27/05/2015 11:09 GMT+7

Tiếng Anh của người Việt ở tầm thế giới

LÊ TẤN THỜI (An Giang)
LÊ TẤN THỜI (An Giang)

TTO - Trước xu thế hội nhập và phát triển của Việt Nam, tôi mong trong vòng 20 năm tới, tiếng Anh của người Việt sẽ vươn tầm thế giới.

Trong ảnh là một lớp tiếng Anh cho trẻ em ở làng chài ven sông Lạch Tray thuộc địa phận P.Ngọc Sơn, Q.Kiến An, TP Hải Phòng. - Ảnh tư liệu

Giới trẻ Việt Nam trong 20 năm tới sẽ tự tin hơn vì có đủ năng lực tiếng Anh để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiếng Anh khi đó sẽ trở thành một công cụ chứ không phải đơn thuần là môn học.

Từng người trong xã hội sẽ sử dụng vốn tiếng Anh của mình để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam hiền hòa, thân thiện và hiếu khách.

Việc một bác nông dân có thể giao tiếp tiếng Anh với những đối tác nước ngoài ngay trên ruộng lúa của mình  hay một em học sinh mạnh dạn trò chuyện với những vị khách du lịch khắp năm châu về những gì đang diễn ra trên quê hương mình không còn là điều xa lạ nữa. Thậm chí lúc ấy sẽ có nhiều quốc gia trên thế giới đến để tham khảo cách dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam.

Ở góc nhìn sư phạm, để đạt được những điều nói trên, chúng ta cần phài có những giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, chúng ta phải quy hoạch chương trình tổng thể cho việc dạy và học tiếng Anh ngay từ bây giờ. Một chương trình có tính chất liên thông từ bậc tiểu học cho đến đại học là việc cần thiết và cấp bách.

Ở bậc phổ thông, sách giáo khoa phải thiết kế thế nào để người học phát huy được tính giao tiếp của mình vì những kỹ năng ngôn ngữ phải được hình thành ngay từ khi bắt đầu làm quen với một ngoại ngữ.

Ở những bậc học tiếp theo, người học sẽ dễ dàng tiếp cận được tiếng Anh chuyên ngành hay phát huy được sở trường của mình vì đã hình thành được một nền tảng kiến thức và kỹ năng ngay từ những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, phải đổi mới cách dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục hiện nay. Nói không quá lời rằng việc nhiều người Việt Nam không thể sử dụng tiếng Anh vào thực tế cuộc sống là hệ quả tất yếu của một quá trình đào tạo trong thời gian dài.

Để thay đổi, vai trò của người thầy rất quan trọng. Người thầy không những có kiến thức ngôn ngữ sâu rộng mà còn phải có những phương pháp sư phạm sinh động, lôi cuốn học trò. Người thầy phải tạo cho học trò mình sự tự tin khi sử dụng tiếng Anh của chính bản thân các em qua những hoạt động dạy và học trong tiết dạy, qua những hoạt động ngoại khóa.

Nói cách khác, làm thế nào người thầy phải thổi hồn vào bài giảng để truyền lửa cho học trò mình trong việc học tiếng Anh.

Thứ ba, chúng ta phải đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn tiếng Anh của người học. Những bài kiểm tra đánh giá hiện nay trong trường phổ thông và ngay cả kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh… được thiết kế theo kiểu kiểm tra đánh giá  kiến thức chứ không phải là kiểm tra đánh giá kỹ năng.

Vì vậy để có được tính giá trị, độ tin cậy và tính khả thi. các hình thức kiểm tra, đánh giá phải được thiết kế theo các chuẩn đánh giá quốc tế về năng lực dạy và học tiếng Anh. Bốn kỹ năng cơ bản trong việc học ngoại ngữ - nghe, nói, đọc, viết phải được lồng ghép vào nhau trong các bài kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, các hình thức kiểm tra đánh giá phải đa dạng và thích hợp với trình độ người học để họ biết được sự tiến bộ cũng như những hạn chế cần khắc phục.

Khi những giải pháp cơ bản trên được tiến hành một cách đồng bộ, tiếng Anh sẽ được giảng dạy như một môn kỹ năng chứ không phải là môn khoa học. Tư duy đổi mới phải được phát huy và cần những con người dám mạnh dạn đột phá. Từ đó tìm ra những hướng đi thiết thực, vượt qua lối mòn cũ bấy lâu nay để người Việt Nam có được một môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh bền vững để làm việc, giao tiếp và hội nhập.                                                              

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

LÊ TẤN THỜI (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên