
Một xe thu gom rác tại hẻm ở phường 17 (quận Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC KHẢI
Trang bạn đọc hôm nay ghi nhận về việc thu tiền rác tại các địa phương và ý kiến của chuyên gia, cơ quan chức năng.
TP.HCM: tiền rác gồm những khoản nào?
Ông Phạm Bảo Toàn, trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận, cho biết hiện quận đang áp dụng mức thu tiền thu gom và vận chuyển rác theo quyết định ban hành ngày 28-10-2021. Có ba nhóm được áp dụng với ba mức thu khác nhau.
Nhóm 1 là hộ gia đình, chủ nguồn thải phát sinh khối lượng rác dưới 125kg/tháng, đóng tiền thu gom 50.000 đồng và tiền vận chuyển 33.500 đồng.
Nhóm 2 là hộ gia đình, chủ nguồn thải phát sinh khối lượng rác từ 125kg/tháng đến dưới 180kg/tháng, đóng tiền thu gom 72.000 đồng/tháng và 48.500 đồng tiền vận chuyển.
Nhóm 3 là hộ gia đình, chủ nguồn thải phát sinh khối lượng rác trên 180kg/cơ sở/tháng, đóng tiền thu gom 271,7 đồng/kg và 672,1 đồng/kg cho tiền vận chuyển.
Người dân đóng tiền rác bằng ba phương thức: trực tiếp cho tổ dân phố; quét mã QR trên các nhóm dân phố hoặc thông qua app Grac. Sau đó địa phương sẽ chi trả tiền thu gom ngược lại cho lực lượng thu gom, tiền vận chuyển nộp vào ngân sách nhà nước.
Lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cho biết hiện nay các hộ dân phải trả tiền cho dịch vụ thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn phường là 88.000 đồng/hộ/tháng. Trong đó giá thu gom tại nguồn chi trả cho chủ thu gom 46.000 đồng/hộ và giá vận chuyển nộp ngân sách nhà nước 42.000 đồng/hộ.
Tại quận Gò Vấp, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Gò Vấp, Hợp tác xã môi trường quận Gò Vấp sẽ thực hiện thu giá thu gom rác. Còn ban điều hành khu phố sẽ tổ chức thu tiền vận chuyển rác thông qua phương thức ký hợp đồng ủy quyền thu hộ.
Mức giá thu gom rác thải đối với hộ gia đình trên địa bàn phường 17, quận Gò Vấp là 54.000 đồng/hộ/tháng, còn giá vận chuyển rác 36.720 đồng/hộ/tháng. Nếu tính theo năm thì giá vận chuyển rác là 440.640 đồng/hộ/năm (90.720 đồng/hộ/tháng, đã gồm thuế GTGT).
Hà Nội: nhiều mức đóng tiền rác
Hiện nay, phí thu gom rác thải sinh hoạt ở Hà Nội được xác định dựa trên đặc điểm của từng phường, xã và thị trấn. Mức phí thu gom phù hợp với mật độ dân cư, điều kiện sinh hoạt tại từng khu vực, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị.
Cụ thể, hiện phí thu gom rác thải sinh hoạt ở Hà Nội được quy định trong phụ lục ban hành kèm theo quyết định 54 năm 2016 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, đối với cá nhân tại phường, phí thu gom sẽ là 6.000 đồng/người/tháng; cá nhân tại xã/thị trấn sẽ là 3.000 đồng/người/tháng.
Đối với hộ kinh doanh tại phường (dưới 1m³/tháng) 130.000 đồng/hộ/tháng; hộ kinh doanh tại xã/thị trấn (dưới 1m³/tháng) 90.000 đồng/hộ/tháng. Đối với hộ kinh doanh (trên 1m³/tháng) sẽ có mức giá thu gom 208.000 đồng/m³ hoặc 500.000 đồng/tấn.
Đối với trường học, cơ sở hành chính (dưới 1m³/tháng) sẽ có mức giá 130.000 đồng/đơn vị/tháng; trường học, cơ sở hành chính (trên 1m³/tháng) mức phí thu gom là 208.000 đồng/m³ hoặc 500.000 đồng/tấn. Đối với cơ sở sản xuất, khách sạn, nhà hàng lớn sẽ tính mức phí thu gom rác theo khối lượng rác phát sinh.
Như vậy, phí thu gom rác thải sinh hoạt ở Hà Nội đang được tính với mức giá ngang bằng nhau mà không phân biệt lượng rác thải cụ thể của từng hộ gia đình, người có ít rác phải trả cùng mức phí như người có nhiều rác.
Năm 2018, UBND TP.HCM ban hành quyết định 38 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Theo đó, người dân ngoài trả tiền thu gom còn phải trả tiền vận chuyển, xử lý rác.
Đến năm 2021, TP.HCM ban hành quyết định 20 sửa đổi quyết định 38, trong đó có quy định giai đoạn 2021 - 2025 chưa thực hiện thu giá dịch vụ xử lý rác.
Người dân ngoài đóng tiền thu gom phải đóng thêm tiền phí vận chuyển. Tiền phí vận chuyển sẽ nộp về ngân sách TP. Tiền xử lý rác vẫn do ngân sách TP chi trả. TP.HCM đã đề ra mức giá sàn là 48.000 đồng/hộ/tháng. Từ giá chung này, các quận huyện sẽ căn cứ để xây dựng đơn giá cho địa phương (cự ly vận chuyển đến nơi xử lý tập trung, các yếu tố khác...).
Tiền rác hằng tháng có hai cách thu. Một là người dân đóng cho phường, xã thông qua ứng dụng. Phường chi trả tiền thu gom cho các đơn vị thu gom trên địa bàn, phần tiền vận chuyển nộp về ngân sách nhà nước.
Cách thứ hai là người dân đóng cho đơn vị thu gom, đơn vị này giữ lại tiền thu gom và nộp tiền vận chuyển về cho phường, xã để đóng vào ngân sách.
* Tiến sĩ PHẠM VIẾT THUẬN (viện trưởng Viện Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường TP.HCM):
Nên tiếp tục tuyên truyền phân loại rác
Đối với các khoản đóng góp từ người dân để thu gom, vận chuyển và xử lý rác, TP.HCM cần chỉ đạo các cấp nên công khai minh bạch các khoản thu đó, kể cả việc khu phố thu hay đơn vị dân lập thu các khoản theo quy định. Tiền thu gom đã có giá thu tương đối ở các quận huyện.
Tiền vận chuyển rác từ các hộ gia đình thì nên ban hành định mức chi phí tấn/km để quận huyện xây dựng bộ đơn giá từng khu vực cho phù hợp, tránh trường hợp mỗi nơi làm một kiểu gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.
Ngoài ra các địa phương nên tuyên truyền người dân phân loại rác theo quy định và công bố các khoản thu công khai, minh bạch cho người dân được biết qua các kênh Zalo khu phố, bảng tin phường. Đối với lực lượng rác dân lập cũng phải quản lý chặt để tránh việc tiền thu gom "nhảy múa" và tránh trường hợp người dân không đóng theo ý thì họ không thu rác.
Đà Nẵng thu gom rác theo giờ

Thu gom rác bằng xe rác cỡ nhỏ trên các tuyến đường chật hẹp ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tại Đà Nẵng, phí thu gom rác thải sinh hoạt được thực hiện theo quyết định 33 của UBND TP Đà Nẵng được áp dụng từ năm 2017 đến nay chung toàn thành phố. Đơn vị trúng thầu trực tiếp thu của các hộ dân.
Trong đó mức giá tối đa của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với hộ gia đình ở nhà tập thể, chung cư, nhà trọ là 15.000 đồng/tháng; hộ dân trong kiệt (hẻm) là 25.000 đồng/tháng; nhà ngoài mặt đường là 30.000 đồng/tháng. Mức giá này bao gồm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Hơn 10 năm thực hiện đề án thu gom rác theo giờ, đến nay khoảng 80% tuyến đường trong đô thị việc thu gom rác được thực thiện theo giờ, khoảng 20% tuyến đường thực hiện thu gom bằng xe ba gác hoặc thu gom trực tiếp bằng xe cuốn ép.
Chị Ngô Thanh Thư (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cho biết việc thu gom rác theo giờ đã hạn chế bớt tình trạng ô nhiễm môi trường so với trước đây. Việc đặt thùng rác cố định trước đây gây nhiều tranh cãi vì nhà nào cũng "né" thùng rác.
Hiện nay việc thu gom rác khá đúng giờ giấc nên không xảy ra tình trạng rác tồn đọng gây hôi thối.
Những năm qua, Đà Nẵng dành sự đầu tư đáng kể cho các trạm trung chuyển rác nhằm hoàn thiện mạng lưới thu gom. Hiện nay Đà Nẵng đang vận hành hai trạm trung chuyển rác khu vực đường Lê Thanh Nghị và quận Sơn Trà.
Tại các trạm trung chuyển này đều sử dụng công nghệ ép rác hiện đại, nước rỉ rác sẽ được thu vào mương chảy về trạm xử lý, đồng thời thiết kế hệ thống hút mùi để thu toàn bộ mùi phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải.
Tháng 3-2025, Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xử lý rác đến năm 2030. Dự kiến sẽ xây dựng mới mạng lưới năm trạm trung chuyển rác đáp ứng yêu cầu về môi trường. Đặc biệt là xóa nhiều điểm tập kết rác thường xuyên gây ô nhiễm.
Đến nay Đà Nẵng cũng đã phân cấp trong việc tổ chức thu gom rác và thực hiện đấu thầu. Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng vẫn là đơn vị chính thực hiện gom rác trên địa bàn. Riêng tại quận Liên Chiểu, đơn vị trúng thầu là Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh miền Trung.
Theo ông Ngô Lê Quảng - giám đốc Chi nhánh miền Trung Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, Đà Nẵng là đô thị hướng tới mục tiêu "thành phố môi trường, thành phố du lịch" nên có nhiều yêu cầu khá đặc biệt so với các nơi. Trong đó nhiều tuyến đường thu gom rác theo giờ thì yêu cầu thời gian cụ thể, chỉ cho phép được lệch không quá 30 phút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận