Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho biết tăng trưởng tín dụng tháng 3 trở lại dương, song mức này vẫn thấp nhất 10 năm trở lại đây.
Huy động vốn tại ngân hàng giảm, vì chảy qua chứng khoán, bất động sản?
* Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố, tính đến 25-3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng đạt 0,26%. Ông có nhận định gì về con số này?
- Việc huy động vốn giảm trong quý 1 đến từ ba yếu tố: lãi suất huy động mức thấp lịch sử; thị trường chứng khoán khởi sắc và thị trường bất động sản dần ấm lên.
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, từ trung tuần tháng 8-2023 đến cuối tháng 3-2024, lãi suất huy động tiền gửi trung bình các ngân hàng thương mại trong nước liên tục giảm.
Lãi suất huy động trung bình ở các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tại ngày 29-3 lần lượt là 2,39%; 2,64%; 3,68% và 4,55% - thấp hơn từ 1,64 đến 2,12 điểm phần trăm so với giữa tháng 8-2023.
Với mức lãi suất thấp, dòng tiền có xu hướng chảy sang các kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn như chứng khoán hay bất động sản, dẫn tới tăng trưởng tiền gửi ngày càng suy giảm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 1-2024 ghi nhận nhiều kết quả tích cực. VN-Index tăng 147,7 điểm trong quý 1, từ 1.136,39 điểm (ngày 2-1) lên mức 1.284,09 điểm (kết phiên 29-3), tương ứng mức tăng gần 13% với thanh khoản có xu hướng tăng dần.
Đối với thị trường bất động sản, theo báo cáo mới nhất của kênh Batdongsan, nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng mạnh trở lại. Đến tháng 2-2024 đã gần quay về đỉnh của tháng 8-2023.
Ngoài chung cư, nhiều loại hình khác cũng chứng kiến lực cầu tăng trong đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, như: nhà riêng có lượt tìm kiếm tăng 27%, nhà phố (15%), biệt thự (12%), đất nền (9%).
Thị trường bất động sản đang có xu hướng "ấm" dần lên và không loại trừ khả năng phần nào đó đang hút một lượng tiền đáng kể của nền kinh tế.
* Vậy ông có lý giải ra sao cho mức tăng trưởng tín dụng quý 1?
- Sau khi tăng trưởng mức âm 2 tháng đầu năm, tính đến 25-3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỉ đồng, tăng 0,26% so với cuối 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).
Đây có thể được coi là tin vui với ngành ngân hàng khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng trở lại sau suy giảm.
Trước đó cũng có yếu tố mùa vụ, tín dụng thường tăng mạnh quý cuối năm, những tháng đầu năm mới trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên tăng trưởng tín dụng chậm hơn.
Nhìn chung, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%/năm của Ngân hàng Nhà nước sẽ khả thi, nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, hoạt động vay vốn lưu động được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào nửa đầu năm 2024.
Trong đó, lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng được dự báo sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối 2024.
Tăng trưởng tín dụng quý 1 vẫn thấp nhất 10 năm trở lại đây
* Mức tăng trưởng tín dụng đến hết quý 1 năm nay so với các năm trước như thế nào? Liệu đã có tín hiệu phục hồi chưa khi số liệu GSO cho thấy số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn cao hơn lập mới và quay trở lại?
- Dù tăng trở lại dương, nhưng chỉ đạt 0,26% vẫn là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, thậm chí còn thấp hơn giai đoạn COVID-19 2020 - 2021.
Điều này cho thấy mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang còn yếu trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch COVID-19. Kết hợp với biến động kinh tế thế giới và tình hình xung đột địa chính trị phức tạp và khó lường, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng bớt "thừa tiền"
* Huy động vốn giảm, tín dụng cho vay tăng trở lại. Liệu có áp lực tăng lãi suất huy động trở lại?
- Lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong suốt thời gian qua, xuống mức thấp lịch sử khiến lượng tiền gửi vào hệ thống có dấu hiệu suy giảm.
Trong khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu khởi sắc từ tháng 3, cộng với chỉ tiêu cả năm 2024 là 15% (khoảng 2 triệu tỉ đồng) phần nào đó sẽ tạo ra áp lực tăng lãi suất huy động lên các ngân hàng thương mại. Đặc biệt vào giai đoạn giữa và cuối năm 2024, khi mà nhu cầu tín dụng thường có xu hướng tăng theo yếu tố mùa vụ.
Điều này cũng có thể dễ nhận ra khi ngay ở tuần cuối tháng 3 này, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đang có xu hướng đảo chiều, rục rịch tăng trở lại.
Mặc dù mức tăng chưa phải là lớn nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện rằng hiện tượng dư thừa tiền và thanh khoản tại ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Điều này phần nào còn thể hiện qua mức khối lượng và lãi suất trúng thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua. Cụ thể, trong phiên đấu thầu 11-3, lãi suất trúng thầu chỉ là 1,4%/năm thì tới phiên đấu thầu 29-3, lãi suất này đã lên mức 2,49%/năm.
Bên cạnh đó, số lượng tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu cũng giảm dần qua từng phiên (từ 18 tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu vào phiên 11-3 xuống chỉ còn 5 tổ chức vào phiên 29-3) kết hợp với việc khối lượng phát hành tín phiếu cũng có xu hướng giảm trong những phiên gần đây. Điều này cho thấy mức dư thừa thanh khoản trên thị trường có thể đã giảm bớt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận