Phóng to |
Dự án Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đang bị thanh tra - Ảnh: Ngọc Hậu |
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay đã phát hiện khá nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng.
Nhiều vụ tiêu cực chậm xử lý
Nhà máy nước trùm mền, người dân thiếu nước sạch Nhiều cử tri than phiền trong khi huyện phía đông thiếu nước sạch triền miên thì nhà máy nước có vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng xây xong “trùm mền” gần một năm nay. Theo ông Nguyễn Văn Khang - chủ tịch UBND tỉnh, Nhà máy nước BOO Đồng Tâm có công suất 90.000m3/ngày đêm, hiện đường ống đã thi công xong và có thể phát nước giai đoạn 1 với công suất 50.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện chưa thể vận hành được vì nhu cầu nhận nước của nhà máy này chỉ khoảng 1.000m3/ngày đêm. Nếu phát nước ngay bây giờ thì giá nước lên tới 20.000 đồng/m3. Ngoài ra, dự án này đang được thanh tra nên chưa thể phát nước. |
Theo nhiều đại biểu, điều làm cử tri bức xúc hiện nay là nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn xảy ra đã lâu nhưng chậm được xử lý. Chẳng hạn, vụ rút ruột bảo hiểm y tế tại khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã hai năm mà vẫn chưa thấy khởi tố.
Hoặc vụ cổ phần hóa Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang liên quan đến nguyên tổng giám đốc Trần Thanh Tiến và một số cán bộ cấp tỉnh hiện chưa được kết luận, xử lý. Theo giải trình của UBND tỉnh Tiền Giang, các vụ việc này đang trong quá trình điều tra, xử lý chứ không “chìm xuồng”.
Thiếu phòng học, thiếu giáo viên
Một vấn đề cũng gây bức xúc cho nhiều cử tri là trẻ em có nhu cầu đi học nhưng không có chỗ để học. Qua giám sát, HĐND tỉnh cho biết số trẻ ở độ tuổi học mẫu giáo và nhà trẻ ở Tiền Giang được ra lớp thấp hơn bình quân cả nước. Hiện có 38% trẻ có nhu cầu đến trường nhưng đành ở nhà do thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Ngoài ra, chỉ có khoảng 19,7% trường học trên toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Tiền Giang là một trong năm tỉnh có số trường đạt chuẩn thấp nhất cả nước.
Nhiều đại biểu còn chất vấn UBND tỉnh về việc đầu tư xây dựng các trường nghề chưa mang lại hiệu quả, tuyển không đủ chỉ tiêu, đào tạo không đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch UBND tỉnh, cho biết toàn tỉnh có 26 cơ sở dạy nghề công lập và năm cơ sở ngoài công lập với quy mô đào tạo 3.500 học sinh cao đẳng, trung cấp và 13.000 học viên sơ cấp nghề.
Ông Khang thừa nhận tuyển sinh trung cấp nghề không đạt chỉ tiêu do phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa mạnh; phụ huynh ngại cho con em đi học nghề do quan niệm thích làm thầy hơn làm thợ; nhiều học sinh không thích học những ngành nghề nặng nhọc như: hàn, tiện, sửa chữa máy; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ít, tiền lương thấp nên không thu hút.
Ông Nguyễn Văn Danh, chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang, cho rằng một số nội dung chất vấn chưa được các vị có trách nhiệm ở các cơ quan liên quan trả lời thỏa đáng. Các cơ quan chức năng chưa chỉ ra được trách nhiệm của mình ở đâu trước những bức xúc của cử tri. “Tôi đề nghị các đại biểu và các ban HĐND tăng cường hơn việc kiểm tra, giám sát đối với lời hứa từ các cơ quan chức năng” - ông Danh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận