Ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh: NVCC |
Ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ những ấn tượng của mình với “ông già cốt cách” Dương Thiệu Tước và nỗi niềm của những nhạc sĩ kỳ cựu, đáng kính mà chị may mắn có dịp gặp gỡ, trò chuyện.
Năm 1993, sau khi ghi âm xong cuốn băng đầu tiên có nhan đề Cung đàn xưa, trong đó có ba bài của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Ánh Tuyết có ý muốn đến thăm và trao tận tay ông tiền tác quyền.
Tuy nhiên, hỏi khắp các hãng băng đĩa từng phát hành bài hát của ông và cả Hội Âm nhạc mà vẫn không tìm ra địa chỉ.
“Lúc đó nhạc của ông được rất nhiều hãng đĩa phát hành, nhưng tôi phát hiện ra một điều là không hãng nào biết ông ở đâu. Vậy thì số tiền bản quyền trước nay của ông, họ để đâu?”, Ánh Tuyết đặt câu hỏi và quyết tâm đi tìm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
May sao một hôm chị gặp một bác nhà thơ già, bác bảo: "Tôi biết nhà ông Dương Thiệu Tước".
Thế là nhà thơ đạp xe đằng trước, Ánh Tuyết theo sau tìm đến ngôi nhà nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Ánh Tuyết nhớ lại:
"Lúc đó là khoảng cuối năm 1993. Đến nhà ông, tôi bước vào thì hỡi ôi nhà ông chẳng có gì đáng giá ngoài cái TV trắng đen 14 inch được ông cẩn thận bọc lại bằng thùng cartoon.
Tôi nhìn nhà ông mà muốn rớt nước mắt, sao nghèo chi mà nghèo. Ngày đó tôi cũng còn khó khăn lắm nhưng nhìn hoàn cảnh của ông, tôi chịu không nổi”.
Thời điểm đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gần 80 tuổi nhưng Ánh Tuyết vẫn cảm phục cốt cách, sự đạo mạo, chuẩn mực và tinh tế của một người nhạc sĩ.
“Tôi kính nể, thấy mình quá nhỏ bé trước một con người như vậy. Một con người làm nghệ thuật mà mình cảm thấy họ cao lớn thật sự”, chị nhớ lại.
Khi đó, Ánh Tuyết nói với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước về lý do cô tìm đến ông. Chị cũng xin lỗi nhạc sĩ vì không gặp được ông trước khi tiến hành thu âm.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vô cùng xúc động vì lần đầu tiên có một ca sĩ tận tay mang tiền tác quyền đến gửi cho mình, nhất là vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tâm sự ông thấy bài hát của mình nằm trên kệ đĩa nên cũng có lần tìm đến hãng thu âm để nhận tiền tác quyền nhưng cuối cùng đành phải bỏ về vì “người ta cứ hẹn lần hẹn lữa, đẩy từ người này qua người kia, ngày nào tôi cũng lên đó ngồi chờ, đến lúc tự thấy mệt mỏi rồi đi về, sau này cũng chẳng đến nữa”.
Nghe đến đây, Ánh Tuyết ứa nước mắt vì thương ông.
Một tập nhạc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước - Ảnh tư liệu |
Sau đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tặng ca sĩ Ánh Tuyết gia tài mấy trăm bài hát mà ông sáng tác.
Khi ra về, Ánh Tuyết cũng không ngờ có ngày sẽ nhận được lá thư tay gần hai trang vở học trò của ông.
Lá thư “rào trước đón sau”
Ánh Tuyết cho biết chị hạnh phúc vô cùng khi nhận được thư tay từ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Chị chẳng ngờ nhạc sĩ lại trân trọng mình đến vậy.
“Trong thư, ông góp ý cho tôi nhiều điều nhưng cách ông viết “rào đón” lắm, có lẽ ông sợ tôi buồn.
Ông nói ông rất mừng và khen tôi hát ngọt ngào, chỉn chu, ý tứ và sáng tạo, nhưng có một điều là... hát sai lời ca khúc Ngọc lan của ông.
Khi thu âm, văn bản tôi cầm để hát theo là một văn bản chính thức từ một nhà xuất bản chính thống, vì thế tôi cứ đinh ninh mà hát theo.
“Trong bài hát có câu “Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch Tương lai láng” nhưng bản in mà tôi có thì ghi là “mạch tương lai sáng”. Tôi hát theo như vậy mà không hề biết là mình hát sai. Mạch Tương lai láng ở đây là mạch nước sông Tương”.
Lời góp ý đầy chân tình nhưng cũng đầy trân trọng một người ca sĩ đã hát nhạc phẩm của mình làm tôi càng quý trọng cái tình của người nghệ sĩ già dành cho một ca sĩ trẻ như mình lúc ấy”, Ánh Tuyết nhớ lại.
Khi Hãng phim Trẻ mời nhạc sĩ Dương Thiệu Tước quay một cuốn video về cuộc đời, sự nghiệp, ông từ chối. Ông nói nghệ sĩ già rồi, không nên để người hâm mộ thấy hình ảnh đó của mình. Ông chỉ đưa cho hãng phim những hình ảnh ngày trẻ để họ làm tư liệu, cho vào video.
“Những nhạc sĩ như ông Dương Thiệu Tước, họ có những nguyên tắc rất riêng. Cái cốt cách của những người nghệ sĩ như ông cũng khác thường lắm. Phong thái đâu ra đó, một lời nói ra phải nghĩ suy cặn kẽ, không nói lời xằng bậy”, Ánh Tuyết nhớ lại những ấn tượng về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Chuyện của những nhạc sĩ “ẩn dật”
Ca sĩ Ánh Tuyết trong một lần đến thăm nhạc sĩ Thanh Bình lúc vị nhạc sĩ này còn sống - Ảnh: Hà Đình Nguyên |
"Tôi tiếp xúc với rất nhiều những người nhạc sĩ xưa. Tôi cố tình đến tìm gặp, có thể là tôi chưa làm được gì cho họ, nhưng ít nhất là tôi cũng được gặp, hiểu và có thêm vốn sống từ những người nhạc sĩ ẩn dật này" - Ánh Tuyết. |
Từ câu chuyện đi hỏi khắp nơi không ai biết nhạc sĩ Dương Thiệu Tước ở đâu, Ánh Tuyết bày tỏ sự bức xúc vì “một nhạc sĩ nổi tiếng, gạo cội như vậy còn bị lãng quên thì những nhạc sĩ khác sẽ thế nào?”.
Điều đáng buồn là câu chuyện này không chỉ ở thời xưa, khi mọi thứ thông tin liên lạc còn khó khăn.
Cuối năm 2013, ca sĩ Ánh Tuyết kêu gọi anh chị em văn nghệ sĩ, những nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ nhạc sĩ Thanh Bình - "người nhạc sĩ tài hoa mà bạc phước" như cách gọi của Ánh Tuyết - vượt qua bệnh tật.
Chị cũng chung tay tổ chức đêm nhạc Tình lỡ vào tối 3-1-2014 để dành cho người mến mộ nhạc sĩ Thanh Bình, đồng thời gây quỹ được 150 triệu đồng làm sổ tiết kiệm cho ông an dưỡng tuổi già. Vài tháng sau, nhạc sĩ Thanh Bình qua đời (tháng 5-2014).
“Đến giờ vẫn nhiều nhạc sĩ không có ai tìm đến để nói chuyện tác quyền, dù nhạc của họ vẫn được người này người kia hát, hãng này hãng nọ phát hành. Tôi gặp nhiều nhạc sĩ, họ chọn cách sống ẩn dật nhưng không có nghĩa là những người làm quản lý bỏ quên quyền lợi của họ.
Công chúng có thể không biết và lãng quên nhưng những người có trách nhiệm thì không được như thế. Rất đau lòng là rất nhiều nhạc sĩ mà chúng ta gặp lại là vì sức khỏe suy tàn và gia cảnh khó khăn đến mức không thể trang trải cho chi phí thuốc thang”, ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận