Đầu tháng 6-2024, ông Trần Văn Ninh phải mất ba ngày và mất gần 20 triệu đồng tiền vé máy bay đi lại ba nơi làm giấy chứng nhận độc thân để bán xe ô tô.
Nhiêu khê với chứng nhận độc thân
Ông Ninh ly hôn vào năm 2018 tại tỉnh Bắc Ninh. Năm 2019, ông mua xe ô tô chạy dịch vụ tại Đắk Lắk. Năm 2022, ông Ninh chuyển đến TP.HCM.
Khi bán xe ô tô, ông Ninh được yêu cầu phải có giấy chứng nhận độc thân. Ông đưa ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn của tòa án, nhưng công chứng viên giải thích là phải có giấy tờ chứng nhận từ sau khi ly hôn đến nay ông không đăng ký kết hôn lại với ai thì mới chắc chắn ô tô chỉ thuộc quyền sở hữu của mình ông.
Để có thể công chứng hợp đồng bán xe, ông Ninh phải đi ba chuyến: TP.HCM - Bắc Ninh, Bắc Ninh - Đắk Lắk và Đắk Lắk - TP.HCM để làm giấy xác nhận độc thân từ sau thời điểm ly hôn đến khi bán xe.
Đây là trường hợp điển hình về những nhọc nhằn khi cần xác nhận độc thân để chứng minh tài sản mình muốn sang tên, chuyển nhượng không liên quan đến người thứ ba. Những thủ tục khác như chuyển nhượng tài sản, hồ sơ vay ngân hàng... hiện cũng chưa được "miễn" giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Lý do là ngoài cán bộ hộ tịch, những đơn vị khác chưa thể truy cập các cơ sở dữ liệu hộ tịch và dân cư để xác nhận tình trạng hôn nhân khi giải quyết các thủ tục liên quan. Do vậy vẫn cần giấy chứng nhận độc thân mới có cơ sở giải quyết giao dịch.
Tiến tới không cần xác nhận độc thân
Từ tháng 2-2024 đến nay, các UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM khi tiếp nhận trực tuyến yêu cầu đăng ký kết hôn (áp dụng đối với người cư trú tại TP.HCM với nhau), cán bộ công chức sẽ gửi yêu cầu xác minh tình trạng hôn nhân đến nơi của người đăng ký có hộ khẩu thường trú để xác nhận tình trạng hôn nhân mà không yêu cầu người dân cung cấp xác nhận.
Chẳng hạn, anh A. (thường trú ở phường 9, quận Phú Nhuận) đăng ký kết hôn với chị B. (thường trú phường Tân Định, quận 1) có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến tại một trong hai phường. Người đăng ký sử dụng tài khoản đăng ký dịch vụ đăng ký kết hôn - xác nhận tình trạng hôn nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch công TP.
Tiếp theo khai nhập các thông tin, sao chụp đính kèm giấy tờ liên quan, hoàn thành nộp hồ sơ và nhận lại mã hồ sơ để tra cứu tiến độ giải quyết.
Nếu đăng ký ở phường 9, thông tin sẽ được chuyển xuống phường 9 để giải quyết. Sau khi kiểm tra thông tin của anh A., phường 9 sẽ yêu cầu phường Tân Định kiểm tra tình trạng độc thân của chị B. Sau khi phường Tân Định trả lời về tình trạng hôn nhân của chị B. phù hợp điều kiện đăng ký kết hôn thì phường 9 cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai người.
Bước cuối cùng UBND phường 9 sẽ scan giấy chứng nhận kết hôn báo về cho Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công TP.
"Đây là thủ tục đầu tiên thử nghiệm để tiến tới không yêu cầu cung cấp xác nhận tình trạng hôn nhân trong các thủ tục, lĩnh vực khác", một cán bộ Sở Tư pháp TP.HCM cho biết.
Bãi bỏ ba nhóm thủ tục về hộ tịch
Từ đề nghị của giám đốc Sở Tư pháp (ngày 8-4-2024), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký quyết định bãi bỏ 3 nhóm thủ tục liên thông trong lĩnh vực hộ tịch, đăng ký thường trú và bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền tiếp nhận của UBND phường, xã, thị trấn.
Đó là các thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thủ tục liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú.ÁI NHÂN
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM, từ ngày 1-1-2024 đến 11-7-2024 trên địa bàn TP.HCM có 746 hồ sơ kết hợp đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến được tiếp nhận, xử lý. Trong đó tại UBND cấp xã có 693 hồ sơ, tại UBND cấp huyện có 53 hồ sơ.
Ghi nhận tại UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) trong hai tháng (đầu tháng 5 đến đầu tháng 7-2024), phường này đã cấp 174 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (trực tuyến 100%), thực hiện trực tuyến cấp 30 giấy đăng ký đăng ký kết hôn kèm với xác nhận tình trạng hôn nhân. "Đối với lĩnh vực hộ tịch, thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phường đã triển khai trực tuyến gần như 100% hồ sơ" - ông Nguyễn Phước Bình, chủ tịch UBND phường, cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Mạnh Thắng, trưởng Phòng công chứng số 2, hiện các giao dịch và thủ tục như mua bán xe, mua bán nhà đất… phòng công chứng vẫn yêu cầu cung cấp xác nhận tình trạng hôn nhân.
"Người thực hiện công chứng mua bán tài sản có giá trị lớn, để giải quyết đúng quy định thì phải yêu cầu người dân cung cấp xác nhận tình trạng hôn nhân. Bởi người yêu cầu có nơi thường trú và tạm trú khác nhau, di chuyển nhiều nơi cư trú, chưa kể thông tin tình trạng hôn nhân chưa được chuẩn xác hoàn toàn và đơn vị công chứng không có cơ sở, thẩm quyền để xác định việc này…", ông Thắng nói.
Nên để người dân tự cam kết và chịu trách nhiệm
Đề xuất bỏ giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân trong đăng ký kết hôn được người dân đồng tình ủng hộ. Nên tiếp tục rà soát, bãi bỏ nhiều loại giấy tờ khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân.
Ví dụ khi làm thủ tục nhà đất, nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, một số cơ quan đăng ký đất đai yêu cầu người dân phải nộp rất nhiều giấy tờ như trích lục đất đai, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất.
Những giấy tờ này cơ quan quản lý, đăng ký về đất đai có thể tự tra cứu, tự xác minh nếu cần trong cùng hệ thống quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương.
Nên xem xét bỏ quy định nộp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân trong các giao dịch dân sự như mua bán nhà ở, quyền sử dụng đất, các loại tài sản cần chứng minh quyền sở hữu như ô tô, xe máy... Nếu cần tra cứu, xác minh thì cơ quan thụ lý giải quyết hồ sơ tự tra cứu, xác minh. Nếu việc tra cứu, xác minh không có kết quả thì yêu cầu đương sự tự cam kết, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều này thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đó là mở quyền của người dân. Theo đó, người dân tự cam kết, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi tham gia vào các giao dịch dân sự, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Các cơ quan liên quan cũng cần hoàn thiện, đồng bộ và kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung để cơ quan, tổ chức có thể xác minh tra cứu thuận tiện, kịp thời, chính xác.
Ví dụ nếu bỏ giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cần có sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu của ngành tòa án, cơ sở dữ liệu của ngành thi hành án hình sự, cơ sở dữ liệu của ngành thi hành án dân sự...
Khi đó người có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính có thể dễ dàng tra cứu, xác minh để có kết quả làm cơ sở cho việc giải quyết được nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận