26/01/2017 19:30 GMT+7

​Tiếng gà trong sâu thẳm tâm hồn

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Trong ký ức về Tết của tôi mỗi năm về, qua nhiều năm vẫn có tiếng gà chờ Tết vang lên hòa cùng tiếng gà gáy trưa trong Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao với những câu hát ngọt ngào:

Cứ thấy con gà giữa phố thị là xao xuyến quê nhà - Ảnh: Việt Thanh
Cứ thấy con gà giữa phố thị là xao xuyến quê nhà - Ảnh: Việt Thanh

 “… Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên / Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông / Một trưa nắng cho bao tâm hồn”...

Người mẹ nuôi Sài Gòn của tôi năm nay tuổi ngoài 60. Sống ở Thủ Đức (TP.HCM), nhưng có một quãng bà sống ở vùng Định Quán (Đồng Nai).

Đó là những năm tháng cả gia đình rời nơi “cắt rốn” Sài Gòn đi kinh tế mới. Suốt sáu năm của những năm 1980, ở vùng đất mà trong hồi tưởng của mẹ là nơi rừng núi hoang vu, sống chung với đồng bào dân tộc.

“Thời đó khổ lắm” - bà kể. Hỏi về kỷ niệm nào khiến mẹ nhớ nhất, ngoài chia sẻ về những người tốt đã giúp gia đình gồm ông bà ngoại, các anh chị em của mẹ có công ăn việc làm, vượt qua những năm đói khổ thì một nỗi nhớ dai dẳng khác chính là tiếng gà gáy.

“Nghe tiếng gà gáy xa xa, gần gần, rồi nguyên cả xóm tràn ngập mỗi thứ âm thanh ò ó o mà thương hết sức - Mẹ nói rồi thêm - Còn rầu hết sức nữa”. Cảnh vật hoang vắng, lưa thưa một căn nhà, người thành phố lên tập tành khai hoang làm rẫy, có những năm bán đồ cũ để sống, rồi còn trải qua những đợt dịch tả tưởng không toàn mạng...

Tất cả vẫn còn in trong trí nhớ. Mẹ rút ra rằng ký ức vui nhất và khổ nhất thường khiến người ta nhớ lâu, nhớ hoài, mang theo suốt quãng đời của mình.

Bây giờ về thành phố ở với con cháu - con ruột, con nuôi (là tôi), ngồi nghe chuyện mẹ kể thời đi kinh tế mới mà cứ như... chuyện cổ tích. Nhất là đoạn không có điện, thắp đèn dầu, sáng sớm nghe tiếng gà gáy xa xa báo thức, cả xóm lục tục dậy nhóm bếp, gói một nắm cơm với muối mè để lên rẫy làm thuê, chiều về chủ trả công cho lít gạo, buồng chuối, mớ khoai lang...

Ở Thủ Đức, nhà mẹ thi thoảng cũng còn nghe tiếng gà gáy, nhưng đó là tiếng gà của nhà ai đó nuôi gà đá - tiếng gà của nỗi bức bối bị nhốt trong lồng mua vui cho những người rảnh rỗi. Mẹ bảo không thích người ta chơi đá gà, cá độ hơn thua trong trò chơi ấy.

Sao không để những con gà được tự do cất tiếng gáy, tượng trưng cho bình yên thôn xóm, mẹ hỏi như tiếc nuối về một quãng đã qua, cũng là tiếc cho những thanh niên chỉ biết vui chơi với trò tiêu khiển (đá gà), cá độ, sinh sự rồi dẫn tới tù tội, thậm chí thiệt mạng như những bản tin báo chí đăng tải mỗi ngày.

Riêng tôi cũng từng sống ở quê, từng chờ tiếng gà gáy sáng gọi dậy học bài. Thanh âm tiếng gáy của gà như chiếc đồng hồ cho má tôi dậy đi chợ, cho ngoại tôi vén mùng xuống bếp, đợi cho nồi cơm sôi trên lửa than hồng mới gọi “Cu ơi, dậy học bài, buổi sáng học dễ thuộc hơn”.

Tiếng gà trong ký ức của những ai đã sống ở thôn quê là thanh âm bình yên như thế, như tiếng của quê hương, của điều gì đó thân thuộc khó tả. Có lẽ vì thế mà tiếng gà bước vào thơ của những nhà thơ nổi tiếng cũng mang một nỗi nhớ diết da, như những câu thơ của Chế Lan Viên trong bài Nhớ tuổi thơ, ông viết: “Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế! / Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!”. 

Với tôi, cảm thấy nhớ nhất có lẽ là tiếng gà của những sáng cuối năm chờ Tết khi màn trời vẫn còn phủ sương dày đặc. Cái lạnh của vùng quê miền Trung không ngăn bước những bà, những mẹ thức dậy theo tiếng gà, đem những thứ nông sản của gia đình mình ra chợ bán. 

Chợ cuối năm lúc nào cũng xôn xao, hàng hóa về nhiều hơn thường ngày, người đi chợ đông hơn nhưng không cà kê dê ngỗng mà lo về sớm dọn dẹp nhà cửa. Và sau buổi chợ của những ngày cuối năm luôn là lỉnh kỉnh bánh, mứt trên chiếc thúng nhỏ quảy bằng đôi gióng mây trên đôi vai xương gầy. 

Nhắc tới những buổi chợ cuối năm đó làm tôi nhớ nhiều hơn tới ngoại mình, dáng như những cụ bà trong chuyện cổ tích thuở ấu thơ, nào là tóc cũng bạc trắng, da mồi, nhai trầu bỏm bẻm. Dù đã lớn tuổi nhưng ngoại vẫn chịu khó chạy chợ cho ngày Tết ấm cúng của gia đình.

Những gánh hàng cuối năm của ngoại luôn là vài nải chuối xanh để dành từ đầu tháng Chạp, con gà trống với bộ lông khỏe khoắn hay mớ củ nén trồng trong vườn nhà...

Ngày đó tôi thích nhất là được mua dép mới, chỉ là đôi dép nhựa trắng nhưng săm se, thấy Tết về trong lòng. Ngoại và má tôi thương và bảo bọc cho tôi nhiều thứ, dẫu cái nghèo vây quanh nhưng không vì thế mà tôi thiếu Tết bởi luôn cảm nhận được tình thương đong đầy.

Đến bây giờ ngoại tôi đã mất, nhà tôi không còn nuôi gà để bán, nhất là vào dịp Tết vì nhiều lý do, nhưng hình ảnh của ngoại gánh gà ra chợ bán Tết trong chiếc giỏ cáp, đôi gióng mây và chiếc đòn gánh tháp lại vì muốn gãy bởi dùng lâu vẫn không nguôi được trong lòng. Nhớ ngoại với tôi có nghĩa nhớ Tết là vì vậy.

Mùa xuân cứ thế tới, đi, mọi thứ qua đi theo quy luật sinh tử của cuộc đời, song tình thương giữa tôi và ngoại, giữa những người thân cũng như giữa người với người dành cho nhau không bao giờ phai lạt như lời bài hát: “Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người...” của Văn Cao. 

Một tiếng gà có thể chạm vào cảm xúc ở tầng bậc sâu kín nhất của mỗi người Việt, vì tất cả đã sinh ra và lớn lên ở một đất nước nông nghiệp, từng gắn bó với những xóm thôn nghèo, nghề nông với công việc trồng trọt (lúa nước, hoa màu), chăn nuôi (chủ yếu là gà, heo) nên con gà trở nên gần gũi.
LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên