14/08/2016 09:01 GMT+7

Tiền thuế của dân và tòa nhà hành chính

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Việc Đà Nẵng đề nghị dời trung tâm hành chính khiến nhiều người quan tâm khi chi phí xây dựng tòa nhà “biểu tượng” này hơn 2.000 tỉ nhưng lại bộc lộ những bất cập chỉ mới sau 2 năm sử dụng.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng mới hoạt động gần 3 năm nay đã phải bàn tới chuyện di dời - Ảnh: V.HÙNG
Trung tâm hành chính Đà Nẵng mới hoạt động gần 3 năm nay đã phải bàn tới chuyện di dời - Ảnh: V.HÙNG

Lúc 11g ngày 11-8, tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng, khi đại biểu Trần Văn Trường vừa chất vấn lãnh đạo UBND thành phố về vấn đề di dời Đà Nẵng thì chỉ vài phút sau đó, nhiều tờ báo đã kịp đưa thông tin này lên trang online và trở thành vấn đề “nóng” nhất trong mấy ngày qua.

Thậm chí bây giờ vào Google gõ từ khóa “hành chính” thì dữ liệu cung cấp đầu tiên lại là “trung tâm hành chính Đà Nẵng” (!).

Chỉ mới là chuyện “có thể di dời” nhưng nó trở nên “nóng bỏng” không chỉ riêng ở Đà Nẵng, bởi câu chuyện “trung tâm hành chính tập trung” tiêu tốn ngàn tỉ kiểu này đã, đang và sẽ được triển khai xây dựng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước!

Làm việc trong một tòa nhà đầu não của thành phố nhưng theo như chất vấn của đại biểu Trường, những người làm việc ở trong tòa nhà phải chịu đựng sự thiếu dưỡng khí, sự nóng nảy ngột ngạt do bề mặt bao bọc bởi hơn hai vạn mét vuông kính của tòa nhà nên sự hấp thu nhiệt lớn.

Tuy nhiên, người dân quan tâm nhiều bởi chi phí xây dựng tòa nhà “biểu tượng” này lên đến hơn 2.000 tỉ đồng nhưng vì sao bộc lộ những bất cập chỉ mới sau 2 năm sử dụng?

Lớn hơn là chuyện những đồng tiền thuế dân đóng góp cho Nhà nước được sử dụng ra sao? Vì sao tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ hàng ngàn tỉ đồng mà không mang lại hiệu quả như mong muốn?

Không ai phủ nhận những hiệu quả của trung tâm hành chính Đà Nẵng như ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, trả lời trước HĐND, rằng từ khi trung tâm này được đưa vào sử dụng đã thúc đẩy cải cách hành chính nhanh hơn, tạo nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao trong nhiều năm, thể hiện được năng lực quản lý, lãnh đạo và điều hành của thành phố và các cơ quan hành chính.

Nhưng tất cả những ưu điểm mà ông Dũng nêu ra đó không thể giúp cho việc an cư lạc nghiệp tại đây nếu 1.200 cán bộ công chức trong tòa nhà cứ phải sống trong tình trạng thiếu oxy, chịu đựng sự nóng bức mỗi ngày.

Một khi tình trạng này không được cải thiện, sức khỏe cả ngàn con người trong bộ máy hành chính thành phố bị ảnh hưởng thì chắc chắn khó mà giữ được sự hiệu quả hoạt động của trung tâm này với những ưu điểm như vị phó chủ tịch trả lời trước HĐND.

Trên báo Tuổi Trẻ hôm qua đã nói chuyện di dời này là “bài toán của tương lai”, có thể điều chỉnh những bất cập để tiếp tục làm việc tại đây và cũng có thể sẽ xây một trung tâm hành chính mới.

Cho dù thế nào thì nó vẫn liên quan tới những tòa nhà tương tự đang mọc lên tại nhiều tỉnh thành và chắc chắn bài học này sẽ là câu chuyện không chỉ riêng Đà Nẵng. Nó là câu chuyện chung của quốc gia về sử dụng tiền thuế của dân.

Hôm 26-7, trong phát biểu nhậm chức, tân Thủ tướng đã nói rằng: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”.

Trong bối cảnh ngân sách và kinh tế nước nhà như hiện nay, sử dụng những đồng tiền thuế của dân cần phải được tính toán chi li, khoa học, hiệu quả.

Chứ bỏ ngàn tỉ đồng ra xây rồi xài vài năm, buông một tiếng gọn lỏn là không phù hợp thì cho dù có chuyển công năng đi nữa cũng khó tránh khỏi việc tạo cho người dân cảm giác tiền thuế của mình không được sử dụng cẩn trọng.

Có lẽ trước mỗi cơ sở như thế này nên kẻ đậm một dòng chữ: “Công trình này được xây bằng tiền thuế của nhân dân” để nhớ mà cẩn trọng.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên