TS Trinh (phải) kiểm tra các loài động vật biển tại một vựa hải sản ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Tấn Vũ |
Hơn 10 năm nghiên cứu, ông kể rằng loài cua đá cũng biết “tâm tình” với nhau như con người.
Nhà khoa học kỳ lạ
Đôi dép quai hậu mòn nhẵn, lê chân trên những con đường ngoằn ngoèo của Cù Lao Chàm đã 11 năm, ở tuổi 53 tiến sĩ Chu Mạnh Trinh bảo rằng ông sẽ còn lê la ở đây đến khi mình không còn sức bước đi được nữa.
Người dân trên đảo thấy ông đều gật đầu: “Chào tiến sĩ!”. Ông cười tươi và thăm hỏi từng nhà, từng người, đến từng gia đình uống nước để bàn bạc cùng họ công việc của một ngày.
Sau khi tốt nghiệp tại Mỹ, học xong ở Hà Lan, ông về lại Quảng Nam làm trong ngành lâm nghiệp. Năm 2003, ông ra Cù Lao Chàm để nghiên cứu đa dạng sinh học. Cũng từ ngày đó hòn đảo xanh giữa biển này níu giữ luôn cuộc đời ông.
Nếu không có “tiến sĩ cua” ở đảo này thì 10 năm qua loài cua đá chỉ còn trong ký ức |
Ông NGUYỄN VĂN NGÀ |
“Hồi tôi mới ra sản vật ở đây nhiều lắm. Cá, tôm, cua, mực đầy thuyền. Cua đá từng đàn, bò lên mái tôn đêm đêm cào sột soạt. Chúng chạy quanh khắp các con khe, mỏm đá. Chẳng ai biết một ngày chúng trở thành đặc sản cao cấp” - TS Trinh kể lại.
Cù Lao Chàm những ngày hoang sơ ấy là những bãi biển đầy túi nilông, xác động vật với mùi hải sản khô khắp nẻo đường. Công việc của TS Trinh là thay đổi ý thức người dân để Cù Lao Chàm xanh hơn và đẹp ra trong mắt du khách.
Không những thế, những loài vật rừng biển ở đây phải được bảo tồn. Chính ông cũng không nghĩ rằng thành quả chắt chiu của mình một ngày nào đó đã đưa hòn đảo này thành khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.
Cù Lao Chàm có gần 3.000 dân. Điều không ngạc nhiên là ai cũng biết mặt ông Trinh. “Họ biết tôi hết. Mỗi năm tôi dạy cho người dân 5-7 khóa, học tập trung. Dạy cho họ lợi ích của việc bảo tồn và có thu nhập từ du lịch. Dạy cho người dân cách phân loại rác thải, cách khai thác hải sản sao cho không cạn kiệt, cách làm du lịch cộng đồng và giữ môi trường” - TS Trinh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết cùng chồng vốn là ngư dân vừa cất căn nhà mới và chuyển sang kinh doanh dịch vụ homestay, kể rằng nhờ ông Trinh mà bà và người dân đảo đã biết phân loại rác hữu cơ và vô cơ.
“Anh thấy đấy, cái đảo này thay đổi nhiều lắm. Không bao giờ người dân sử dụng bao nilông. Tôi không tự hào nhưng người trong thành phố chưa chắc sạch sẽ hơn cộng đồng dân cư ở đảo này bây giờ” - bà Tuyết khoe.
TS Trinh cho rằng ông và ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm rất may mắn. Cái may ở đây là được sự đồng thuận của chính quyền - người dân - doanh nghiệp và nhà khoa học. Người dân ở Cù Lao Chàm chuyển biến và ủng hộ chính quyền rất nhanh. Cả những doanh nghiệp cũng vậy, vì lợi ích được san sẻ đều” - TS Trinh nói.
Bị cua đá mê hoặc
TS Trinh kể rằng những ngày đầu ra đảo, nhìn cảnh người dân đánh bắt cua đá một cách tận thu, cua to, nhỏ, thậm chí những con cua đang mang bụng bầu cũng bị bắt. Giá bán khi đó chừng 200.000 đồng/kg. Loài cua đá thịt chắc cứng, ăn vào miệng vị thơm nồng mùi lá rừng này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. “Tôi họp dân và hướng dẫn họ cùng cam kết đánh bắt ít lại. Họ phản ứng” - TS Trinh kể.
Sau nhiều đêm trăn trở, TS Trinh quyết định lập một đề án bảo vệ loài cua và nâng chuỗi giá trị sản phẩm này cho người dân. Chính quyền Hội An ủng hộ hết mình bằng một chỉ thị hẳn hoi. Những con cua có kích thước 7cm trở lên mới được bắt.
Các con cua được khai thác bán ra thị trường đều phải dán tem của nhà quản lý. Việc khai thác bị giới hạn chừng 10.000 con/năm. Mỗi năm khai thác theo một mùa nhất định và khai thác theo từng khu để tránh cạn kiệt. Và giá sàn quy định mỗi ký cua đá Cù Lao Chàm là 500.000 đồng.
Để thuyết phục người dân, ông Trinh lập ra một tổ đánh bắt cua đá ở đảo gồm 30 hộ gia đình. “Cua 7cm có tuổi khoảng 14 năm. Con cua chắc thịt, thơm ngon hơn, nên giá cao là đúng. Hơn nữa độ tuổi đó con cua đã biết “yêu” và để lại nòi giống rồi nên bắt chúng không sợ tuyệt chủng” - TS Trinh phân tích.
Từ giá bán 500.000 đồng được người dân nâng lên 700.000 đồng/kg, và giá nhà hàng bán ra 1,2 triệu đồng/kg. Người bắt cua, người mua, người bán đều có thu nhập và việc bắt cua đã dần đi vào ý thức người dân.
TS Trinh kể nhiều năm nghiên cứu cua đá Cù Lao Chàm, phát hiện thú vị của ông là chúng rất thông minh. “Nhiều đêm trăng sáng những người bắt cua có thể thấy từng cặp đôi cua đực - cái bò lên mỏm đá ngóng ánh trăng. Nhiều hộ nuôi cua phát hiện chúng bắc cầu, địu nhau, con này leo lên lưng con khác để cùng nhau trốn thoát khỏi bể nhốt mới kinh ngạc” - TS Trinh kể.
Phát hiện thú vị của ông là những chú cua đá đực có hai càng chênh lệch nhau rất rõ. Cua đực luôn dùng càng nhỏ để gắp thức ăn, và cái càng to lớn chắc khỏe còn lại dùng để chiến đấu và giữ bạn tình.
Ông Nguyễn Văn Ngà - thôn Bãi Ông, Cù Lao Chàm, là một trong 30 người trong nhóm săn cua đá - tâm sự rằng nếu không có “tiến sĩ cua” ở đảo này thì 10 năm qua loài cua đá chỉ còn trong ký ức.
“Bây giờ con cua là thu nhập trái mùa của người dân” - ông Ngà nói trong phấn chấn. Cũng theo ông Ngà, năm qua người dân khai thác tổng cộng gần 7.000 con, số lượng chỉ bằng 1/4 số lượng cua dự trữ cho phép và điều vui nhất là thấy chúng tái sinh từng đàn. Những con cua nhỏ bây giờ đã biết bò lên mái tôn cào sột soạt từng đêm nhưng người dân vẫn không bắt khi chúng chưa đủ kích thước quy định.
Cua dán nhãn sinh thái Cua đá Cù Lao Chàm - có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii - là động vật biển nhưng sống trên rừng, chỉ xuống biển vào thời gian sinh sản để duy trì nòi giống. Cua đá lớn lên mỗi năm một lần khi chúng lột vỏ. Cua lớn trung bình 8cm, tuổi đời 16 năm. Cua đá di cư mỗi năm một lần theo mùa trăng để sinh sản và chỉ hoạt động vào ban đêm khi độ ẩm cao và nhiệt độ thấp. Cua non trải qua 3-4 chu kỳ ấu trùng tại biển trước khi rời môi trường nước lên rừng. Cua cái mang đến 250.000 trứng. Ông Trần Tấn Dũng - bí thư xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm - cho biết trong hai năm 2013 và 2014, tổ cộng đồng đã khai thác và dán nhãn sinh thái tổng cộng 9.486 con cua đá, trong đó có 6.390 con đực và 3.096 con cái. Riêng năm 2014, tổng số cua đá được dán nhãn sinh thái là 2.510 con, trong đó có 1.791 con đực và 719 con cái. Kích thước trung bình chiều ngang mai cua được khai thác là 7,9 cm (quy định tối thiểu là 7cm). Toàn bộ cua đá khai thác đúng quy định được dán nhãn sinh thái trước khi bán cho khách hàng. Mỗi ký cua đá được dán nhãn sinh thái phải nộp lệ phí 40.000 đồng. Số tiền thu được này sẽ được tổ cộng đồng sử dụng vào chi phí in nhãn sinh thái, quản lý của tổ, thuế tài nguyên và các hoạt động khác của tổ cộng đồng này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận