06/11/2024 12:29 GMT+7

Tiền Giang có cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây, trữ ngọt cho 1 triệu dân và 130.000 héc ta đất

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành là cống ngăn mặn lớn thứ 2 tại miền Tây, sau cống Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang, vừa hoàn thành và được bàn giao cho tỉnh Tiền Giang để phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho 1 triệu người dân và 130.000ha đất nông nghiệp.

Tiền Giang tiếp nhận cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây để ngăn mặn, trữ ngọt - Ảnh 1.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành đã hoàn thành sau gần 2 năm xây dựng, đây là cống ngăn mặn lớn thứ 2 tại miền Tây tính đến thời điểm hiện tại - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Ngày 6-11, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức lễ bàn giao công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành thuộc dự án công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 518 tỉ đồng, trong đó phần xây dựng cống âu là hơn 460 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 11-11-2022. Sau gần 2 năm thi công, đến nay tất cả các hạng mục của công trình đã hoàn thành và được bàn giao cho tỉnh Tiền Giang để khai thác, vận hành.

Theo ông Kiều Văn Công - phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, cùng với các công trình hiện có trong vùng dự án, cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ tạo nguồn trữ và cấp nước bổ sung nhằm khép kín hoàn toàn vùng dự án. 

Bên cạnh đó, cống Nguyễn Tấn Thành còn tăng cường khả năng kiểm soát lũ, triều cường, xâm nhập mặn, chủ động kiểm soát, điều tiết nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và phục vụ sinh hoạt.

Ông Võ Văn Thông - giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang, cho biết độ mặn cao nhất đo được tại khu vực kênh Nguyễn Tấn Thành vào năm 2020 là 6,9 phần ngàn (tương đương 6,9 gam/lít).

Ông Nguyễn Đức Thịnh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang - thông tin thêm, cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành khi đi vào hoạt động sẽ giúp địa phương tiết kiệm được khoảng 11 tỉ đồng mỗi năm cho chi phí làm đập ngăn mặn tạm thời. 

Bên cạnh đó, cùng với hệ thống cống đã được đầu tư dọc theo sông Tiền, cống Nguyễn Tấn Thành sẽ bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương với khoảng 130.000ha và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu người dân hai tỉnh Tiền Giang, Long An.

Cống âu Nguyễn Tấn Thành là cống ngăn mặn, trữ ngọt lớn thứ 2 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang. Nhờ có hệ thống âu thuyền, khi cửa cống chính đóng để ngăn mặn, âu thuyền này sẽ hoạt động giúp tàu, thuyền có thể qua lại.

Công trình nằm trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Công trình được thiết kế cống hở kiểu trụ đỡ, bằng bê tông cốt thép. Tổng chiều rộng thông nước 52m, gồm 1 khoang 40m và 1 khoang âu thuyền 12m.

Các công trình phụ trợ gồm: nhà quản lý; đường quản lý vận hành, hệ thống quan trắc, giám sát tự động…

Tiền Giang tiếp nhận cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây để ngăn mặn, trữ ngọt - Ảnh 2.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành vừa được bàn giao cho tỉnh Tiền Giang quản lý, khai thác - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tiền Giang tiếp nhận cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây để trữ ngọt - Ảnh 4.

Với hệ thống âu thuyền, tàu thuyền vẫn có thể qua lại trong thời điểm cống đóng để ngăn mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tiền Giang tiếp nhận cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây để ngăn mặn, trữ ngọt - Ảnh 4.

Bên trong phòng điều khiển hệ thống cống âu Nguyễn Tấn Thành - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tiền Giang tiếp nhận cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây để ngăn mặn, trữ ngọt - Ảnh 5.

Vùng hưởng lợi từ cống âu Nguyễn Tấn Thành - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tiền Giang tiếp nhận cống ngăn mặn lớn thứ 2 ở miền Tây để ngăn mặn, trữ ngọt - Ảnh 6.Cống ngăn mặn lớn thứ 2 miền Tây hoàn thành, tàu thuyền vẫn qua bình thường khi đóng cống

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành hiện đã hoàn thành và khi đóng cống để bảo vệ vùng cây ăn trái phía trong, tàu thuyền vẫn có thể qua lại bình thường. Đây là điều khác biệt so với trước đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên