19/01/2014 11:11 GMT+7

Tiền Giang, vùng đất của cải lương

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Tại hội thảo quy mô lớn về truyền thống nghệ thuật cải lương tổ chức tại Tiền Giang chiều 18-1, tất cả các nhà nghiên cứu lẫn nghệ sĩ cải lương thành danh đều khẳng định cái nôi của nghệ thuật cải lương VN là ở Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Ngày khai sinh được xác định là 15-3-1918. Và vở cải lương đầu tiên được ra mắt công chúng là Kim Vân Kiều của thầy tuồng Trương Duy Toản tại rạp Thầy Năm Tú, Mỹ Tho. Cũng vì lý do này mà NSND-TS Bạch Tuyết xúc động khi được mời phát biểu: “Hôm nay tôi mặc áo dài tím đến đây không phải ngẫu nhiên mà là có mục đích rõ ràng (diễn viên gánh hát Ðồng Nữ Ban thành lập năm 1927 ở Tiền Giang mặc áo tím - PV). Tôi xin cảm ơn đất Tiền Giang đã sinh ra cải lương và sinh ra ba Năm Châu, má Bảy Nam để giúp tôi có được ngày hôm nay”.

Theo GS.TS Trần Văn Khê, tiền thân của cải lương là ca ra bộ (tức ca tài tử có điệu bộ minh họa). Thầy Năm Tú là một người mê tài tử nên đã phá bỏ rạp chiếu phim để xây dựng rạp hát theo phong cách mới để lập gánh hát. Sau đó ông thấy rằng nội dung các bài ca ra bộ không cùng đi với nhau nên nhờ một nhà nho là ông Trương Duy Toản (người từng tham gia phong trào Ðông Du) đứng ra làm thầy tuồng và đặt những vở tuồng đầu tiên theo tích của Kim Vân Kiều.

TS văn hóa Mai Mỹ Duyên dẫn chứng cụ thể: “Các tài liệu mới nhất phát hiện ở Pháp chứng minh ban nhạc tài tử đầu tiên của VN sang Pháp biểu diễn là ban nhạc Tư Triều ở Mỹ Tho, đó là vào năm 1906 tại TP cảng Marseille. Từ đó đã phát triển thành ca ra bộ rồi nâng lên thành cải lương tại Mỹ Tho năm 1918”. Thạc sĩ Nguyễn Thành Lợi cũng nói: “Ngày 15-3-1918, gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho diễn vở Kim Vân Kiều tại Cinéma Théâtre (rạp Thầy Năm Tú, nay là rạp Tiền Giang). Thầy Năm Tú là người đầu tiên dùng danh từ “cải lương” để gọi cho gánh hát của mình là “Ban hát cải lương Châu Văn Tú” và cấm các gánh khác không được dùng thương hiệu cải lương của ông”.

GS.TS Trần Văn Khê kể thêm: Nhờ có rạp hát khang trang và chương trình đầy đủ, tụ họp được nhiều đào kép danh tiếng lúc bấy giờ như: Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du, Bảy Thông, Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Thoàn... nên khán giả xem rất đông. Thời ấy Mỹ Tho mà có rạp hát như vậy là điều rất đáng tự hào. Không chỉ vậy, Hãng Pathé Phono của Pháp còn bằng lòng ghi âm lại những bài ca cải lương và có khi ghi cả tuồng với câu mở đầu: “Bạn hát của thầy Năm Tú, ca cho Hãng Pathé Phono nghe chơi”. Thầy Năm Tú cũng cho làm máy hát tại VN, để hình con chó ngồi nghe và trên đĩa hát có hình con gà màu đỏ, sau đó đem bán khắp nơi. Nhờ vậy mà hát cải lương vừa mới thành hình đã được đĩa hát phổ biến rộng rãi khắp thôn quê.

Mặc dù vở cải lương đầu tiên ra mắt năm 1918, nhưng theo ông Lợi thì phải đến năm 1920, với việc thành lập Ðoàn hát cải lương Tân Thinh của Trương Văn Thông thì sân khấu cải lương mới chính thức xuất hiện và phát triển mạnh sau đó. Cũng năm 1920, ông thợ bạc Nguyễn Văn Cu (Hai Cu) ở Mỹ Tho đã thành lập gánh hát cải lương đầu tiên lấy tên là Nam Ðồng Ban.

Cũng trong ngày 18-1, tỉnh Tiền Giang còn tổ chức triển lãm, trưng bày hơn 300 hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật cải lương gần 96 năm qua. Triển lãm thu hút rất đông khách tham quan vì có nhiều hình ảnh rất có giá trị như: rạp Thầy Năm Tú - Mỹ Tho xưa, rạp hát của Bạch công tử xưa, ảnh toàn bộ diễn viên gánh hát Đồng Nữ Ban, ban nhạc tài tử Tư Triều biểu diễn ở Pháp năm 1906, kịch bản vở cải lương Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang viết năm 1955.

Buổi tối, tại bến tàu du lịch Mỹ Tho và Trung tâm Hội nghị Tiền Giang là chương trình sân khấu hóa do Nhà hát Trần Hữu Trang và Đoàn nghệ thuật Tiền Giang trình diễn nhằm tái hiện sinh động sự hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương. Đặc biệt là các trích đoạn cải lương kinh điển Tô Ánh Nguyệt với những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên