05/06/2024 18:10 GMT+7

Tiền mã hóa vào Việt Nam đến 120 tỉ USD?

Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có sở hữu tài sản ảo. Tổng lượng tiền mã hóa đổ vào thị trường Việt Nam lên đến 120 tỉ USD…

Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý quản lý cụ thể về tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý quản lý cụ thể về tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đây là những con số đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo về khung pháp lý quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức chiều 5-6, tại TP.HCM.

Theo báo cáo của hãng Chainalysis (Mỹ), trong vòng 12 tháng (tính đến thời điểm tháng 7-2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỉ USD. Trong cùng thời gian đó, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (FDI) chỉ đạt 25 tỉ USD (bằng khoảng 1/5 so với dòng tài sản mã hóa). Lượng tiền này đã tăng 20% so với con số 100 tỉ USD ở giai đoạn 2021 - 2022.

Trong đó, khoảng 60% lượng tiền mã hóa ở Việt Nam hiện được giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).

Theo số liệu của Triple A - công ty thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore, có tới 20% dân số Việt Nam sở hữu tài sản ảo. Lượng người sở hữu tài sản ảo ở Việt Nam thậm chí đứng thứ 3 toàn cầu nếu tính theo số lượng tuyệt đối.

Chainalysis cũng ước tính tổng lợi nhuận của các nhà đầu tư tài sản mã hóa toàn cầu là 37,6 tỉ USD năm 2023, trong đó Việt Nam hiện đứng thứ 3 với khoảng 1,2 tỉ USD lợi nhuận.

Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý, chưa có quy định cụ thể về các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, nên vẫn đang nằm ở khu vực “kinh tế ngầm”, chưa được ghi nhận trên các hệ thống tài chính chính thống.

Tại hội thảo, ông Trần Việt Hùng - nguyên phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cố vấn cấp cao VBA - cho rằng việc sớm ban hành khung pháp lý sẽ giúp chuyển hóa giá trị của tài sản ảo (VA) và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo (VASP) từ kinh tế ngầm sang nền kinh tế chính thức, giúp bảo vệ quyền lợi người dùng, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền, chống khủng bố.

Theo ông Hùng, việc có chính sách quản lý chặt chẽ sẽ có thể giúp giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp. Các kênh huy động vốn từ chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu… đều đang có khó khăn, trong khi dòng tiền đổ qua tài sản mã hóa về Việt Nam cao gấp 5 lần vốn FDI.

“VBA hy vọng sau một năm nữa, khi nhắc về tài sản ảo và các loại hình tài sản ứng dụng công nghệ blockchain, chúng ta không chỉ nói về kinh tế ngầm, về giá bitcoin tăng, mà lúc đó sẽ nói về việc tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo đóng góp được bao nhiêu vốn trong nền kinh tế”, ông Hùng nhấn mạnh.

Việt Nam vào danh sách xám về chống rửa tiền

Tháng 2-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền… Kế hoạch có 17 hành động, với mục tiêu sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khi có tên trong danh sách xám của FATF, một quốc gia có nguy cơ bị giảm trung bình 7,8% GDP và phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính quốc gia.

Chính phủ cũng đã yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó (gồm các biện pháp: đảm bảo tuân thủ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật), với thời hạn tháng 5-2025.

Bitcoin - Tài sản ảo dễ bốc hơi?Bitcoin - Tài sản ảo dễ bốc hơi?

TTCT - Nếu hệ thống bitcoin có mất đi sự hấp dẫn hay sụp đổ thì lý do chính sẽ không nằm ở chỗ hacker tấn công, mà nằm ở chỗ giá trị hạn chế của bitcoin xét về mặt kinh tế và công cụ đầu tư dài hạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên