Trên mạng, không chỉ ở Việt Nam không thôi, đang lan truyền một clip thật kinh khủng: một cô gái 19 tuổi bị giảng viên đại học xâm hại, và cô quyết định nhảy lầu tự tử.
Khi cô gái đáng thương đang vắt vẻo trên lầu cao, một đám người dưới đất lăm lăm smartphone trên tay kêu gọi nhảy đi, nhảy đi (???) kèm theo những tràng cười hô hố.
Và cô gái nhảy thật...
Câu chuyện này xảy ra ở Trung Quốc, và thật ra nó cũng không quá hiếm hoi ở thời buổi hôm nay.
Tại sao con người ác độc đến thế? Có thể cười trên nỗi đau của đồng loại?
Giáo sư tâm lý học Roy F.Baumeister của Đại học Princeton (Mỹ) đã gọi hiện tượng con người ngày càng trở nên ác độc với đồng loại là "Satan cười khi con người đau khổ".
Để lý giải cho cái sự độc ác ngày càng gia tăng, đã có rất nhiều góc nhìn được đưa ra. Như Alex Lickeman trong cuốn Hạnh phúc trong thế giới này đã cho rằng tất cả là bởi ĐỊNH KIẾN.
Theo Alex, gặp một con thỏ, con nai, ngay lập tức chúng ta có một sự mong muốn được vuốt ve chúng, ôm lấy chúng. Nhưng thử gặp một con rắn, chúng ta có muốn làm như thế không?
Chắc chắn là không. Bởi, cái định kiến trong tiềm thức của chúng ta về con thỏ, con nai là một sự hiền dịu, vô hại. Còn rắn, đụng vào là dễ tiêu tùng!
Định kiến đã ám vào chúng ta một cách vô thức, thông qua những clip, những tin ảnh về bạo lực, về hành vi độc ác của con người bao vây lấy chúng ta ngày mỗi dày đặc.
Mở mạng ra là thấy đâm chém; là vợ giết chồng, chồng hại vợ; là con hại cha, cháu giết bà... Bên cạnh đó, những lần trả giá vì tin người trong các mối quan hệ xã hội đã khiến con người ngày càng định kiến xấu về đồng loại.
Mọi thứ cứ lan tỏa như thế...
Vậy làm sao để trị được căn bệnh này cho con người? Một cựu đồng nghiệp - anh Nguyễn Bá Ngọc đã tự lọc bớt, loại bỏ những người bạn trên thế giới mạng mà anh cho rằng hay có những status tiêu cực, làm mình dễ bị lây.
Từ ngày chỉ giữ lại những người bạn tích cực, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, có lý lẽ, anh kết luận "mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn"!
Nhưng cách của anh Ngọc là "tự cứu mình", còn các nhà nghiên cứu thì nói nhiều đến giáo dục.
Giáo dục ở đây không phải hiểu đơn thuần là cắp cặp đến trường học, không chỉ là những bài giáo huấn bằng mồm cho con trẻ, không phải là hành động đưa đón con đi học thêm đến tối mịt...
Giáo dục ở đây được gọi là .
Một ông bố làm sếp, đứng trước mọi người thì nói những điều hay lẽ phải, nói về đức hi sinh cao cả; nhưng sự thật là một tay tham nhũng, ăn không chừa của dân một thứ gì, thì xin lỗi không thể giáo dục làm gương cho con cái.
Bởi, anh giấu được ai thì giấu chứ không thể giấu được con mình.
Chúng thừa biết, với đồng lương mà anh được hưởng theo quy định nhà nước còn không đủ để mua một bộ áo vest, thì đồng tiền để xây biệt thự, đi nước ngoài ăn xài như ông hoàng, chi trả cho nó đi du học... không thể là tiền sạch.
Và như thế, ở đây không thể có được hình thức giáo dục làm gương.
Nói tóm lại, giáo dục làm gương là cấp trên phải làm gương cho cấp dưới; cha mẹ phải làm gương cho con cái; thầy cô giáo phải làm gương cho học trò...; truyền thông thì phải làm gương trong cách đưa tin, không câu view bằng những chi tiết giật gân rùng rợn ở các vụ án, mà phải bằng những phân tích nguyên nhân xảy ra vụ án...
Ngày nào mà một xã hội từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới đều làm gương tốt cho nhau, khi ấy mới mong hết những trước nỗi đau của con người!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận