01/02/2025 10:54 GMT+7

Tiếng dạ lời thưa ân nghĩa chúc Tết

Những lời chúc Tết như hạt giống cất kỹ càng trên gác bếp, tới mùa lại lấy xuống mà gieo trồng.

Tiếng dạ lời thưa ân nghĩa chúc Tết - Ảnh 1.

Dạ thưa thiếm, nay ba ngày xuân, con có ít trà bánh lễ mọn lòng thành, kính dâng lên bề trên, kính chúc thiếm năm mới luôn mạnh giỏi, con cháu thảo hiền, mần ăn khấm khá - Ảnh: NGỌC ẨN

Năm mới, mừng tuổi anh Hai, chúc anh Hai khỏe mạnh, sống lâu vô thời hạn… 

Anh Hai cảm ơn em nhiều, bây giờ là thưởng.

Mấy ngày nay, đoạn clip ghi lại cảnh cụ bà 96 tuổi chúc Tết và nhận lì xì từ anh trai 98 tuổi thu hút hàng triệu lượt xem của cộng đồng mạng.

Người em khi ngồi trò chuyện thì xếp hai bàn tay cung kính, khi được người anh gọi thì cố gắng đứng dậy, đưa cả hai tay cúi đầu nhận lấy bao lì xì. 

Chỉ trong chưa tới hai phút, hành động chân thật của hai cụ bách niên khiến người xem vừa thích thú lại vừa có cơ hội chiêm nghiệm lại nhiều điều, nhất là văn hóa chúc Tết của người Nam Bộ xưa.

Chúc Tết để tỏ lòng biết ơn

Người Nam Bộ rất chú trọng ân nghĩa. Trong một xóm nhỏ, dọc theo con sông, nương theo bờ ruộng người ta đều tự nhận thấy mình có mối quan hệ "ân" và "nghĩa" với nhau. 

Không chỉ là bà con, ruột rà nhiều khi chỉ là chòm xóm nhưng đã từng nhờ vả điều gì thì những ngày tư ngày Tết là dịp để họ bày tỏ lòng cảm ơn.

Từ 29 Tết mẹ tôi đã soạn sẵn, chia đủ các phần quà, rồi dặn tới dặn lui ba tôi phần nào của nhà nào. 

"Bà Bảy không họ hàng nhưng hồi đó bán căng tin Sài Gòn, có gì cũng mang về cho tụi bây ăn uống...", mẹ nhắc từng người. 

Bà Năm Đẳng thì cho ông ngoại nằm nhờ trên đất ruột mấy chục năm nay. Bác Tư Đực thợ mộc có công phụ xây cất nhà lúc ba mới ra riêng lập nghiệp. Cậu Tư cho đi nhờ cây cầu kênh.

Nhớ cậu Chín, chị Ngoa thời đập lúa, vần công luôn choàng giúp vì biết nhà tôi đông con, khó khăn. Nói chung, người ta luôn tìm thấy sự liên can với nhau để thọ ân thọ nghĩa.

Có lần vì bận rộn, tôi không đưa ba đi chúc Tết được, năm đó ông tự đạp xe đi cả ngày, về nhà đổ bệnh. Tôi thất kinh vì nhận ra đó là chuyện hệ trọng đối với ông. 

Từ đó, năm nào tôi cũng dành cả ngày để đưa ông đi chúc Tết. Mà thật lạ, bình thường đi đứng khó khăn nhưng hễ đi chúc Tết là ông đi cười cười: "Mấy thuở mười thì, một năm chỉ có ba ngày Tết, không đi coi sao được…".

Tiếng dạ lời thưa ân nghĩa chúc Tết - Ảnh 2.

Chủ nhà thường đứng bên bàn độc chuẩn bị sẵn nén nhang cho khách. Đó là một sự tinh tế và khéo léo: Tránh cho khách lúng túng không biết chỗ để ống nhang, cũng không biết thắp bao nhiêu nén là đủ - Ảnh: NGỌC ẨN

Tiếng dạ lời thưa cho vừa lòng Tết

Mấy bận theo ba đi chúc Tết, tôi nhận ra rằng người Nam Bộ dẫu thường ngày hịch hạp, nói chuyện có phần bỗ bã hay cà rỡn... Áo quần bình thường xuề xòa, thoải mái cho tiện giăng lưới, đi đồng. 

Nhưng khi Tết chạp, thời lại rất nghiêm trang, có khách tới phải vớ ngay cái áo dài tay mà mặc. Lời lẽ thì tuyển chọn sao cho nghe bắt vần, bắt điệu, đôi khi có mấy từ dùng lạ tai nhưng tạo được hiệu ứng trang trọng. Họ là những nông dân rặt ri nhưng khi thưa trình thì tiếng dạ lời thưa rất xuôi chèo mát mái. 

Mỹ từ với họ như hạt giống cất kỹ càng trên gác bếp, tới mùa lại lấy xuống mà gieo trồng. Để khi đứng khoanh tay trước bàn gia tiên chúc Tết, những lời chúc đó như tưới tẩm vào gia chủ những lộc mầm thơm thảo. 

Khi vào thì khách sẽ thưa. Thưa xong, khách sẽ xin gia chủ một chiếc đĩa để trình. Lễ vật không cứ phải là thứ đắt giá hay sang trọng, cốt ở tấm lòng: cây bánh pía, gói mứt, hộp trà...

Chủ nhà thường đứng bên bàn độc (bàn để đồ cúng, thường sau bàn thờ chính) chuẩn bị sẵn nén nhang cho khách. Đó là một sự tinh tế và khéo léo: tránh cho khách lúng túng không biết chỗ để ống nhang, cũng không biết thắp bao nhiêu nén là đủ. 

Chủ nhà cũng sẽ hướng dẫn thứ tự thắp nhang, thường sẽ bắt đầu từ bàn thờ Phật (nếu gia chủ thờ Phật), bàn thờ Thầy (nếu gia chủ theo đạo Cao Đài)… rồi tới bàn thờ ông bà. 

Sau khi thắp nhang xong thì tới phần chúc. Có thể chúc ngay trước bàn thờ, nhưng cũng có thể mời ra "bàn dài" thưa chuyện. Đáp lời, gia chủ thường sẽ chúc lại tương tự, rồi cùng dùng mứt uống trà. Trừ khi điều kiện sức khỏe, lúc chúc thì nhất định cả khách và chủ đều phải đứng lên. 

Hết cái nghi thức ấy thì lại thoải mái rổn ràng nói chuyện như thường nhật. Và hay cái nữa là trình tự ấy không phân biệt nhà gia chủ giàu hay nghèo, có điều kiện hay còn khó khăn, chỉ cần ước lệ là được. 

Dù có được mời ngồi bộ trường kỹ cẩn xà cừ với mâm cao cổ đầy hay ngồi bộ bàn trà lai rai vài con khô mực thì vẫn cùng bài bản, trịnh trọng như thế.

Ngày nay, công nghệ đã làm sẵn bằng những tấm thiệp chúc Tết điện tử, và dường như người ta cũng dễ dàng châm chước cho nhau, thành ra có lúc trở thành xuề xòa. 

Khó luận chuyện đúng hay sai, chỉ có điều thật ngậm ngùi nếu như tục chúc Tết bị mai một.

Ngày hôm qua, cầm tay cậu Sáu, ba tôi nói: "Năm nay biết năm nay, năm sau không biết tôi với anh có còn gặp được hay không. Không biết qua lứa mình, sắp nhỏ còn biết anh biết em nữa hay không..."

Cậu Sáu cười sang sảng:

Đứt tay một chút còn đau

Huống chi nhân nghĩa, lìa sao cho đành.

Người còn thì của cũng còn

Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi.

Tiếng dạ lời thưa ân nghĩa chúc Tết - Ảnh 4.Hơn 20 năm giữ nếp 'mùng 3 Tết thầy'

Đều đặn vào Tết Nguyên đán, nhiều học sinh chọn sum vầy bên người thầy, người cô đã dạy mình nên người, giữ nếp 'mùng 3 Tết thầy'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên