Bảo hiểm đang gấp rút chi trả quyền lợi cho khách hàng không may thiệt hại, tử vong do bão số 3 (Yagi), lũ lụt, sạt lở gây ra.
Bảo hiểm che chở lúc tang thương
Gắn bó với nghề đại lý bảo hiểm nhân thọ 10 năm nay, ông Phạm Văn Tuyên (51 tuổi, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) từng hỗ trợ chi trả bồi thường cho nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, đột quỵ…
Nhưng ông không thể tưởng tượng nổi, ngay tháng này cơn bão số 3 (Yagi) ập đến, khiến cả ba khách hàng qua đời một lúc, tất cả là nam giới, trụ cột gia đình.
Ngậm ngùi, ông cho biết lâu rồi không có bão to, bà con ở quê quá bất ngờ. May bão đổ vào ban ngày. Nhưng cũng chính vì ban ngày, thấy trời vẫn sáng nên không nghĩ sẽ thiệt hại nặng như vậy. Trước khi bão tới, ông nhắn tin cho khách hàng chú ý đây là siêu bão, cẩn thận. Khi bão to, mất sóng điện thoại, mọi người đi tìm nhau xem có ai xảy ra vấn đề gì không.
"Trại gà trong làng bị tốc mái, ba người đàn ông tới hỗ trợ cùng. Nhưng sức người không lại sức bão, tường xi măng đổ xuống. Ba người mất cùng một lúc, trong đó có hai người là họ hàng với nhau. Tang thương, quá tang thương", ông không khỏi xót xa.
Trong lúc gia đình của các nạn nhân lo hậu sự, người đại lý này đã nhanh chóng báo về công ty bảo hiểm để xúc tiến bồi thường. Sau khi viếng đám tang, cơ quan chức năng xác nhận giấy báo tử, doanh nghiệp lập tức chi tổng số tiền hơn 5,3 tỉ đồng.
"Sự việc mới xảy ra, cú sốc nặng. Biết là một tỉ hay nhiều tỉ cũng không lấy lại mạng sống. Nhưng số tiền này bù đắp được phần nào cho những người còn ở lại. Vợ con của các anh còn phải sống", ông Tuyên chia sẻ.
Ngoài ba nạn nhân trên, AIA Việt Nam vừa bồi thường xong cho người thân của hai khách hàng khác tử vong do bão Yagi ở Hải Dương và Quảng Ninh. Tổng quyền lợi của 5 người là 6,5 tỉ đồng.
Trong lúc đó, Bảo hiểm BSH tiếp nhận 6 trường hợp mất tích và một nạn nhân tử vong do bão Yagi. Dai-ichi bước đầu xác định có 6 nạn nhân mất trong vụ sạt lở ở Yên Bái, ước tính chi trả 2,7 tỉ đồng...
"Bảo hiểm nhân thọ có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, che chở cho người dân lúc khó khăn. Khi được bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng, người dân mới tin", bà Hồ Thị Ngọc Như - trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - nhận định.
Tạm ứng nhanh, bồi thường sớm
Mới đây Cục Cảnh sát giao thông cho biết tại km 180+680 quốc lộ 34 (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã xảy ra vụ sạt lở ta luy dương - phần dốc từ mặt đường lên đỉnh núi khiến một xe khách, hai ô tô và nhiều xe máy bị rơi, vùi lấp, cuốn trôi xuống suối.
Ngay khi xác định chủ xe khách trên đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới, Bảo hiểm BIC lập tức thu thập dữ liệu. Đồng thời tạm ứng bồi thường với mức cao nhất cho hành khách trên xe khách, phối hợp chặt chẽ với chủ xe để trao cho gia đình nạn nhân.
Đội cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích. Doanh nghiệp làm việc với chủ xe và cơ quan chức năng, xác định chính xác số nạn nhân để chi tạm ứng cũng như bồi thường kịp thời.
Trường hợp nạn nhân không phải hành khách đã được bảo hiểm kể trên, BIC sẽ phối hợp với các bên để Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hỗ trợ kịp thời từ Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Chỉ trong vòng vài ngày sau khi cơn bão Yagi đổ bộ, hàng loạt công ty bảo hiểm lớn như PVI, Bảo Việt, MIC, PJICO... liên tục tiếp nhận thông báo tổn thất về người, tài sản như xe ô tô, nhà tư nhân, công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng, hàng hóa...
Dự tính mức bồi thường sẽ tăng tiếp, sau khi khách hàng/người nhà ổn định hơn và thực hiện khai báo.
Tạo sự an tâm cho khách hàng
Ông Nguyễn Xuân Việt - chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - thay mặt hiệp hội gửi lời chia sẻ sâu sắc nhất tới người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu tổn thất, khó khăn do cơn bão số 3 gây ra.
Ước tính các doanh nghiệp đã ghi nhận hơn 9.000 vụ tổn thất liên quan đến bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm nhân thọ. Tổng thiệt hại khoảng 7.000 tỉ đồng.
Ông Việt nhấn mạnh, việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm "không chỉ giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, mà còn thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của ngành bảo hiểm đối với cộng đồng".
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận