Phóng to |
Phương Mai (phải) cùng Naura, bạn thân người Syria, ở thánh đường Damascus |
Phóng to |
Cùng nhóm bạn Syria tại thủ đô Damascus |
Phóng to |
Thánh đường Hồi giáo Umayad (trái) và những ngôi nhà nghìn năm tuổi ở Damascus - Ảnh Phương Mai cung cấp |
Ngày 6-9, khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giảng viên Nguyễn Phương Mai cho biết cô vẫn đang liên lạc với nhiều bạn bè ở Syria trong bối cảnh Mỹ đe dọa tấn công quân sự nước này.
“Mỗi lần liên lạc với họ, câu đầu tiên tôi thốt lên là: “Ôi, may quá bạn còn sống!”. Tôi cảm thấy bất lực vì không làm được gì để giúp bạn mình, thậm chí có lần nghĩ quẩn còn trù tính việc… kết hôn giả để đưa bạn sang châu Âu an toàn” - Phương Mai nói.
Phương Mai là cô gái VN đặt chân đến Syria giữa lúc nước này rơi vào cuộc nội chiến triền miên. "Giữa cuối năm 2012 khi tôi tìm cách đến Syria, cuộc nội chiến nước này đã kéo dài và lên đỉnh điểm. Hầu như tất cả những bản tin thời sự đều tràn ngập những con số thương vong từ những địa điểm quân chính phủ và quân nổi dậy giao tranh ác liệt. You Tube đầy những clip đầu rơi máu chảy, Facebook post hàng trăm bức ảnh chết chóc".
* Hành trình đến Syria của Mai diễn ra như thế nào?
- Tôi mất khá nhiều thời gian băn khoăn, trăn trở, lo sợ, tính trăm phương nghìn kế trước khi dám đặt chân vào Syria. Tôi không những chịu mất toi chiếc vé máy bay từ Yemen đến Syria mà còn mất thêm hơn hai tuần quanh quẩn ở Libăng nghe ngóng tình hình.
Ở cùng phòng tôi là một cô phóng viên tự do người Ý. Chúng tôi đã lên kế hoạch đút lót tiền cho người bản xứ để được dẫn đường trốn qua biên giới, nhưng phút cuối tôi xin rút lui vì sợ chết!
Bạn bè ở Libăng tìm đủ mọi cách để ngăn cản, thậm chí còn tổ chức cả một đám ma giả có cái quan tài rỗng để chuẩn bị cho tin tôi “chết mất xác từ Syria”. Rốt cuộc tôi cũng đánh bạo một ngày mon men đến gần biên giới Syria để do thám tình hình. Hải quan Syria rất nhã nhặn và tươi tỉnh nhưng phải tra Google để biết chắc tôi không phải là nhà báo thì mới cấp visa.
Chỉ chừng 15 phút tôi đã trả “tiền tươi” và có visa. Một chút hoảng hồn vì lúc đó tôi chỉ mang theo duy nhất một túi xách tay có cái máy ảnh và chừng 400 USD, chân thậm chí vẫn còn đi dép xỏ ngón.
* Theo quan sát trực tiếp của Mai, cuộc nội chiến đã gây ra cho đất nước và người dân Syria hậu quả gì?
- Khi tôi đến Syria cuộc nội chiến đang leo thang. Tình hình nội chiến rất phức tạp. Thành phần quân nổi dậy gồm hàng chục các nhánh vũ trang và chính trị hiện đang dồn sức chống lại Assad. Nhưng nếu Assad sụp đổ thì biết đâu cũng là lúc sự hỗn loạn mới chính thức bắt đầu.
* Những ngày ở Syria, điều gì Mai nhớ, ấn tượng và lưu luyến nhất?
- Những con người Syria! Tôi ở nhờ nhà một vài người bạn ở cả hai bên chiến tuyến. Chỉ cần nhìn nét mặt họ thôi tôi bỗng hiểu rõ hơn bao giờ hết nỗi đau thương từng có trên đất nước mình khi chưa thống nhất - điều một kẻ sinh ra sau chiến tranh như tôi không cảm nhận hết được.
Hai gia đình cưu mang tôi ở Damascus đều chưa từng gặp tôi trước đó bao giờ, nhưng họ dành cho tôi chiếc giường ấm nhất, chỗ ngồi gần lò sưởi nhất và miếng bánh ngon nhất mỗi bữa ăn. Một gia đình thậm chí còn đang chạy tị nạn. Ba mẹ con thoát chết trong gang tấc trên một chuyến xe từ Homs lỗ chỗ vết đạn.
Đêm nào họ cũng thức đến 7g sáng. Mắt người mẹ đơn thân lúc nào cũng rơm rớm. Họ vốn xuất thân khá giả, nhưng giờ phải chờ tiền cứu viện của người nhà, có hôm thiếu tiền đến mức tôi phải năn nỉ họ mới cầm tạm vài đồng. Chỉ hơn ngày sau họ đã trả lại, hết lời xin lỗi vì đã làm phiền. “Khách là món quà của thượng đế” - họ xin lỗi vì đã không làm tròn bổn phận chủ nhà.
Một người bạn khác cưu mang tôi ở Aleppo thậm chí còn lâm vào tình cảnh bi đát hơn. Cả ngày anh đóng kín cửa, khóa trái cổng, thậm chí cửa sổ cũng bị đóng đinh. Mỗi lần có tiếng bước chân ngoài hành lang là anh tím tái, đến thở cũng không dám.
Hani là người Alawite, cùng dòng Hồi giáo Shia với Tổng thống Assad. Nội chiến mang màu sắc tôn giáo khiến những dân thường như Hani cách cái chết từ chính tay đồng bào mình chỉ trong gang tấc.
* Tình cảnh và tâm trạng những người bạn Syria mà Mai đã quen hiện ra sao?
- Đêm qua tôi nối lại được liên lạc với một anh bạn sắc tộc người Kurd ở Syria. Dòng tin nhắn đầu tiên anh gửi cho tôi là: “Mai! Giúp tôi với! Tôi sắp chết rồi!”. Nhà anh ở giữa Dummer, một khu của Damascus chỉ vài kilômet giữa hai làn đạn. Thảm cảnh hơn 1.400 người chết vì vũ khí hóa học cuối tháng 8 vừa qua khiến cậu ta không ăn không ngủ được vì lo sợ.
Cũng như nhiều người dân trên thế giới, có lẽ anh bạn tôi cũng không thể tiên đoán hậu quả gì sẽ xảy ra nếu Mỹ tấn công Syria. Tình hình ở Syria quá phức tạp để có thể bỏ phiếu cho bất kỳ câu trả lời nào.
"Những gì được miêu tả trên TV là sự thật, nhưng đồng thời cũng chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh sự thật rộng lớn. Khói lửa mịt mù ở Homs, ở Aleppo... không có nghĩa là cả Syria rộng lớn bốc cháy. Nói một cách hình tượng, nếu bạn chĩa ống kính zoom vào cái lòng đen của đôi mắt chẳng hạn, điều đó không có nghĩa là cả cơ thể bạn đều chỉ một màu đen. Tôi vẫn thường lặng lẽ xem lại toàn bộ những bức ảnh và phim tự tay mình bấm máy ở Syria. Có cái gì đó không thật, có cái gì đó giống như một cơn mơ. Bởi Syria trong trí nhớ của tôi và trong những gì tôi ghi lại đẹp đến quặn lòng. Ở Damascus có những ngôi nhà nghìn năm tuổi mà khi còn sống nhà tiên tri Mohamet từng từ chối đặt chân vào thành phố vì ngài “chỉ muốn đến thiên đường một lần duy nhất trong đời” - Nguyễn Phương Mai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận