Bản thân kỳ thi không có lỗi, có chăng là do con người và những tác động từ nhiều phía khiến cho kỳ thi có thể "méo mó" và cần thiết phải có những điều chỉnh.
Ba luồng ý kiến
Dư luận xã hội một số năm gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT nổi lên ba luồng ý kiến. Một là nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi vì kết quả của kỳ thi chưa phản ánh đúng thực chất giáo dục phổ thông khi tỉ lệ tốt nghiệp nhiều năm luôn ngót nghét 100% trong khi việc tổ chức kỳ thi quá tốn kém, mất sức.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng trong bối cảnh tự chủ của giáo dục đại học với quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, phương thức xét tuyển khiến cho rất nhiều gia đình và các học sinh lo lắng.
Kết quả thi tốt nghiệp (có tính cả điểm học bạ năm cuối cấp) được dùng để xét tuyển vào đại học khiến cho việc gian lận thi cử khó kiểm soát từ mỗi học sinh, nhà trường. Do vậy cần tách ra thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển/xét tuyển vào đại học.
Luồng ý kiến thứ ba kêu gọi nên phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm tất cả các khâu từ ra đề, chuẩn bị phòng thi, tổ chức tập huấn cán bộ coi thi, coi thi và chấm thi.
Mỗi luồng ý kiến đều có sự hợp lý của nó nhưng rất cần cân nhắc trong quá trình lựa chọn chính sách để tránh làm đi làm lại, sửa sai, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học
Việc thi đại học với mục đích lựa chọn nhân tài vào học trong các ngành phù hợp (với hàng nghìn ngành thì tổ hợp các môn thi như hiện nay là không đủ và có phần gượng ép) nên để các trường chủ động tổ chức.
Các trường có thể không chỉ lựa chọn bằng việc kiểm tra kiến thức mà có thể kiểm tra năng lực, động cơ và thái độ qua các kỹ thuật đánh giá khác nhau mới chọn được ứng viên phù hợp.
Phân cấp
Với kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, tăng cường tự chủ trường học cùng với quá trình dân chủ hóa trường học, việc giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT là lựa chọn khá hợp lý hiện nay.
Tuy nhiên, để tránh những hạn chế khi chuyển kỳ thi từ trung ương về địa phương, rất cần có một doanh nghiệp dịch vụ công chuyên khảo thí, sản xuất đề thi chuyên nghiệp cung cấp cho các địa phương đảm bảo tính chuẩn quốc gia.
Dịch vụ khảo thí này không chỉ dừng lại ở các môn thi tốt nghiệp THPT mà còn ở nhiều môn học khác với một thị trường rất lớn và người dân chia sẻ tài chính (như đóng phí thi IELTS), Nhà nước bớt được nhiều tỉ đồng để có thêm kinh phí đầu tư giáo dục cho vùng kinh tế khó khăn khác.
Để có thể phân cấp cho địa phương hiệu quả, ngay từ bây giờ cần có một chiến lược định hình chính sách thi cử ở Việt Nam trong tầm 10 năm và xa hơn mà không phải chỉ là những đổi mới lặt vặt chắp vá như thi trên giấy hay thi trên máy tính, thi môn này hay môn kia...
Trong một tầm nhìn dài hơi hơn, để đảm bảo cho việc thi cử với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đánh giá đúng năng lực người học thì ngay từ mẫu giáo và tiểu học đã phải dạy cho trẻ lòng trung thực, tự trọng và trong xã hội tham nhũng được trừ bỏ thì bức tranh giáo dục nói chung, thi cử nói riêng sẽ có gam màu sáng sủa hơn sau hơn một thập niên nữa.
Tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông qua 12 năm dạy và học. Kết quả kỳ thi cũng chính là trách nhiệm giải trình của mỗi thầy cô giáo, nhà trường, các nhà quản lý trong việc dạy và học với tiền thuế và học phí, công sức của người dân.
Ngoài ra, thi tốt nghiệp THPT là một công đoạn có tính bắt buộc của quy trình giáo dục để các thầy cô giáo biết mình, học sinh biết mình và các nhà quản lý biết được hiệu quả chỉ đạo, quản lý giáo dục để điều chỉnh chính sách phát triển giáo dục. Kỳ thi mang tính quốc gia còn có ý nghĩa chẩn đoán con bệnh của giáo dục khi nó chưa bị nhiễm nặng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận