Thí sinh kết thúc môn thi ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (ảnh chụp tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 24-9. Ông Trinh cũng thông tin về lộ trình đổi mới thi trong những năm tiếp theo, trong đó đáng lưu ý là sẽ tiến tới tổ chức thi tốt nghiệp trên máy khi có sự chuẩn bị tốt.
Giữ ổn định tới năm 2025
Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh cho biết tại cuộc họp với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vào chiều 23-9, Bộ GD-ĐT đã báo cáo lộ trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 và về cơ bản nhận được sự đồng thuận.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là tổng hợp những ưu điểm rút ra từ các kỳ thi trong 6 năm qua. Nhìn vào kết quả thi được công bố công khai, có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền.
Điều này cũng phù hợp với thực tế giáo dục phổ thông. Việc Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh kết quả thi và kết quả học bạ lớp 12 của thí sinh, một mặt để có thêm yếu tố đánh giá độ tin cậy của kết quả thi, nhưng mặt khác cũng tác động mạnh mẽ trở lại các địa phương" - ông Mai Văn Trinh nói.
Theo ông Trinh, mục tiêu xét hoàn thành chương trình THPT và đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương qua kỳ thi đã đạt được. Từ kết quả này, nhiều địa phương sẽ phải điều chỉnh để có giải pháp nâng chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, kết quả thi tốt nghiệp năm nay cũng hỗ trợ tốt cho một số trường ĐH-CĐ trong tuyển sinh.
Kết quả trên là căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT tiếp tục giữ nguyên phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. "Tới năm 2025-2026 mới có lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới (CT 2018) thi tốt nghiệp. Vì thế với những kết quả đã đạt được ở kỳ thi năm 2020, nên giữ ổn định tới năm 2025" - ông Trinh cho biết thêm.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức với mục đích xét tốt nghiệp, làm cơ sở để đánh giá chất lượng và điều chỉnh việc dạy học phổ thông nhưng vẫn cung cấp kết quả hỗ trợ các cơ sở đào tạo tuyển sinh.
Kỳ thi vẫn có 5 bài thi như năm 2020, do Bộ GD-ĐT ra đề thi thống nhất trên toàn quốc và thí sinh vẫn làm bài thi trên giấy. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho biết năm 2021, ngân hàng câu hỏi thi sẽ được chuẩn hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở các khâu của kỳ thi.
Thử nghiệm thi trên máy tính
Ông Mai Văn Trinh cho biết năm 2021, song song với việc tổ chức ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cũng có các bước chuẩn bị để tiến hành thử nghiệm việc tổ chức thi trên máy tính để phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
"Sẽ phải ban hành quy chế tổ chức thi trên máy tính, chuẩn bị cơ sở vật chất, phần mềm quản lý thi, đào tạo, tập huấn cán bộ, chuẩn bị tâm lý cho giáo viên phổ thông và học sinh. Khi có đủ điều kiện để triển khai sẽ phải thử nghiệm và mở rộng dần ở những địa phương có đủ điều kiện" - ông Trinh nói.
Trả lời báo chí về những băn khoăn khi những khó khăn thực tế có thể tác động tiêu cực đến việc tổ chức thi trên máy tính, ông Mai Văn Trinh khẳng định khi tổ chức thi trên máy tính sẽ phải đảm bảo trung thực, bình đẳng giữa học sinh ở các vùng miền khác nhau. Đặc biệt, các quy định đặt ra không đột ngột, không gây sốc cho giáo viên, học sinh.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc, có quy định về ma trận/cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, quy trình thực hiện và giải pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để có đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.
Những đề xuất về lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh sau năm 2021 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý để đi tới thống nhất.
Tăng cường tự chủ
Các trường ĐH thực hiện mạnh hơn quyền tự chủ trong tuyển sinh, có thể tiếp tục sử dụng các phương thức: tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ GD-ĐT công nhận hoặc do các tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá... và kết hợp giữa các phương thức trên.
Khuyến khích trung tâm khảo thí "vào cuộc"
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết về lâu dài, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trung tâm khảo thí của các trường đại học, của sở GD-ĐT hoặc trung tâm độc lập chuẩn bị đủ điều kiện như quy định để tổ chức các đợt thi trên máy.
Kết quả thi đáng tin cậy thì ngoài việc sử dụng để xét tốt nghiệp THPT sẽ cung cấp cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh. "Khi đã thi trên máy thì thí sinh có thể thi nhiều đợt khác nhau trong năm" - ông Trinh nói thêm.
Trong đề xuất của Bộ GD-ĐT cũng nêu vấn đề các trung tâm khảo thí độc lập có thể tổ chức đánh giá năng lực hoặc kiểm tra năng khiếu các ngành sư phạm, sức khỏe, khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội - nhân văn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận