi Nelson Mandela từng nói: "Nói chuyện với ai đó bằng ngôn ngữ mà anh ta hiểu được cho phép tiếp cận với đầu óc của anh ấy. Nói với anh ta bằng tiếng mẹ đẻ có nghĩa là chạm tới trái tim".Có 141 ngôn ngữ chính thức trên thế giới, nhưng giữa các pha trộn ngôn ngữ, phương ngữ và biến thể địa phương, có khoảng 6.700 tiếng nói được sử dụng trên hành tinh của chúng ta. Điều này cho thấy một kho tàng vô cùng quý giá vì ngôn ngữ không chỉ thể hiện một cách giao tiếp mà còn phản ánh truyền thống, văn hóa và các hình thức tư tưởng của một dân tộc. Tiếng mẹ đẻ - chỉ riêng từ "mẹ" thôi cũng đủ khiến chúng ta hiểu tầm quan trọng của nó - là ngôn ngữ mà một cá nhân lớn lên, học cách giao tiếp và suy luận. Tiếng mẹ đẻ là danh tính của một cá nhân với sự biểu cảm của nét mặt, cử chỉ và thanh âm đặc trưng riêng biệt của nó. Mỗi thứ tiếng mẹ đẻ là duy nhất.Ngày 21-2 liên quan đến một sự kiện xảy ra vào năm 1952: lực lượng cảnh sát Pakistan sát hại một số sinh viên Đại học Dacca, những người coi tiếng Bengali là ngôn ngữ chính thức của họ, khi Nhà nước Pakistan chọn tiếng Urdu của 2% dân số làm ngôn ngữ chính thức của đất nước vừa mới độc lập. Nhà nước Bangladesh của người Bengal tách ra khỏi Pakistan vào năm 1971. Năm 1999 Bangladesh kiến nghị với UNESCO (Tổ chức Liên hợp quốc bảo vệ di sản văn hóa thế giới) coi ngày 21-2 hằng năm làm Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ và được chấp thuận, được thế giới dõi theo kể từ năm 2000.Theo UNESCO, cho tới nay ít ra có 43% của hơn 6.000 ngôn ngữ nói này trên thế giới đang trong tình trạng nguy hiểm. Chỉ một số rất ít trong hàng trăm ngôn ngữ thực sự có một chỗ đứng trong hệ thống giáo dục và phạm vi công cộng. Đáng suy nghĩ hơn: chỉ chưa đầy 100 ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số. Ngày hôm nay, khi toàn bộ thế giới chuyển đổi sang thế giới kỹ thuật số, con số này khiến chúng ta phải hiểu rằng trong tương lai sẽ có rất nhiều ngôn ngữ biến mất, bị xóa sổ hoàn toàn.Mỗi hai tuần lễ một ngôn ngữ biến mất mang theo nó toàn bộ tài sản văn hóa và tri thức thuộc về ngôn ngữ đó.3. Nước Ý có nhiều cộng đồng xã hội với nhiều nguồn gốc chủng tộc khác nhau do các quá trình di dân và nhập cư. Tiếng Ý hiện nay có nguồn gốc từ thành phố Florence, là ngôn ngữ phổ thông chính thức kể từ khi Ý thành một quốc gia độc lập, ngôn ngữ của Dante Alighieri. Tuy nhiên mỗi vùng miền có thổ ngữ riêng, bắt nguồn và biến dạng từ các thứ tiếng Đức, Pháp, Albania, Hy Lạp, Slovenia, Catalan, Croatia. Thứ tiếng Đức được sử dụng ở vùng Bolzano khá khác thứ tiếng Đức ở Áo hay Đức và cứ thế, khắp nơi. Người dân ở tỉnh Bergamo nói tiếng Bergamasco nhưng phương ngữ này cũng có nhiều biến thể, xê dịch theo từng khu vực địa lý: thung lũng Imagna, thung lũng Seriana, thung lũng Brembana, thung lũng Taleggio, thung lũng Scalve, thung lũng San Martino… Trên khắp đất nước, các bảng tên thị trấn, làng xã đều viết bằng hai thứ tiếng: tiếng Ý và tiếng địa phương.Ở Ý, việc bảo tồn gìn giữ tiếng mẹ đẻ không chỉ dừng ở ngày 21-2. Ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động, festival, chương trình thư viện, chương trình trường học… nhằm thực hiện mục tiêu này. Trước kia, các trường học khuyến khích các bà mẹ luôn nói chuyện bằng tiếng Ý với con cái lúc ở nhà, và giờ đây họ tiếp tục khuyến khích sử dụng phương ngữ, bằng tiếng mẹ đẻ. Từ điển phương ngữ, sách văn học bằng phương ngữ, chương trình radio dùng phương ngữ ngày càng phổ biến hơn. Riêng ở Bergamo, thư viện thị trấn Nembro đã 12 năm nay có Festival Tira fuori la lingua (nghĩa đen là Kéo cái lưỡi ra và cũng có nghĩa là Kéo ngôn ngữ ra) là một cuộc thi sử dụng tiếng mẹ đẻ dưới các hình thức nghệ thuật khác nhau.Il Circolo dei Narratori (Câu lạc bộ của những người kể chuyện) của tỉnh Bergamo là một tổ chức tình nguyện đủ mọi lứa tuổi, chuyên đọc diễn cảm sách cũng đang thực hiện các khóa huấn luyện miễn phí về đọc diễn cảm và biểu diễn bằng tiếng mẹ đẻ. Thị trấn Gorlago thuộc Bergamo luôn đều đặn có các buổi trình diễn kịch nói bằng phương ngữ. Các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nhất là các quán bar, quán cà phê là nơi thuận tiện nhất để phương ngữ sống động và lưu truyền.Bức “Mẹ và con đọc sách”. Tranh của Arthur Boyd Houghton (1836-1875)Không chỉ bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ, chúng ta cần chung tay giữ gìn kho tàng văn hóa nhân loại. Chương trình Eramus của cộng đồng châu Âu ra đời từ 1987, và chương trình Eramus+ từ năm 2013 cùng các chương trình trao đổi văn hóa khác đã đưa học sinh, sinh viên ra nước ngoài tiếp cận các nền văn hóa, đời sống, ngôn ngữ khác nhau, làm giàu cuộc sống, mở mang tâm trí.Ngày càng nhiều các ngôn ngữ khác nhau được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học. Ở Ý, khoa tiếng Việt đã có mặt ở các đại học tại Napoli, tại Roma, Venezia và Torino. Từ buổi ban đầu chỉ có 4 sinh viên, năm tiếp theo 6 sinh viên, khi khoa ngôn ngữ giao cho giáo sư Nguyễn Văn Hoàn (người dịch Thần Khúc của Dante Alighieri do Đông A phát hành) và bà lãnh sự danh dự Sandra Scagliotti đảm nhiệm cách đây chừng 20 năm, đến nay ở Đại học Torino đã có hơn 100 sinh viên ghi danh vào Phòng thí nghiệm ngôn ngữ Việt.Những thành phố vô hình của Italo Calvino là một cuốn sách nên thơ, đẹp đẽ và đầy ảo diệu. Cuốn sách là một sự viết lại xuất sắc hơn cuốn Il Milione về những chuyến viễn hành của Marco Polo ở xứ Trung Hoa và hàng trăm xứ sở khác. Ngày qua ngày, bằng tiếng nói của Đại Hãn dùng, Marco Polo kể cho Hốt Tất Liệt nghe về những thành phố mình đã đi qua. Khi Hốt Tất Liệt hỏi "Tại sao ngươi không hề nhắc tên Venezia, thành phố của ngươi?", Marco Polo trả lời: "Mỗi lần tôi mô tả một thành phố, tôi luôn nói điều gì đó về Venezia… Để phân biệt những phẩm chất của các thành phố khác, tôi phải bắt đầu từ một thành phố đầu tiên vẫn luôn tiềm ẩn…"Cũng một kiếp dầm chân nơi đất khách, để hiểu thấu những vùng đất lạ, những ngôn ngữ khác, tôi cũng phải thấm đẫm tiếng quê hương, giữ chặt trong tim óc thành phố của mình, không để làm mai một."Ôi tiếng Việt như bùn và như lụaÓng tre ngà và mềm mại như tơ…Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếngCao quý thâm trầm rực rỡ vui tươiTiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim ngườiNhư tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ…Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ…" (Tiếng Việt - thơ Lưu Quang Vũ)Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ năm nay tôi sẽ đọc Những thành phố vô hình bằng tiếng Việt, đọc lớn giọng, đọc cho tròn vành rõ chữ. Tags: Tiếng mẹ đẻItalo CalvinoXa xứTiếng Việt
Lý do không xem xét xử lý các ông Trần Tuấn Anh, Trịnh Đình Dũng trong vụ án tại Bộ Công Thương THÂN HOÀNG 25/02/2025 Trong vụ án EVN bị thiệt hại hơn 1.000 tỉ, viện kiểm sát xác định không có tài liệu, chứng cứ thể hiện cựu bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cựu phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có động cơ vụ lợi nên 'không xem xét xử lý' với hai ông.
‘Người phụ nữ Mỹ kỳ lạ’ bán nhà sang Việt Nam được nhận Huân chương Hữu nghị ĐOÀN NHẠN 25/02/2025 Bà Virginia Mary Lockett, một chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ, đã đón nhận Huân chương Hữu nghị tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Một tô phở ở sân bay Tân Sơn Nhất có giá 88.000-138.000 đồng CÔNG TRUNG 25/02/2025 Từ khu vực nhà ga đi, ga đến, thậm chí cả lối vào nhà vệ sinh hay khu vực giữ xe ở sân bay Tân Sơn Nhất, hàng quán mọc lên như nấm. Một tô phở bò tại hệ thống Big Bowl từ 88.000 - 138.000 đồng, phở bò Wagyu 274.000 - 333.000 đồng/tô.
Nghiên cứu bỏ cấp huyện: Tỉnh, thành nào đang có số cấp huyện nhiều nhất? THÀNH CHUNG 25/02/2025 Hà Nội là địa phương có số đơn vị cấp huyện nhiều nhất cả nước với 30 đơn vị. Tiếp đó là Thanh Hóa, TP.HCM. Hà Nam là tỉnh có số cấp huyện ít nhất.