Nhà đầu tư dè dặt
Kết phiên giao dịch hôm nay (2-10), VN-Index tăng 1,1 điểm, tương đương với 0,1% lên 1.155,25. Tổng thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, chỉ đạt hơn 13.000 tỉ đồng.
Mức thanh khoản này thấp hơn đáng kể con số bình quân tháng 9 khi giá trị giao dịch hằng ngày trên toàn thị trường đạt 24.400 tỉ đồng.
Riêng 3 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, thanh khoản bình quân toàn thị trường ở mức khá thấp, đạt hơn 18.600 tỉ đồng, giảm gần 50% so với mức cao nhất trong tháng và giảm 30% so với bình quân tháng.
Đà giảm của dòng tiền vào chứng khoán kéo dài sang phiên đầu tháng 10. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trọng Đình Tâm cho biết phiên hôm nay VN-Index ghi nhận trạng thái rung lắc, giằng co.
Thanh khoản thị trường ghi nhận ở mức thấp với hơn 465,5 triệu đơn vị, trong khi mức bình quân 20 phiên đạt hơn 927 triệu cổ phiếu.
Diễn biến thận trọng của thanh khoản mặc dù thể hiện sự dè dặt của bên mua nhưng phần nào cho thấy trạng thái cạn cung trong ngắn hạn, theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm.
Vị chuyên gia nhấn mạnh thanh khoản thấp khi thị trường rung lắc giằng co là điều bình thường. Bên cạnh đó, việc VN-Index "xây nền tích lũy" như hiện tại sẽ tạo ra vùng mua phù hợp cho nhiều nhà đầu tư đang quan sát để mở vị thế mua mới.
Từ góc nhìn về kỹ thuật, ông Tâm cho biết nhà đầu tư có thể nghiên cứu trạng thái "bùng nổ theo đà", một phát kiến được xây dựng bởi William Oneil.
Tức là nếu thị trường diễn ra trạng thái "bùng nổ theo đà", kịch bản tạo sóng tăng mới của VN-Index sẽ có thể cao hơn. Trạng thái này yêu cầu một phiên phục hồi (tạo đáy ngắn hạn) tương tự với phiên ngày 27-9.
Tiếp theo sẽ là một chuỗi từ 4 đến 7 phiên tích lũy và quan trọng nhất sẽ là phiên bùng nổ liền sau (được xác nhận bởi cả điểm số lẫn thanh khoản).
Hiện tại thị trường đang vận động trong pha tích lũy. Vùng hỗ trợ gần trên chỉ số là khu vực 1.140 - 1.150 điểm, ông Tâm nhận định.
Yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường?
Trong ngắn hạn, chuyên gia Nguyễn Trọng Đình Tâm cho rằng câu chuyện đầu tư tiềm năng dành cho thị trường sẽ chủ yếu đến từ hai nhóm yếu tố.
Thứ nhất là kết quả kinh doanh quý 3-2023 trong bối cảnh nhiều lĩnh vực đang nỗ lực thoát đáy chu kỳ.
Thứ hai là các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, nhà đầu tư chuyên giao dịch theo phân tích kỹ thuật có thể tìm cơ hội tại các nhóm cổ phiếu đã rơi vào trạng thái "quá bán" sau nhịp điều chỉnh vừa qua, theo ông Tâm.
Chuyên gia VCBS cũng nhận định nhà đầu tư vẫn đang lưỡng lự trước diễn biến chưa rõ xu hướng của thị trường.
"Thị trường chung đang rung lắc và chưa rõ xu hướng ngắn hạn nhưng sự phân hóa vẫn được thể hiện rõ rệt và tìm đến những cổ phiếu riêng lẻ.
Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên tăng điểm để cơ cấu, thu gọn lại danh mục, hoặc có thể giải ngân bắt đáy lướt sóng với tỉ trọng thấp từ 10 - 25% tài khoản đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có xu hướng phục hồi tốt hơn thị trường", VCBS khuyến nghị.
Xu hướng rút ròng tiếp diễn
Thống kê từ Fiintrade cho thấy trong tuần từ ngày 25 đến 29-9-2023, các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận mức rút ròng gần 77 tỉ đồng.
Trong đó, các quỹ ETFs nước ngoài rút ròng hơn 86 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF (133 tỉ đồng). Trong khi đó, Fubon FTSE Vietnam ETF bất ngờ ghi nhận vào ròng 121,8 tỉ đồng sau nhiều tuần bán ròng trước đó.
Các quỹ ETF trong nước ghi nhận vào ròng nhẹ, đạt hơn 9 tỉ đồng, tập trung ở hai quỹ do Dragon Capital quản lý. Cụ thể, quỹ VFMVN Diamond ETF vào ròng hơn 29,2 tỉ đồng, trong khi quỹ VFM VN30 ETF vào ròng tới 138 tỉ đồng, với đóng góp từ dòng tiền qua kênh chứng chỉ lưu ký do Bualuang Securities phát hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận