10/02/2020 09:54 GMT+7

Tiến sĩ 27 tuổi chọn giải quyết khủng hoảng về nước ngọt

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Ở tuổi 27, anh Kiều Trung Hiếu (Hà Nội) đã kịp "lận lưng" tấm bằng tiến sĩ ở ngôi trường danh giá hàng đầu Singapore - ĐH Công nghệ Nanyang.

Tiến sĩ 27 tuổi chọn giải quyết khủng hoảng về nước ngọt - Ảnh 1.

Bạn Kiều Trung Hiếu (giữa) chụp hình cùng một số cộng sự tại Singapore - Ảnh: NVCC

Việc tham gia các hoạt động trên đã giúp tôi trở nên năng động và chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian của mình. Cảm giác cho đi càng nhiều khiến tôi càng cảm nhận được rằng mình đang "sống" một cách rõ nét nhất.

KIỀU TRUNG HIẾU

TRUNG HIẾU chia sẻ về ngành sustainable earth (tạm dịch: Trái đất bền vững), một lĩnh vực nghe khá "lạ tai": "Đây là một chương trình nghiên cứu sinh của Trường ĐH Nanyang. 

Trong chương trình này, nghiên cứu sinh sẽ giải quyết các vấn đề nghiên cứu bằng cách áp dụng các kiến thức liên ngành. 

Các vấn đề trong chương trình này liên quan tới việc bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý những nguồn tài nguyên trái đất, hướng đến phát triển bền vững. Vấn đề của tôi liên quan đến việc giải quyết khủng hoảng về nước ngọt".

* Là cán bộ dự án tại Trung tâm mô phỏng quá trình môi trường (Viện Nghiên cứu nước và môi trường, ĐH Công nghệ Nanyang), công việc thường ngày của bạn là gì?

- Vì làm nghiên cứu nên lịch làm việc của tôi mỗi ngày khá khác nhau. Hiện tại tôi đang làm một dự án ứng dụng máy bay không người lái để viễn thám một số chỉ tiêu chất lượng nước như nồng độ chất rắn và độ đục ở vùng biển của Singapore. 

Với phương pháp này, chúng tôi có thể thu thập các dữ liệu trên một vùng rộng lớn trong thời gian ngắn (có thể chụp ảnh cả một vùng biển và có kết quả liền trong 15-20 phút, trong khi nếu đi thuyền thì mất đến cả ngày), thay vì phải trực tiếp lấy mẫu nước rồi phân tích rất mất thời gian.

Ngoài ra tôi cũng tham gia một nhóm nghiên cứu với đề tài kiểm soát các vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam bằng các phương pháp giải đoán ảnh và Internet vạn vật. 

Hiện tại cả hai dự án đang trong giai đoạn đề xuất và bảo vệ đề cương, nên công việc mỗi ngày chủ yếu là nghiên cứu tài liệu và tổng hợp các bài báo khoa học trong chủ đề này để có được cái nhìn toàn cảnh và có được hướng đi đúng và mới mẻ cho nghiên cứu của mình.

* Có hay không những lúc nản lòng khi nghiên cứu, nhất là khi bạn được lên thẳng chương trình nghiên cứu sinh mà không cần thông qua thạc sĩ?

- Trong nghiên cứu khoa học, thất bại là điều rất bình thường, có khi cả khoảng thời gian dài đầu tư công sức mà vẫn "xôi hỏng bỏng không", tôi tập quen và thích nghi dần. 

Thời điểm tôi cảm thấy nản lòng nhất trên con đường nghiên cứu là khi bài báo đầu tiên của mình bị từ chối đăng.

Nhưng ngẫm lại, bản thân tôi thấy phương pháp nghiên cứu của mình chỉ thiên về lý thuyết mà không có tính ứng dụng thực tế.

Một "kỷ niệm khó quên" ít ai biết là có học kỳ tôi suýt bị cắt học bổng vì có một môn bị điểm C. Điều đó đồng nghĩa là tôi phải "xách vali về nước" vì tiền đâu mà đóng học tiếp? May mà một giáo sư thương tình, bảo lãnh cho học thêm một học kỳ để tôi "gỡ gạc". 

Từng có thời điểm tôi thậm chí còn không nghĩ có thể bảo vệ thành công đề cương của mình. 

Lúc đó giáo sư của tôi động viên và gợi ý cho tôi một hướng đi mới về phát triển vật liệu cho công nghệ lọc và xử lý nước biển. Hướng đi đó sau này đã trở thành nội dung luận án tiến sĩ của tôi.

* Có kỷ niệm nào khiến bạn đau đáu nhất trong đời?

- Càng lớn tôi càng hiểu bố rất thương mình, chỉ có điều ông không biết cách biểu lộ. Có lẽ những năm tháng dài lao động vất vả ở Tiệp Khắc (cũ) khiến ông trở thành con người khắc nghiệt. Bố tôi bị ung thư gan giai đoạn cuối khi tôi đang học lớp 9. 

Tôi còn nhỏ nên chỉ hồn nhiên đùa là nếu đậu trường chuyên thì bố phải chở con đi xa lắm đấy. Bố tôi chỉ cười và nói vì tôi, bố chở đi đến đâu cũng được. Vào cấp III, tôi chăm chỉ học tập và thi ĐH dư đến bảy điểm. Tuy bố không đợi được đến ngày đó nhưng tôi tin bố đã nở nụ cười...

Cân bằng giữa nghiên cứu và hoạt động cộng đồng

Trước khi lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Công nghệ Nanyang (với học bổng toàn phần), Kiều Trung Hiếu tốt nghiệp loại giỏi ngành thủy văn ĐH Thủy lợi.

Xuyên suốt thời sinh viên tại Việt Nam, Trung Hiếu giành học bổng sinh viên giỏi 5 năm liền và nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học, giải thưởng Loa thành 2015 cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành xây dựng - kiến trúc toàn quốc.

Bạn cũng là bí thư liên chi đoàn khoa thủy văn - tài nguyên nước 2012-2014, ủy viên BCH Đoàn trường nhiệm kỳ 2014-2015...

Hiện Trung Hiếu có năm bài báo công bố quốc tế. Ngoài việc nghiên cứu, Trung Hiếu còn là chủ tịch Quỹ học bổng đồng hành Singapore, hỗ trợ các bạn sinh viên nghèo, vượt khó ở Việt Nam.

Tiến sĩ 9X sở hữu 20 bài báo quốc tế Tiến sĩ 9X sở hữu 20 bài báo quốc tế

TTO - Nguyễn Duy Tâm được tuyển vào một dự án thuộc Quỹ nghiên cứu quốc gia Singapore, anh làm nghiên cứu rồi được cử luôn làm trưởng nhóm.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên