Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm và lọ chứa mô sẹo phát triển từ củ sâm Ngọc Linh trong phòng thí nghiệm - Ảnh: TẤN LỰC
Sự quý hiếm và khó nhân giống ươm trồng khiến cây sâm Ngọc Linh dần xa vời tầm tay đại bộ phận dân chúng.
Trước thực trạng ấy, tiến sĩ Hồ Thanh Tâm (33 tuổi), trưởng bộ môn công nghệ y sinh, Trường ĐH Duy Tân, thực hiện đề tài nghiên cứu đầy tham vọng với mục tiêu nhân giống hàng loạt cây sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô và nuôi sinh khối rễ để chiết xuất các hoạt chất sâm quý ở quy mô công nghiệp.
Tôi mong muốn lan tỏa thương hiệu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam ra với thế giới.
Tiến sĩ HỒ THANH TÂM
Nhân giống sâm quý
Trong căn phòng thí nghiệm chừng 30m2 tại cơ sở Hoàng Minh Thảo, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, Hồ Thanh Tâm quần quật suốt ngày với các chai lọ thí nghiệm nhân giống thực vật - Ảnh: TẤN LỰC
Chiếc máy lạnh trên tường chạy suốt ngày đêm, giữ cho nhiệt độ trong phòng không quá 250C và độ ẩm được kiểm soát ở mức 40%. Hàng loạt bình thí nghiệm xếp trên giá sắt đang nảy lên mầm sống đủ loại thảo dược, hoa lá quý.
Lấy mấy lọ thủy tinh chứa vài mẩu sẹo trắng lên sát ánh đèn quan sát, tiến sĩ Tâm bảo mẫu thử đang phát triển tốt. Sau 3 tháng, những mẩu cắt nhỏ từ củ sâm Ngọc Linh đã phát triển thành mô sẹo bằng đầu ngón tay và cảm ứng tốt với dinh dưỡng trong môi trường nuôi cấy.
Nhưng đó chỉ mới là bước đi đầu tiên trong hành trình tạo ra cây sâm non từ phòng thí nghiệm. Khi mô sẹo đã phát triển đủ lớn, Tâm chuyển sang môi trường dinh dưỡng khác và nuôi trong tối để kích thích mô sẹo phát triển rễ.
Từ chiếc tủ đóng kín, anh lấy ra mấy hộp nhựa chứa mô sẹo màu trắng đã mọc rễ tua tủa. Từ đây, những mẫu thử sẽ tiếp tục được thay đổi môi trường, kích thích mọc chồi để phát triển thành cây sâm hoàn chỉnh.
Cây sâm Ngọc Linh được nuôi cấy từ mô sẹo trong phòng thí nghiệm - Ảnh: THANH TÂM
"Nói đơn giản vậy nhưng để mẩu mô sẹo trở thành cây sâm non có đủ thân lá, củ, rễ có thể tiêu tốn thời gian cả một năm trời. Trong quá trình đó, tỉ lệ hao hụt, hư hỏng mẫu thử là không ít, nếu mình không kiểm soát tốt nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hay điều kiện môi trường biến đổi là mẫu thử sẽ bị bệnh chết ngay" - Tâm nói.
Từ khi được nhiều người biết đến, giá trị cây sâm Ngọc Linh một bước lên mây mà người có tiền cũng khó mua được. Cây sâm ngoài tự nhiên bị săn lùng ráo riết ngày càng trở nên hiếm có khó tìm, những vườn sâm trồng dần mọc lên dưới chân núi Ngọc Linh bổ sung nguồn cung cho thị trường, nhưng vẫn chưa thấm tháp gì so với nhu cầu quá lớn.
Giống cây này cũng là loài đỏng đảnh, chỉ ưa sống trên những ngọn núi quanh năm mây phủ giá lạnh ở độ cao trên 1.600m. Môi trường sống khó khăn cùng với việc nhân giống bằng hạt không tạo ra sản lượng lớn khiến quy mô ươm trồng khó mở rộng, giá bán loài dược liệu này vì vậy giữ ở mức rất cao.
Tâm bảo một khi mô hình nhân giống trong điều kiện phòng thí nghiệm thành công và đưa vào áp dụng ở quy mô công nghiệp, nguồn cung cây giống sâm sẽ không thiếu, giúp mở rộng không gian nuôi trồng, tạo nguồn cung lớn cho thị trường và kéo giá sâm xuống gần với khả năng tiếp cận của đại bộ phận người dân.
Việc sử dụng cây giống từ phòng thí nghiệm còn cho khả năng thích ứng tốt hơn so với việc di thực cây sâm tự nhiên xuống các vùng trồng có độ cao thấp và điều kiện khí hậu nóng.
Sâm Ngọc Linh cho mọi người
Những mô sẹo từ củ sâm được tiến sĩ Tâm nuôi cấy đã dần phát triển ra thành các rễ trong dung dịch dinh dưỡng - Ảnh: TẤN LỰC
Với công nghệ hiện nay, việc nhân giống cây sâm hoàn toàn nằm trong tầm tay các chuyên gia Việt Nam. Thực tế đã có một số phòng thí nghiệm, doanh nghiệp dược liệu đã triển khai và thành công bước đầu với mô hình này.
Với kinh nghiệm 6 năm học tập và tu nghiệp tại nhà sản xuất sâm hàng đầu thế giới là Hàn Quốc, tiến sĩ Tâm nuôi dưỡng tham vọng lớn hơn về loài dược liệu quý này. Anh bảo ai cũng biết nhân sâm Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng toàn thế giới và ngành công nghiệp này ngày càng ăn nên làm ra, thu về hàng triệu USD cho nước này mỗi năm.
Nhưng có điều ít người biết là bên cạnh các vườn trồng ở quy mô lớn cung cấp củ sâm chất lượng cao, Hàn Quốc còn có các nhà máy nuôi sinh khối từ rễ cây sâm để cung cấp nguồn hoạt chất khổng lồ cho ngành công nghiệp chế biến dược phẩm, thực phẩm, sản phẩm làm đẹp.
Những ngày tu nghiệp tại Hàn Quốc, tiến sĩ Tâm bảo nhân sâm xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm, từ những sản phẩm đắt tiền như sâm tươi, sâm khô nguyên củ, tinh chất hồng sâm tới các loại bánh kẹo, trà mứt, mặt nạ dưỡng da, thực phẩm chức năng.
Để bình dân hóa sản phẩm từ nhân sâm, người Hàn đã phát triển công nghệ nuôi sinh khối rễ ở quy mô công nghiệp để chiết xuất hoạt chất nhân sâm làm đầu vào cho công nghiệp chế biến. Đó cũng chính là công nghệ anh được tiếp cận trong những ngày tu nghiệp tiến sĩ tại nước này và ấp ủ kế hoạch áp dụng để sản xuất hàng loạt hoạt chất từ sâm Ngọc Linh.
"Dù hàm lượng hoạt chất chiết xuất từ nuôi sinh khối rễ so với sâm trồng tự nhiên là thấp hơn nhưng trong môi trường nuôi cấy công nghiệp chúng ta có thể tạo ra sản lượng lớn với thời gian được rút ngắn đáng kể. Đây sẽ là đầu vào quan trọng nếu muốn phát triển mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm tiêu dùng có hoạt chất sâm Ngọc Linh, phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.
Nguồn dược chất này có thể được sử dụng vào ngành mỹ phẩm, làm đẹp, thực phẩm chức năng hoặc bánh kẹo ở mọi phân khúc giá mà nguồn cung từ cây sâm trồng tự nhiên không đáp ứng được" - Tâm chia sẻ.
Vượt khó nuôi đề tài
Dù được nhà trường tạo điều kiện ban đầu về trang thiết bị, sinh phẩm cho hoạt động nghiên cứu nhưng tiến sĩ Tâm đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để theo đuổi đề tài. Cây sâm Ngọc Linh vốn đắt đỏ, để có được giống sâm chất lượng cao, nguồn gene chuẩn, anh mày mò đi xin từ các doanh nghiệp dược liệu lớn tại tỉnh Quảng Nam về làm mẫu nghiên cứu.
Giống cây này là loài phát triển chậm, theo đuổi dự án mất thời gian khá dài. Để có kinh phí trang trải hoạt động nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm, anh đang làm hồ sơ xin tài trợ dự án từ nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận