Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang nắm giữ khoản tiền và tương đương tiền lên tới hơn 200.000 tỉ đồng - Ảnh: TTO
Thông tin vừa được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đưa ra trong báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018.
Theo báo cáo được ghi nhận, tính đến ngày 31-12-2018, tổng tài sản của PVN là 824.803 tỉ đồng, có vốn chủ sở hữu là 461.797 tỉ đồng, tuy nhiên nợ phải trả lên tới 363.005 tỉ đồng.
Thu lãi từ gửi ngân hàng chiếm phần lớn
Đáng chú ý là tổng tiền gửi ngân hàng lên đến trên 205.000 tỉ đồng (tăng 15%), bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 63.963 tỉ đồng; 141.604 tỉ đồng tiền gửi ngắn hạn…
Nhờ vậy PVN ghi nhận doanh thu tài chính năm 2018 là 17.472 tỉ đồng, tăng tới hơn 18%. Trong đó phần lớn là tiền thu được từ hoạt động cho vay, tiền gửi chiếm tỉ trọng lớn nhất, tiền lãi đầu tư và các khoản thu từ chênh lệch tỉ giá, lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu…
Năm 2018, PVN ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 321.593 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2017. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 52.329 tỉ đồng, tăng 8,2%, nhưng lợi nhuận sau thuế là 38.639 tỉ đồng, chỉ tăng gần 4% so với năm 2017.
Năm 2018 PVN cũng ghi nhận khoản chi phí tài chính tăng mạnh thêm 32,7% lên tới 7.208 tỉ đồng, trong khi chi phí bán hàng là 5.187 tỉ đồng, giảm 1% và chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 9.216 tỉ đồng, giảm gần 4%.
Đầu tư bên Venezuela: Chưa rõ khả năng mang lại lợi ích kinh tế
Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính được cơ quan kiểm toán độc lập Deloitte đưa ra có nhiều cảnh báo đáng chú ý liên quan đến hiệu quả hoạt động đầu tư của PVN ở nhiều dự án. Trong đó, nhiều dự án khai thác dầu khí của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán hợp nhất các khoản đầu tư chưa hiệu quả.
Điển hình là khoản đầu tư vào công ty liên doanh Petromacareo với số tiền 1.583 tỉ đồng và khoản phí tham gia lần đầu, lần thứ hai để được tham gia đầu tư khai thác tại lô Junin 2 (Venezuela) đã được phân bổ vào chi phí là 7.335 tỉ đồng, cùng khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn với số tiền là 418,7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán cho biết không thu thập được đầy đủ các bằng chứng cho thấy khả năng mang lại các lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản phí tham gia phải trả lần đầu và lần thứ hai cũng như dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cần trích lập.
Cũng trong báo cáo tài chính, PVEP đang ghi nhận "chi phí trả trước dài hạn" đối với các chi tiết tìm kiếm thăm dò và phát triển dầu khí chưa phân bổ của L67 Peru là 7.047,4 tỉ đồng.
Tại thời điểm báo cáo tài chính được phát hành, PVEP vẫn đang trong quá trình đánh giá kỹ thuật và hiệu quả kinh tế trong giai đoạn tái khởi động khai thác, xác định rõ lộ trình và kế hoạch triển khai đối với Lô 67 Peru trong giai đoạn tiếp theo.
Do đó cơ quan kiểm toán cho rằng quyết định triển khai công việc khai thác tiếp theo phụ thuộc vào dự báo chi phí khai thác, giá dầu dài hạn, kết quả làm việc với nhà điều hành và các yếu tố khác trong tương lai.
Báo cáo cũng cho hay, Tập đoàn và PVEP đã đánh giá các chi phí tìm kiếm, thăm dò dầu khí không hiệu quả trong năm 2014 với số tiền là khoảng 5.633 tỉ đồng và xin ý kiến chỉ đạo phê duyệt tới Thủ tướng, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, Tập đoàn vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để có phê duyệt chính thức về phương án ghi giảm khoản chi phí tìm kiếm, thăm dò dầu khí của các dự án không hiệu quả trên.
Đồng thời, Tập đoàn cũng có một số khoản công nợ tiềm tàng liên quan đến hoạt động dầu khí trong và ngoài nước tại PVEP, các nghĩa vụ bảo lãnh khoản vay tại PVC và các vấn đề liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về đầu tư một số dự án có vốn góp của các công ty con của Tập đoàn.
Đầu tư đóng tàu cũng khó khăn
Đối với các dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ, báo cáo cũng lưu ý PVN đang tạm ghi nhận giá trị xây dựng cơ bản dở dang từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC) với giá trị tương đương là 695 tỉ đồng tại thời điểm bàn giao ngày 1-7-2010.
Đến ngày 31-12-2018, PVN chưa đối trừ hết số tiền đã thanh toán cho SBIC liên quan đến việc bàn giao là 720,2 tỉ đồng. Trong khi đó, PVN chưa nhận được quyết định chính thức của các cơ quan có thẩm quyền về giá trị tài sản nhận bàn giao từ SBIC cũng như số tiền phải thanh toán cho SBIC.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS - công ty con của PVN) - đơn vị được bàn giao từ SBIC, có tổng tài sản và trị giá tài sản thuần tại ngày 31-12-2018 là trên 5.875 đồng tỉ và âm 1.257 tỉ đồng.
Cơ quan kiểm toán cũng cho biết không thể thu thập đầy đủ dữ liệu về vấn đề bàn giao cũng như khả năng tiếp tục hoạt động của DQS trong 12 tháng tới.
PVTex: Lỗ luỹ kế 4.748 tỉ đồng, nợ lên tới 7.726 tỉ đồng
Báo cáo tài chính của PVN ghi nhận tình hình của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) với tổng tài sản là 5.236 tỉ đồng, khoản lỗ lũy kế lên tới 4.748 tỉ đồng, vượt quá vốn góp của chủ sở hữu. Nợ phải trả của PVTex là 7.726 tỉ đồng, riêng khoản vay của ngân hàng Đầu tư và phát triển do Tập đoàn bảo lãnh là 5.124 tỉ đồng.
HIện nay PVTex đang làm việc với nhà thầu và các cơ quan liên quan để xác định giá trị quyết toán công trình nhà máy. Cơ quan kiểm toán cho rằng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng về khả năng tiếp tục hoạt động của PVtex trong 12 tháng tới.
PVcomBank có nợ phải trả là 130.327 tỉ đồng
Ngân hàng Thương mại Cổ phần đại chúng VN (PVcomBank) có tổng tài sản khoảng 140.545 tỉ đồng, nợ phải trả là 130.327 tỉ đồng.
Ngân hàng này có doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 8.269 tỉ đồng (tăng so với 6.511 tỉ đồng của năm 2017). Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 88 tỉ đồng (giảm so với 127 tỉ đồng năm 2017).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận