VN-Index đóng cửa tuần giao dịch thứ 5 của năm 2024 tại mốc 1.172,55 điểm, giảm nhẹ -3,12 điểm, tương đương -0,27% so với tuần trước.
Thanh khoản chứng khoán tăng, có phiên tỉ USD
Điểm nhấn trong tuần qua là phiên giao dịch chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản đột biến hơn 1 tỉ USD.
Dữ liệu Fiintrade cho thấy giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) trong tuần ở mức 19.721 tỉ đồng, tăng 20,3% so với tuần trước và 5,9% so với trung bình 5 tuần.
Chuyên gia Chứng khoán SHS nhìn nhận thanh khoản tuần qua thể hiện mức độ phân hóa mạnh. Dòng tiền ngắn hạn vẫn có tín hiệu xoay vòng tích cực, luân chuyển ở từng nhóm mã.
Trong đó nhiều mã vẫn tăng giá vượt trội trong thời gian công bố kết quả kinh doanh quý 4-2023. Ngoài ra thị trường đón nhận thông tin FOMC nhất trí giữ nguyên lãi suất (5,25 - 5,5%), phát đi tín hiệu đã hoàn tất việc tăng lãi suất.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 1-2024 đạt 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12 cũng là thông tin được đánh giá tích cực.
Về xu hướng dòng tiền, dữ liệu Fiintrade cho biết tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào ngành bất động sản, hóa chất, công nghệ thông tin, hàng cá nhân, viễn thông, kho bãi hậu cần và bảo dưỡng. Còn giảm ở ngành ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, thiết bị điện...
Trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản khá đột biến, nhất là trong phiên 31-1, gây áp lực tiêu cực đến chỉ số chung khi đa số kết thúc tuần giảm điểm mạnh.
Một số mã thanh khoản gia tăng đột biến kém tích cực như SHB (-7,29%), EIB (-5,38%), NVB (-5,31%), VPB (-4,81%)... Ngược lại, một số mã tăng giá như: VAB (5,71%), HDB (+4,93%), LPB (+2,01%)...
Chứng khoán trước kỳ nghỉ Tết sẽ tăng hay giảm?
Chỉ vài phiên giao dịch nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Các sở giao dịch đã có thông báo lịch nghỉ giao dịch, theo đó thị trường sẽ bắt đầu nghỉ từ thứ năm ngày 8-2-2024 (tức 29 Tết) đến hết thứ tư ngày 14-2-2024 (tức mùng 5 Tết).
Nhiều dự báo trước đó cho rằng thanh khoản chung sẽ chững lại và có xu hướng giảm trong thời điểm cận Tết. Gần đây, VN-Index diễn biến giằng co, tích lũy trên nền thanh khoản thấp.
Tuy nhiên với diễn biến trong các phiên giao dịch cuối tuần qua, nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ vận động tích cực hơn trước khi cả nước bước vào kỳ nghỉ dài nhất năm.
Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online dựa trên dữ liệu VN-Index 10 năm gần đây, 9/10 năm thị trường chung đều có điểm số đi lên trong quãng thời gian 5 ngày giao dịch trước nghỉ Tết.
Điểm cần lưu ý là dữ liệu thống kê nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, thể hiện những diễn biến trên thị trường trong quá khứ. Thị trường chứng khoán luôn khó đoán định kèm yếu tố bất ngờ.
Theo nhận định từ khối phân tích Chứng khoán SHS, VN-Index tiệm cận cản tâm lý ngắn hạn 1.200 và đã điều chỉnh trở lại.
Về góc nhìn trung hạn, sau giai đoạn thị trường giảm sâu, thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại, với biên độ dao động rộng nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài.
Tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định với thống kê tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần nhưng tốc độ không đạt kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ, chuyên gia SHS lo ngại.
Trong khi tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường khi kinh tế vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp, đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Đức, Hà Lan...
Điểm tích cực là tình hình lạm phát đã bình ổn và Fed đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất, đồng thời để ngỏ khả năng khởi động chu kỳ giảm lãi trong năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận