Năm 1993, bạn tôi - một đầu nậu sách ở TP.HCM - rủ: "Ông vào đây làm sách. Tôi phụ trách in ấn, ông phụ trách phát hành, còn đề tài cả hai cùng nghĩ...".
Ngẫm mình hơn hai mươi năm đi làm cán bộ nhà nước mà vẫn chẳng có gì trong tay, tôi quyết định bỏ Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, nơi tôi đang làm trưởng ban biên tập, dắt vợ mới cưới thực hiện giấc mơ đổi đời, làm một cuộc "di dân tự do".
Nhưng khi tôi vào rồi thì bạn tôi đổi ý, không làm sách mà chuyển sang làm phim thị trường, thành ra tôi phải "tự bơi". Vốn liếng của hai vợ chồng khi đó có một ít tiền, vài món đồ nữ trang và chiếc xe đạp Phượng hoàng nữ.
Số tiền chỉ đủ cho chúng tôi trả tiền thuê nhà đến hết năm 1994, một căn nhà ở cư xá Thanh Đa. Tôi bàn với vợ bán hết đồ nữ trang được hơn 1 triệu đồng. Với chút tiền còm đó, hằng ngày tôi đạp xe đến các nhà sách tư nhân trong thành phố tìm mua sách xôn (đại hạ giá) đóng bao gửi về Vinh cho ông anh đi bỏ mối các kiôt sách cho thuê đang mọc lên như nấm sau mưa ngoài đó.
Một hôm, tôi ghé bưu điện trung tâm thành phố bỏ thư. Ngơ ngẩn thế nào lúc quay ra, chiếc xe đã bị trộm nẫng mất, nhanh như chớp. Bần thần, tôi vẫy một chiếc xích lô nhờ chở về nhà anh bạn đầu nậu sách nọ, hỏi mượn 1 triệu đồng để mua một chiếc xe đạp khác.
Bạn cười: "Tưởng Hai Bích (bạn bè gọi tôi là Hai Bích - quân bài kém nhất trong bộ bài tây) mua xe máy, chứ mua xe đạp thì lấy xe đạp của tôi mà đi. Nhà còn một chiếc quăng đấy".
Thế là hôm sau Hai Bích tôi lại tiếp tục công việc mua bán sách xôn. Một hôm, đang đạp xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bất chợt nghe ai đó gọi to tên mình. Ngẩng đầu nhìn lên, hóa ra là Vũ Lượng - bạn tôi, làm giáo viên ở Nha Trang, Khánh Hòa.
Chẳng biết anh vô đây làm gì. Lâu ngày gặp nhau, Vũ Lượng kéo tôi vào một quán nước mía bên đường. Hút một hơi ly nước mía mát ngọt, anh hỏi tôi: "Bây giờ ông làm gì?". Tôi kể cho anh nghe.
"Vậy ông về làm báo với tôi" - Vũ Lượng nói sau khi nghe tôi tường trình. Hóa ra Lượng đã bỏ nghề giáo viên, chuyển sang làm tạp chí Quan Hệ Quốc Tế của Bộ Ngoại giao bấy lâu nay. Tôi hỏi Lượng làm báo như thế nào, Lượng nói làm như thế... như thế...
Nghe xong, tôi cười buồn: Nhưng tôi không làm được vì không có xe máy. "OK! - Vũ Lượng cười, nụ cười nhẹ tênh - Tôi sẽ bỏ tiền của báo ra mua cho ông một chiếc xe máy, sau đó ông trả dần. Được không?".
Tôi lặng người. Ngoài ý nghĩa là phương tiện đi lại, chiếc xe máy với tôi lúc này còn có ý nghĩa như một chiếc "cần câu... cơm" mà chỉ những ai bị dồn tới bước đường cùng mới hiểu.
...Văn phòng đại diện báo Quan Hệ Quốc Tế khu vực miền Trung và Tây Nguyên đặt ở đường Trần Quý Cáp, Nha Trang.
Đúng ngày 31-7-1993, tôi ra đó dự lễ khai trương. Xong, Lượng dẫn tôi xuống salon xe ở tầng trệt căn nhà, chọn mua xe cho tôi như đã nói hôm nào, một chiếc Honda cũ. Loại xe ấy bây giờ ít thấy, nhưng hơn hai mươi năm trước tương đối phổ biến, dù có lỗi mốt nhưng với tôi là cả một giấc mơ.
Tôi ngắm chiếc xe, thấy nó đẹp lạ lùng. Sau khi chạy thử một vòng trên đường Trần Phú ngắm biển rộng trời cao, tôi chào Lượng rồi phóng thẳng ra ga Nha Trang gửi tàu hỏa đi xuyên đêm vào TP.HCM để kịp sáng mai về khoe vợ.
Sáng hôm sau, nhìn thấy tôi cưỡi xe máy về, vợ tôi đúng như thơ Lê Thị Mây viết: "Em tái nhợt niềm vui / Như trăng mọc ban ngày...".
Từ đó, theo sự phân công của Vũ Lượng: tối thứ tư hằng tuần tôi lên sân bay Tân Sơn Nhất lấy báo từ Hà Nội gửi vào để kịp sáng thứ năm báo xuất hiện trên các sạp báo ở TP.HCM; phát triển mạng lưới cộng tác viên; liên hệ với các cơ quan ban ngành trong thành phố và các tỉnh phía Nam viết bài và làm một số công việc khác... Những công việc ấy cho tôi một số thu nhập, tuy thất thường nhưng... ổn định!
Cứ thế, ngoài việc đảm bảo cuộc sống hằng ngày của gia đình, đến tết năm ấy (Giáp Tuất 1994) tôi trả xong cho Lượng 2 lượng vàng 4 số 9 (là giá mua chiếc xe).
Thấm thoắt 25 năm trôi qua, tôi và Lượng đều đã thay đổi nhiều. Về phần mình, tôi đã xây được nhà; hai con - đứa lớn tốt nghiệp đại học ngân hàng, có công ăn việc làm ổn định; đứa nhỏ đang học năm thứ 2 Colgate University, Mỹ theo diện học bổng toàn phần.
Chiếc xe máy đầu đời ấy tôi không còn giữ, nhưng kỷ niệm về nó vẫn tươi rói trong lòng tôi. Mỗi lần nhớ về nó, tôi như còn nghe rất rõ khoảnh khắc tiếng Vũ Lượng cất lên gọi tên tôi vang to trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm nào. Anh giống như Phúc thần hiện ra trên đường đời tôi trong cơn bĩ cực, chìa bàn tay giúp tôi vượt khó khăn.
Mà nếu không có anh, không có chiếc xe, tôi không biết mình có tồn tại nổi trong cuộc mưu sinh đầy khốc liệt...
Bạn Trần Chí Thành: ngày 8-5, ngay khi báo phát động, tôi đã gửi bài dự thi có tên "Một chuyến đi buôn". Tuy nhiên, tôi không thấy có tên mình trong hộp thư đăng ngày 12-5. Vậy tôi viết mấy dòng này nhờ quý Ban Biên tập kiểm tra lại giùm xem đã nhận được bài viết của tôi chưa?
- Cảm ơn bạn Trần Chí Thành. Cuộc thi đã nhận được bài của bạn khoảng 15h ngày 8-5, nhưng do sơ suất đã làm sót tên bạn trong hộp thư. Xin cáo lỗi cùng bạn.
Một số bạn khác hỏi: cuộc thi có chấp nhận sáng tác hay không? Xin hồi đáp: tiêu chí cuộc thi là câu chuyện có thật.
Nhiều bạn có bài viết tốt. Tuy nhiên, tiêu chí của câu chuyện là viết về khoảnh khắc, chứ không phải kể về cuộc đời mình. Rất mong các bạn chọn câu chuyện phù hợp. Một lần nữa, chúng tôi xin được đăng lại điều lệ cuộc thi để bạn đọc cùng tham khảo.
Nhiều bạn đọc khác bày tỏ sự thú vị khi được tham gia cuộc thi có ý nghĩa nhân văn. Xin cảm ơn sự hưởng ứng và động viên của quý bạn đọc.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về cuộc thi, vui lòng gửi về email [email protected].
Ban tổ chức cuộc thi
Cuộc thi viết "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email. Độ dài tối đa: 1.500 chữ.
* Tiêu chí: câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động. Bài viết chưa từng được đăng, phát trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Các bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).
* Giải thưởng: nhất: 30 triệu đồng, nhì: 20 triệu đồng, ba: 10 triệu đồng và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động. Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên thường xuyên của báo Tuổi Trẻ). Mỗi tác giả được gửi tối đa 2 bài. Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
* Gửi về: báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam) hoặc email: [email protected]. Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email, vui lòng ghi Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tòa soạn
Từ ngày 11 đến 14-5, Tuổi Trẻ đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Ngô Xuân Hội, Nguyễn Ngọc Hà, Hà Tiên, Trần Văn Tám, Lâm Minh Trang, Đặng Đức Lộc (Khánh Hưng), Ngô Trần Tuyết Giang, Lê Quốc Minh (TP.HCM); Nguyễn Quỳnh Anh, Ngô Thị Thanh, Phạm Đình Phong, Phạm Thị Ánh Lan, Khuất Văn Thuận, Nguyễn Phi (Hà Nội); Thu Hiền (Đà Nẵng); Nguyễn Mậu Sửu, Nguyễn Thị Thùy Trang (Huế); Trâm Oanh, Hồ Hữu Thiện (Đồng Nai); Thanh Vân, Lê Công Sĩ (Trà Vinh); Trần Chí Thành (Tiền Giang); Đào Văn Khước (Quảng Trị); Trần Hoàng Túy (Vũng Tàu); Dương Thế Thuật (Bình Thuận); Lê Ngọc Quang (Sơn Nguyên), Dân Sinh (Bến Tre); Vũ Minh Phúc, Nguyễn Hữu Đức, Minh Tiến, Isabella Duong, Bùi Hiển, Minh Nhân, Huyền Nga, Trần Quốc Hưng.
Xin cảm ơn các tác giả và mong tiếp tục nhận bài dự thi từ bạn đọc. Thân ái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận