25/02/2010 07:18 GMT+7

Tiếng đàn bầu sau tượng vua Lý

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Một buổi tối bình thường. Tại khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, thanh niên bật nhạc nhảy hip hop, các em thiếu nhi trượt patin, người già thong thả đi bộ tập thể dục... Trong không khí ồn ào ấy bỗng vang lên tiếng đàn bầu...

PS5fzNKa.jpgPhóng to
NSƯT Hoàng Anh Tú và bé Thanh Thanh Tấm biểu diễn tiết mục hát xẩm - Ảnh: H.Điệp

Nhiều ánh nhìn ngơ ngác. Những đôi tai lắng nghe. Nhiều người đi tìm tiếng đàn từ phía sau tượng đài vua Lý trên sân khấu nhà bát giác. 10 phút sau khi tiếng đàn cất lên, tiếng nhạc từ chiếc cassette của các bạn trẻ nhảy hip hop nhỏ hẳn. Một bác trung niên có vẻ hiểu biết: “Đấy là tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Anh Tú, ai muốn nghe sang nhà bát giác nhé”.

Để đàn bầu không lép vế...

Gần đây, người dân thủ đô đi dạo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm vào buổi tối thường được thưởng thức tiếng đàn bầu của các nghệ sĩ biểu diễn ở nhà bát giác (phía sau tượng đài Lý Thái Tổ). Đây là chương trình bảo tồn và quảng bá cây đàn bầu dân tộc do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch chủ trì và CLB Hoàng Anh Tú thực hiện.

Là một nghệ sĩ chơi đàn bầu của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, NSƯT Hoàng Anh Tú từng nhiều năm gắn bó và đoạt nhiều giải thưởng với cây đàn bầu. Xuất phát từ ý tưởng mang đến cái nhìn thật gần về đàn bầu và để những du khách quốc tế có thể biết đến cây đàn độc huyền này, nghệ sĩ Hoàng Anh Tú đã đề xuất với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch kế hoạch biểu diễn miễn phí định kỳ tại Hà Nội.

Nghệ sĩ Hoàng Anh Tú chia sẻ: “Tôi xuất thân là một nghệ sĩ chơi đàn bầu, càng tìm hiểu về cây đàn bầu tôi càng thấy cái hay của nó, từ âm thanh đến sự độc đáo trong cách chơi đàn. Đàn bầu là loại nhạc cụ rất gần gũi với người Việt, dễ làm, dễ chơi, sử dụng được ở nhiều nơi khác nhau. Tuy thế, không phải ai cũng hiểu hết về cây đàn bầu, nhất là trong thời đại người ta chơi nhiều nhạc cụ tây, cây đàn bầu càng trở nên lép vế trong những buổi trình diễn âm nhạc. Số người tìm hiểu cây đàn bầu càng ít so với những loại nhạc cụ dân tộc khác. Bởi vậy, với mong muốn rất nhỏ nhoi là mọi người hiểu hơn về cây đàn bầu nên tôi ra đây trình diễn”.

Lý do Hoàng Anh Tú chọn bát giác làm nơi để biểu diễn bởi đây là một sân khấu ngoài trời quen thuộc của người Hà Nội, một sân khấu hội tụ rất nhiều gương mặt nghệ sĩ như Thái Thanh, Ngọc Bảo, Ngọc Báu... Sân khấu này tồn tại từ thời Pháp thuộc với tên nhà kèn. Vì vậy dù hơi khuất sau tượng đài vua Lý Thái Tổ nhưng đây cũng là nơi đủ rộng, thoáng để biểu diễn và quảng bá cây đàn bầu VN.

Dân dã và gần gũi

Chính thức bắt đầu từ ngày 30-12-2009, đã qua gần hai tháng hiện diện ở sân khấu bát giác, NSƯT Hoàng Anh Tú và những cộng sự đã đưa cây đàn bầu đến gần gũi với công chúng hơn qua các nhạc phẩm: Mẹ ru con, Bèo dạt mây trôi, Người ơi người ở đừng về, Về quê, Ở hai đầu nỗi nhớ, Xem hội trăng rằm... Không chỉ trình diễn những ngón đàn điêu luyện đã được khẳng định nhiều năm qua, nghệ sĩ Anh Tú còn giải thích cặn kẽ về cây đàn bầu VN bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt cho du khách quốc tế ghé lại đây.

Ngoài phần trình diễn và giao lưu về cây đàn bầu VN, chương trình còn giới thiệu một “đặc sản”: giọng hát xẩm rất trẻ thơ nhưng chuyên nghiệp của bé Thanh Thanh Tấm (7 tuổi) với bài xẩm chợ Mục hạ vô nhân và bài hát Say trăng.

Bác Nguyễn Thanh Tuyến, phường Bạch Đằng, đã hai lần xem chương trình biểu diễn của bé Thanh Thanh Tấm nói: “Tôi rất thích chương trình biểu diễn tại nhà kèn. Thứ nhất, đây là chương trình biểu diễn miễn phí vì ở thành phố thật khó tìm được sân khấu nào có biểu diễn đàn bầu một cách dân dã và gần gũi với khán giả. Tại đây khán giả có thể ngồi xuống nền xem biểu diễn và nếu ai muốn thử đánh đàn bầu cũng được nghệ sĩ Anh Tú chỉ bảo nhiệt tình. Thứ hai, tôi cũng rất thích phần trình diễn của bé Tấm vì bé có một giọng hát chuyên nghiệp, nhất là với xẩm, trong khi loại hình âm nhạc này đang bị mai một dần”.

Tiết xuân lạnh, gió thổi thông thốc từ hồ Gươm đến tận sân khấu nhỏ. Những nghệ sĩ vẫn miệt mài biểu diễn. Người nghe đến mỗi lúc một đông. 90 phút của chương trình dường như quá ngắn. Khi tiếng đàn của nghệ sĩ vừa dứt, tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên và tiếng hỏi nhau về buổi biểu diễn sau cùng những hứa hẹn đưa người quen đến...

Tiếng đàn cho Thăng Long

IF7UAvjv.jpgPhóng to
NSƯT Hoàng Anh Tú giới thiệu cây đàn bầu với khán giả - Ảnh: H.Điệp

NSƯT Quốc Chiêm, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội, cho biết: “Tôi thấy đây là một dự án dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nên ngay khi tiếp xúc với dự án, sở đã hoàn toàn ủng hộ NSƯT Hoàng Anh Tú vì anh giới thiệu cây đàn bầu từ mong muốn quảng bá cây đàn đến công chúng cùng phần thù lao rất ít ỏi.

Từ khi mới bắt đầu biểu diễn, chương trình đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Bằng hoạt động thường kỳ diễn ra 3 buổi/tuần (20g tối thứ ba, năm và 16g chiều thứ bảy) từ nay đến thời điểm tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long, chắc chắn đây sẽ là nơi đến của nhiều người dân thủ đô muốn tìm hiểu về cây đàn bầu và âm nhạc Việt”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên