26/01/2021 09:57 GMT+7

Tiếng gọi tình yêu giữa trang lịch sử

NỮ LÂM
NỮ LÂM

TTO - Cái tên khắc sâu trong tim người (tên quốc tế: Your Name Engraved Herein) là bộ phim hoài niệm thời thanh xuân đáng mong đợi và sự thật đã trở thành điểm sáng phòng vé trong năm 2020 của các rạp phim.

Tiếng gọi tình yêu giữa trang lịch sử - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Cái tên khắc sâu trong tim người - Ảnh: NF

Đài Loan năm 1987 bị kìm kẹp bởi thiết quân luật trong vòng 38 năm (1949 - 1987). Trương Gia Hán là cậu út sinh ra trong một gia đình có người cha độc tài. Nếu điều đó vẫn chưa đủ để nói về những khó khăn tuổi trưởng thành của Gia Hán thì xin bổ sung thêm rằng: Gia Hán đang yêu, người cậu yêu lại là cậu bạn thân nhất.

Sự dữ dội của khát khao tuổi trẻ

Trình chiếu vào cuối năm 2020 ở Đài Loan, Cái tên khắc sâu trong tim người đã thu về hơn 100 triệu Đài tệ (hơn 82 tỉ đồng). Phim xác lập thêm kỷ lục khi trở thành bộ phim thuộc chủ đề LGBTQ (đồng tính, song tính, chuyển giới hoặc đa dạng giới) có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời ở Đài Loan trước khi phát hành trực tuyến.

Đạo diễn Liễu Quảng Huy, trong cuộc trò chuyện gần đây với tờ Time, đã không giấu diếm rằng cốt truyện Cái tên khắc sâu trong tim người được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình. "Đây là bộ phim về mối tình đầu của tôi, và mối tình đầu của tôi là câu chuyện về một chàng trai thích một chàng trai khác" - đạo diễn bộc bạch.

Sau lưng nhân vật Trương Gia Hán (Trần Hạo Sâm đóng) là cả một phông nền lịch sử xã hội đầy biến động. Trong một thế giới mà tự do cá nhân bị bóp nghẹn, trường học rơi vào thế trên đe dưới búa với áp lực của cường quyền và cả thân quyền, Gia Hán phải đấu tranh cho chính khát vọng yêu đương của mình, một thứ tình yêu câm lặng và bế tắc.

Vào cái năm 1987 đó, thiết quân luật ở Đài Loan bị dỡ bỏ. Xem phim, khán giả có thể thấy cùng với sự kiện lịch sử, một thế hệ nổi loạn ra đời như những con ngựa chứng vừa mới tháo cương mà đại diện là nhân vật Vương Bách Đức (Tằng Kính Hoa đóng) có biệt danh Birdy.

Như biệt danh của mình, Birdy tự do và say mê sự tự do. Cậu yêu đương, khám phá những tò mò tính dục đầu đời, cậu bày trò để lấy lòng bạn gái. Birdy điển hình cho những nhân vật trai hư hấp dẫn thường xuất hiện trong các phim thanh xuân. Nhưng cạnh Birdy, phần sáng (là Gia Hán) và phần tối hợp nhau trong sự dữ dội của khát khao tuổi trẻ. Một nỗi khát khao nhiều bồng bột trong hành trình đi tìm ý nghĩa của tồn tại, trả lời câu hỏi nguyên sơ và căn bản nhất: ta là ai?

Ta là ai? Đến cuối cùng cả hai nhân vật dường như đã tìm được câu trả lời. Khi họ đã già, khi Đài Loan chỉ còn là ký ức, tất cả những nhiệt huyết của tuổi trẻ đã tiêu biến, chỉ còn lại một thứ tình cảm âm ỉ qua thời gian được duy trì bằng tiếc nuối, hoài nhớ mà không gì thể hiện rõ bằng lời của Birdy trong lần hội ngộ rất nhiều năm sau này: "Năm đó tôi đã rất yêu cậu".

Cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBTQ

Thật dễ dàng biết bao để khán giả đặt lên bàn cân so sánh giữa Cái tên khắc sâu trong tim người với một bộ phim cùng chủ đề như Call me by your name chẳng hạn. Dẫu vậy, bộ phim của Liễu Quảng Huy không chỉ khắc họa cái đẹp bi ai của một chuyện tình chớm nở âm thầm mà dữ dội. Ông muốn diễn tả cuộc đấu tranh kéo dài ba thập niên của cộng đồng LGBTQ ở Đài Loan.

Trong một phân cảnh, hai nhân vật chính đang đi trên đường và chứng kiến nhà hoạt động Kỳ Gia Uy đang biểu tình, trên tay ông là tấm bảng ghi dòng chữ "đồng tính không phải bệnh", sau đó cảnh sát ập đến bắt ông. Kỳ Gia Uy là một nhân vật có thật, ông được tạp chí Time bình chọn là một trong "100 người có ảnh hưởng nhất năm 2020". Đạo diễn Liễu nói ông muốn đưa phân cảnh này vào phim để tri ân nhà hoạt động họ Kỳ. Ngoài đời thực, đoàn làm phim cũng đã gặp gỡ Kỳ Gia Uy để xin những chỉ dẫn cho vai diễn, thậm chí đã sao chép lại bộ trang phục làm từ bao cao su Kỳ từng mặc trong quá khứ để tái dựng trên phim.

Cái tên khắc sâu trong tim người mạnh ở những tiểu tiết như vậy. Bộ phim đã rất dễ biến thành kiểu tình yêu học đường nhàm chán nhưng cuối cùng đã thoát ra được.

Nổi lên giữa những tao đoạn của lịch sử, Birdy và Gia Hán vẫn là hai nhân vật đại diện cho cuộc chiến lặng lẽ suốt nhiều thập niên trên hòn đảo này.

Đài Loan là một trong số nơi hiếm hoi ở châu Á hợp thức hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2019. Nhóm nhạc sĩ viết ca khúc chủ đề cho phim đến từ Malaysia và Singapore - những nơi vẫn còn hình sự hóa hôn nhân đồng tính. Vào ngày ca khúc này được xướng tên nhận giải nhạc phim xuất sắc nhất tại liên hoan phim Kim Mã danh giá, có lẽ nó đã góp thêm một chiến thắng nhỏ trong cuộc chiến đòi quyền bình đẳng sẽ còn kéo dài.

Dường như những biến động chính trị xã hội ở Đài Loan có hấp lực lạ kỳ khiến các nhà làm phim vào thế phải đề cập đến một khi đã đặt nhân vật vào bối cảnh này. Từ Bi tình thành thị (1989) đến A Brighter Summer Day (1991) và gần đây là Phản hiệu (2019), lịch sử Đài Loan hiện ra từ kháng Nhật đến thời kỳ khủng bố trắng; và với Cái tên khắc sâu trong tim người đặt mốc 1987, Liễu Quảng Huy nối tiếp các nhà làm phim khép lại một giai đoạn lịch sử.

Ngô Thanh Vân buồn vụ tẩy chay Trạng Tí: Ngô Thanh Vân buồn vụ tẩy chay Trạng Tí: 'Phim 43 tỉ, làm ròng rã 3 năm'

TTO - Phim 'Trạng Tí' có kinh phí 43 tỉ đồng, êkip 500 người, làm hơn 3 năm. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định mong ước làm bộ phim điện ảnh hoành tráng cho trẻ em Việt Nam.

NỮ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên