Nhắc về tuổi thơ của mình, Tiến sĩ Lê Xuân Khoa nói từ nhỏ đã không có hơi ấm của cha, lớn lên từ gánh bún của mẹ. Điều đó không làm Khoa thấy buồn tủi gì, vì mẹ cũng không để con trai phải thiếu thốn, và anh tự nhận mình "từng khá vô lo". Anh kể:
- Tôi học tốt ở THCS, nhưng lên THPT lại mê chơi, chỉ học đúng các môn toán - lý - hóa cần để thi đại học. Thời gian rảnh không đi chơi thì cũng lo tập bóng bàn, vì tôi trong đội tuyển của thành phố. Nếu nhớ không lầm, tôi thi tốt nghiệp môn văn chỉ có… 1,5 điểm! (cười)
Kịp học từ mỗi thất bại
* Chuyện học có gì khả quan hơn khi vào đại học không với cách học mà anh cũng tự nhận "khá vô lo" ấy?
- Đỗ vào ngôi trường mong muốn, tôi tự cho mình "nghỉ xả hơi", chuyện học lại và thi lại diễn ra như cơm bữa.
Chỉ đến khi lên năm hai, tôi thấy nhiều bạn bè có những giấc mơ thật đẹp và họ đang dần chinh phục. Tôi chợt nhận ra mình đã quá phung phí thanh xuân trên nỗi vất vả của mẹ.
Khoảnh khắc đó tôi quyết tâm thay đổi, vùi mình vào sách vở từ sáng sớm đến tối mịt, kể cả cuối tuần.
Điểm số dần được cải thiện, từ vị trí kém tôi chuyển sang tốp đầu lớp rồi được học bổng khuyến học. Thời điểm sắp tốt nghiệp, tôi luyện thêm ngoại ngữ với ước mơ được du học, đi học hỏi kiến thức của thế giới rộng lớn ngoài kia. Và tôi giành được học bổng thạc sĩ ở Đài Loan (Trung Quốc), hăm hở lên đường.
Nhưng năm đầu tiên du học đầy căng thẳng. Tôi và giáo sư hướng dẫn không tìm được tiếng nói chung. Chuỗi ngày trằn trọc và cả suy sụp, cuối cùng tôi quyết tâm chuyển trường. May mắn là được chấp thuận và tôi tốt nghiệp với vị trí thủ khoa.
* Anh học được gì từ những thất bại hay lỗi lầm của bản thân?
- Tôi nghĩ tuổi trẻ nào chắc cũng ít nhiều thất bại, vấn đề là chúng ta có kịp nhận ra và học được gì từ những điều ấy. Lúc học đại học, tôi chỉ nghĩ chọn một ngành nào đó để ra trường có việc làm. Tầm nhìn, mục đích sống, tham vọng là gì đó khá xa xỉ với tôi.
Chỉ đến khi có cơ duyên đọc một quyển sách hay nói về năng lực và hoài bão tuổi trẻ, tôi mới kịp "thức tỉnh". Vào tốp đầu của lớp không khiến tôi xúc động bằng việc bản thân đã vượt qua chính mình, biết mơ lớn và thấy rõ hành trình để trưởng thành đích thực. Tôi nghĩ sách luôn là giải pháp hiệu quả cho nhiều vấn đề của tuổi trẻ.
Còn thất bại giai đoạn đầu cao học, tôi nhận ra phải tìm hiểu kỹ và chọn người cố vấn phù hợp chứ không cứ theo sở thích hay hứng thú cá nhân. Và biết rằng học bổng luôn đi kèm nhiều áp lực, không chỉ có quyền lợi.
Cần có nhiều start-up càng tốt
* Lịch làm việc dày đặc ở Anh song anh lại đầy tâm huyết với hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp công nghệ trong nước. Vì sao nhỉ?
- Cá nhân tôi nghĩ để một xã hội phát triển bền vững cần có nhiều start-up ra đời. Start-up của tôi và các cộng sự đang tập trung phát triển nhằm giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon và tiết kiệm chi phí tối đa cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lạnh.
Mục đích chính của start-up VOX Cool hướng đến Việt Nam, nơi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự nóng lên toàn cầu. Chúng tôi đang thực hiện một dự án tại tỉnh Ninh Thuận, nơi vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán và sa mạc hóa. Dự án này có tên "Kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời và công nghệ lưu trữ tiên tiến tại Việt Nam" mà việc triển khai sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, thị trường kho lạnh của Việt Nam tương lai sẽ phát triển nhanh chóng với nhu cầu tăng vọt, dự kiến sẽ đạt khoảng 295 triệu USD vào năm 2025. Nhưng sự phát triển này bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhà cung cấp.
* Con đường mà anh cùng cộng sự đang hướng tới trong giải pháp của mình là gì?
- Để giải quyết thách thức lớn về chi phí và môi trường, start-up của chúng tôi sẽ phát triển công nghệ kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp lưu trữ nhiệt. Từ đó thử nghiệm mô hình kho lạnh không cần lưới điện, chi phí đầu tư thấp hơn hệ thống tương tự sử dụng giải pháp lưu trữ điện thông thường.
Bên cạnh công nghệ được phát triển cùng các cộng sự là những nhà nghiên cứu tại ĐH Oxford, chúng tôi sẽ phát triển mô hình kho lạnh cộng đồng để có thể đáp ứng nhu cầu lưu trữ và kinh doanh của các hộ đánh bắt và nuôi trồng hải sản nhỏ lẻ. Kết quả bước đầu rất tốt và chúng tôi cũng được một số quỹ đầu tư, cuộc thi lớn về start-up tin tưởng.
Người con Đà Nẵng đa tài
Lê Xuân Khoa tốt nghiệp ngành cơ điện tử Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Nhận học bổng cao học tại Đài Loan (Trung Quốc) và hoàn thành chương trình với bằng xuất sắc tại ĐH Khoa học ứng dụng quốc gia Cao Hùng trước khi tiếp tục giành học bổng nghiên cứu sinh ngành năng lượng và công trình xây dựng tại ĐH Ulster (Anh) trị giá 4 tỉ đồng.
Anh được trao giải luận án tiến sĩ xuất sắc, vượt qua nhiều vòng phỏng vấn để trở thành nhà nghiên cứu tại khoa khoa học kỹ thuật ĐH Oxford. Anh cũng là phó chủ tịch Hội Năng lượng ĐH Oxford và đồng sáng lập VOX Cool, một start-up công nghệ làm mát nhằm giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam. Anh còn là tay vợt bóng bàn từng đoạt huy chương của Đà Nẵng và toàn quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận