TS Trần Ngọc Đăng trong ngày lễ tốt nghiệp tại Nhật - Ảnh: N.Đ.
Tham vọng của chúng tôi là muốn phát triển một loại khẩu trang Việt Nam có thể bảo vệ hiệu quả người dân khỏi những tác động của ô nhiễm không khí.
TRẦN NGỌC ĐĂNG
Chia sẻ về học bổng Nhật, TRẦN NGỌC ĐĂNG kể:
- Tôi đi học ở Nhật theo học bổng Chính phủ Nhật (MEXT). Năm 2010, khi tôi đang là sinh viên ĐH năm cuối ở Việt Nam thì ĐH Tsukuba (Nhật Bản) tuyển ứng viên khóa học mùa hè dành cho sinh viên sau ĐH.
Tôi thấy khóa học về di truyền đó rất hay, nên rất ao ước được đi học, chỉ có điều chỉ dành cho sinh viên sau ĐH. Nhưng vì quá thích, tôi đánh liều nộp đơn ứng tuyển (kèm theo những minh chứng năng lực bản thân và một lá thư giới thiệu của thầy trưởng khoa).
Và như một giấc mơ, năm đó tôi là sinh viên ĐH duy nhất trong đoàn đại biểu quốc tế tham dự khóa học. Và chính nhờ khóa học này, tôi có mối quan hệ tốt với hai giáo sư Nhật ở ĐH Tsukuba, những người sau đó đã viết thư tiến cử tôi đến Đại sứ quán Nhật để nhận học bổng MEXT.
Có chiến lược và sự linh động
* Nghĩa là chúng ta không nên bỏ lỡ những cơ hội biết được nếu thật sự tin tưởng vào đam mê, năng lực của bản thân?
- Tôi nghĩ điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta cũng cần phải có "chiến lược" và chuẩn bị tốt vượt mức mong đợi. Chẳng hạn khóa học mùa hè trên không yêu cầu nộp thư giới thiệu, nhưng tôi vẫn cố gắng truyền tải nỗi khát khao được học để thầy trưởng khoa đồng ý tiến cử mình.
Cơ hội sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không có "chiến lược" hay không linh động, vì người giỏi và tràn đầy đam mê ngoài kia rất nhiều.
* Trong các bài báo công bố quốc tế, bài nào khiến bạn "khó quên" nhất?
- Đối với tôi, mỗi bài báo khoa học như một đứa con tinh thần. Có những đứa chỉ vài tháng đã "chào đời", nhưng có những đứa phải thai nghén ròng rã cả năm trời.
Đứa con tinh thần "khó quên" nhất có lẽ là đứa đầu tiên. Tôi còn nhớ bài báo quốc tế đầu tiên của mình là về một gen mới giải thích cơ chế phân tử tại sao một người mắc sốt xuất huyết lại chuyển thành thể nặng.
Lúc mới viết bản thảo, tôi nghĩ mình học và làm "cũng được" nên chắc mọi việc không quá khó, nào ngờ khi gửi cho thầy sửa bài thì thầy sửa "đỏ rực" cả bản thảo. Tôi thật sự bị sốc.
Sau đó, vị giáo sư Nhật đó tiếp tục sửa 7-8 lần, sửa đến từng dấu chấm, phẩy và còn cẩn thận chuyển cho một công ty tiếng Anh để "chỉnh" thêm một lần nữa trước khi cho tôi nộp bản thảo. Sau hai vòng phản biện với tạp chí y khoa, cuối cùng bản thảo được chấp nhận.
Có lẽ do "trầy da tróc vẩy", tôi thấy đặc biệt hạnh phúc ngày bài được đăng. Và tôi học được một điều từ người thầy trên là sự kỹ tính gần như tuyệt đối trong y khoa.
Sản phẩm phục vụ người Việt
* Còn bài được đăng trên tạp chí uy tín nhất?
- Đa số các bài báo quốc tế của tôi đều được đăng trên các tạp chí uy tín trong ngành, chẳng hạn American Journal of Public Health, Environmental Health Perspective, Scientific Reports... Trong đó bài báo được đăng trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao nhất (impact factor) là PLoS Medicine với IF= 11.675. Bài báo có số trích dẫn nhiều nhất hiện nay được đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health công bố năm 2017 với hơn 70 lần trích dẫn.
Có một "tip" (hướng dẫn) nho nhỏ cho các bạn muốn công bố bài báo quốc tế là trước tiên hãy nộp bản thảo cho những tạp chí uy tín nhất.
"Điểm trừ" là khả năng bị từ chối cao, nhưng "điểm cộng" là chúng ta sẽ nhận về những phản biện rất chất lượng, từ đó chúng ta có thể cải thiện bản thảo cho những lần sau.
Dĩ nhiên, chúng ta chỉ nên nộp một tờ mỗi lần theo đúng quy định (các tạp chí khoa học thường sẽ có mốc thời gian phản hồi về việc nhận hay không nhận đăng kèm phản biện chi tiết, sau khi họ xác nhận từ chối thì chúng ta mới được nộp tờ khác).
* Được biết bạn đang nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sinh thống kê, cụ thể hơn là một dự án liên quan đến khẩu trang?
- Hiện nay ô nhiễm không khí là yếu tố thuộc về môi trường gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp khí thải từ động cơ diesel và ô nhiễm không khí ngoài trời là tác nhân gây ung thư nhóm 1 (tức những chất có bằng chứng rõ ràng gây nên ung thư).
Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 60.000 ca tử vong liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi..., trong đó đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em.
Và nguồn phát thải chính cho việc ô nhiễm này là do giao thông, nhất là các đô thị lớn ở nước ta (Hà Nội, TP.HCM) ngày càng tăng.
Nhóm nghiên cứu Việt Nam đứng đầu là PGS.TS.BS Phạm Lê An (trưởng Trung tâm bác sĩ gia đình ĐH Y dược TP.HCM) và chúng tôi đã phối hợp với một nhóm nghiên cứu ở Úc xin thành công một dự án nghiên cứu, nhằm giảm thiểu phơi nhiễm ô nhiễm không khí do giao thông ở trẻ em. Dự án này được Quỹ NHMRC (Úc) và Quỹ NAFOSTED (Việt Nam) tài trợ, với tổng mức đầu tư là hơn 10 tỉ đồng.
Trong dự án này, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm hiệu quả bảo vệ của ba loại khẩu trang: khẩu trang vải, khẩu trang y tế và khẩu trang N99. Nhưng liệu những khẩu trang đó có đủ bảo vệ họ khỏi những hạt bụi mịn không? Ở mức nào? Chúng ta hiện chưa có những bằng chứng khoa học để trả lời xác đáng các câu hỏi đó.
Đó là lý do chúng tôi tiến hành nghiên cứu này.
Luôn "cháy" hết mình
Trần Ngọc Đăng tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM chuyên ngành y tế công cộng, sau đó đoạt học bổng toàn phần Chính phủ Nhật (MEXT) và hoàn thành bằng thạc sĩ lẫn tiến sĩ tại xứ sở mặt trời mọc.
Đảng viên 8X này từng là học sinh giỏi quốc gia thời trung học, đoạt nhiều bằng khen của Bộ Y tế do đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi Khoa học tuổi trẻ các trường ĐH-CĐ y dược Việt Nam, giải nhất hai năm 2016 và 2017 tại Hội nghị khoa học trẻ ĐH Y dược TP.HCM...
Hiện Ngọc Đăng vừa là giảng viên, cán bộ đoàn thể, làm nghiên cứu, bên cạnh vị trí phó phòng Trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo tại ĐH Y dược TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận