Phóng to |
Từ trái qua: Lee Kirby, ca sĩ Ánh Tuyết, Kyo York và Richard Fuller hát nhạc Trịnh trên sân khấu ATB - Ảnh: Nguyễn Á |
Tìm kiếm tài năng: nhạc ngoại chiếm ưu thế?
Hầu hết các giọng ca được lọt vào vòng tiếp theo của chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam năm nay đều chọn cho mình những bài hát nước ngoài để thể hiện. Trong khi đó, những ca khúc nhạc Việt dường như ít tạo được những dấu ấn đặc biệt cho ban giám khảo và khán giả.
"Em hát nhạc Việt sẽ rất tệ à?". Ðó là phần câu hỏi của NSƯT Thành Lộc sau khi thí sinh Võ Trọng Phúc trình diễn xong ca khúc Home trong tập 7 với nhiều sự ủng hộ của đông đảo khán giả tại trường quay và các khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Tôi cũng thấy mến Phúc và cảm nhận được từng câu chữ, cảm xúc của bạn khi trình diễn. Và chương trình tối 19-2 cũng xuất hiện nhiều giọng ca nhí thể hiện xuất sắc các nhạc phẩm nước ngoài như Nguyễn Lê Nguyên với Born this way, Vũ Ðình Tri Giao với You raise me up khiến cả khán phòng không ít lần đứng dậy vỗ tay. Ðêm 26-2 cũng thế, với tiết mục Let’s dance của cô bé Nguyễn Thị Phương Anh. Và đêm bán kết đầu tiên của chương trình tối 4-3 cũng... đầy ắp ca khúc tiếng Anh.
Mới là năm khởi đầu, nhưng với tôi Vietnam’s got talent đã thu hút được sự chú ý bởi sự đa dạng của chương trình với đủ thể loại. Nhưng tôi vẫn thấy Vietnam’s got talent là một nét gì đó của Britain’s got talent hay America’s got talent? Có lẽ vì những bài hát ngoại quá nhiều chứ chưa hẳn vì đây là một chương trình ngoại được "nhập về". Thí sinh Võ Trọng Phúc đã trả lời câu hỏi của NSƯT Thành Lộc: "Dạ, ngược lại với nhạc Anh". Câu trả lời khiến tôi có đôi chút thất vọng. Tôi nghĩ với chất giọng của Phúc, không có lý gì để Phúc không thử sức mình với một bài hát tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của chính mình.
Không chỉ tiết mục thi hát, ngay cả những tiết mục nhảy, múa cũng được phần lớn thí sinh "ưu ái" chọn thể hiện trên nền nhạc nước ngoài. Có nhiều thí sinh cũng đã thử sức mình với những ca khúc nhạc Việt, nhưng dường như nhạc Việt chưa đủ "đô" để thẩm thấu vào trái tim yêu nhạc của thí sinh và cũng có thể thí sinh đó trình diễn nhạc phẩm nước nào cũng đều đều như nhau.
Chương trình Britain’s got talent hay America’s got talent cũng hiếm thấy một thí sinh đi thi hát với một bài hát không phải là tiếng mẹ đẻ của mình. Họ là người Anh, người Mỹ và ngôn ngữ của họ là tiếng Anh. Việt Nam mình cũng có nhiều bài hát hay của các nhạc sĩ có tên tuổi, nên chăng các thí sinh hãy thử sức mình với các sáng tác trong nước.
Có thể các bạn nghĩ rằng tôi bảo thủ và không theo kịp thời cuộc. Nhưng tôi cũng là người ham mê tiếng Anh và hát nhạc ngoại, nhưng để nghe được người Việt hát nhạc Việt hay, với những luyến láy và âm điệu ngọt ngào, theo tôi, đó cũng là một cách chuyển tải tình yêu tiếng Việt.
HỒ THANH TUẤN
Tiếng Việt: tình yêu không chỉ dành cho người Việt
Những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ lâu đã trở nên thân thiết, phổ biến đối với đa số người Việt Nam. Nhưng để hát thật hay, thật truyền cảm thì không phải ca sĩ nào cũng làm được. Ấy thế mà, thật ngạc nhiên, có ba người đàn ông đến từ Mỹ và Anh lại thu hút được sự chú ý và khâm phục của tất cả những người có mặt trong khán phòng đêm nhạc hát mừng kỷ niệm ngày sinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ngày 28, 29-2 và 1-3) tại phòng trà ATB (TP.HCM).
Họ là Kyo York, Richard Fuller (Mỹ) và Lee Kerby (Anh). Chỉ bằng một tình yêu sâu đậm đối với nhạc Trịnh mà họ bỗng thành người Việt (như lời tâm sự của Kyo York: Kiếp trước tôi là người Việt Nam) qua sự trình bày khá điêu luyện nhưng cũng đầy tình cảm các ca khúc của Trịnh Công Sơn với tất cả tấm lòng yêu mến và ngưỡng mộ. Nghe họ hát, ai cũng nhận ra họ phải hiểu sâu sắc ý nghĩa từng lời của ca từ, từng nốt nhạc khiến chính họ phải rung động để rồi truyền lại cảm xúc đó tới khán giả.
Khi nghe họ nhấn nhá từng ca từ, tôi bỗng nhận ra vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của tiếng Việt. Những người nước ngoài này hẳn đã nhận ra vẻ đẹp đó và tôn vinh nó qua những tiết mục mà họ đã phải công phu tập luyện.
DIỆU LÝ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận