* Tổ chức trọng thể lễ tang nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự
Phóng to |
Lễ truy điệu nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Chí Công được tổ chức trọng thể tại dinh Thống Nhất (TP.HCM) lúc 6g ngày 12-9, nơi quàn linh cữu ông. Cùng thời gian này, lễ truy điệu cũng được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Nam quê hương ông.
Đông đảo người dân TP.HCM dõi theo đoàn xe đưa linh cữu nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công phủ quốc kỳ đỏ thắm về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang TP.HCM.
Đọc lời điếu tại lễ truy điệu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng ban lễ tang - xúc động ôn lại cuộc đời vẻ vang với 100 năm tuổi đời và 76 năm tuổi Đảng của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Cuộc đời ông gắn liền với quá trình cách mạng và những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng và nhân dân ta.
Tổng bí thư nhấn mạnh: “Trải qua những tháng ngày gian khổ và oanh liệt, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam, nhất là ở Khu V còn ghi nhớ mãi hình ảnh anh Năm Công luôn có mặt ở những địa bàn trọng yếu, ác liệt nhất của chiến trường, bám sát thực tiễn, lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hi sinh, gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau ngày đất nước thống nhất, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương”.
Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, những lời cuối cùng trong điếu văn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động: “Hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Vĩnh biệt đồng chí, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
* Đúng 6g30 sáng 12-9, tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ tang nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự, theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước.
Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trưởng ban lễ tang, xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự. Trưởng thành từ một cán bộ giảng dạy Trường đại học Bách khoa Hà Nội, ông Vũ Đình Cự đã tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, lần lượt bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ, được phong hàm giáo sư và làm chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội; chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử - viễn thông của Nhà nước và được bầu làm phó chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Trong suốt cuộc đời cống hiến và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Vũ Đình Cự luôn nêu cao tinh thần tận tụy, trung thành với cách mạng, Tổ quốc và nhân dân. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tích cực hoạt động và luôn thể hiện là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhà trí thức kiên định tư tưởng đi theo con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phấn đấu theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại”.
Sau lễ hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội, lễ an táng nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Đình Cự sẽ được tổ chức vào 10g45 ngày 13-9 tại quê nhà, nghĩa trang Đồng Bốn, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
_______________________
Vũ Đình Cự - đam mê khoa học
Tôi quen anh Cự từ thuở hàn vi. Căn phòng anh ở và làm việc rộng 10m2 nằm cạnh tòa nhà A trong khu Bách khoa. Trong phòng kê một tấm bảng lớn, một giá sách, một cái bàn con. Dạo ấy chưa có máy vi tính nên cuốn sách, cây bút và viên phấn là ba “người bạn chí cốt” của anh. Kể ra anh còn có thêm một “người bạn” nữa: phòng thí nghiệm. Buổi tối chủ nhật, anh cũng xin nhà trường cho phép được “sống chung” với “người bạn” ấy!
Nếu nhìn lên căn gác nhỏ đầu cầu thang A mà không thấy sáng đèn, tức là anh Cự đang ở phòng thí nghiệm!
Anh đọc nhiều, lần mò tìm hướng nghiên cứu. Lúc bấy giờ, giáo sư Tạ Quang Bửu làm hiệu trưởng trường anh. Giáo sư gợi ý cho anh đi vào một ngành có nhiều ứng dụng: vật lý chất rắn. Chọn được hướng đi rồi, anh cảm thấy khỏi bị lạc lối giữa rừng sách.
Năm 1965 tại Matxcơva, Vũ Đình Cự bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Hội đồng khoa học đề nghị nước ta cho phép anh ở lại Liên Xô thêm một thời gian để phát triển công trình thành luận án tiến sĩ khoa học.
Sang giai đoạn này, anh phải tự lập hoàn toàn, không có giáo sư hướng dẫn gợi ý và kiểm tra từng khâu như trước. Phải tự mình vạch ra hướng tìm tòi lý thuyết và tiến hành các thí nghiệm chứng minh. Có những thí nghiệm đòi hỏi phải sáng chế những thiết bị mới toanh, chưa hề có trong bất cứ phòng thí nghiệm tiên tiến nào! Anh Cự đến các nhà máy, nêu ra yêu cầu rồi đặt họ chế tạo theo mẫu thiết kế đơn chiếc do anh sáng chế.
Tháng 3-1967, chỉ 15 tháng sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, anh Cự bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Tại buổi bảo vệ, vị đại diện Trường Lomonosov nói: “Với niềm tự hào, Đại học Matxcơva chúng ta tặng học vị tiến sĩ khoa học toán - lý cho người Việt Nam đầu tiên. Như vậy, chúng ta đã thực hiện lời hứa với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam khi các đồng chí ấy đến thăm trường là đào tạo cho Việt Nam những nhà khoa học có trình độ cao. Chúng ta nhờ đồng chí Vũ Đình Cự báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính mến rằng chúng ta đã và sẽ thực hiện lời hứa của mình”.
Các công trình của Vũ Đình Cự được trích dẫn nhiều ở Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức... Một tạp chí vật lý quốc tế công bố công trình thực nghiệm của Maccosi và Chen Cheng nhan đề “Sử dụng lý thuyết màng mỏng từ tính của Vu Dinh Ky để chế tạo các bộ nhớ của máy tính điện tử”. “Vu Dinh Ky” chính là họ tên anh Cự được chuyển chữ từ tiếng Nga sang tiếng Anh.
Tại hội nghị quốc tế về màng mỏng năm 1970 ở Tiệp Khắc, đoàn đại biểu Mỹ phân phát một cuốn sách giới thiệu các kết quả ứng dụng “lý thuyết Vu Dinh Ky” để sáng chế linh kiện máy tính. Giới khoa học Pháp cũng thông báo về kết quả ứng dụng “lý thuyết Vu Dinh Ky” để làm bộ nhớ máy tính.
Là một nhà vật lý đam mê nghiên cứu nhưng Vũ Đình Cự không tự nhốt mình trong “tháp ngà” học thuật. Ông lãnh đạo nhóm GK1 (G là giao thông, K là bách khoa) nghiên cứu biện pháp rà phá thủy lôi và bom từ trường trong những năm chống Mỹ. Cùng với hải quân, công binh và các ngành đường biển, đường sông, đường bộ, tổ GK1 đã có những đóng góp xứng đáng, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Sau ngày đất nước thống nhất, Vũ Đình Cự ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác lãnh đạo khoa học và công nghệ, với những cương vị cao như ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ tịch Quốc hội...
Đối với thế hệ trẻ, ông là tấm gương về niềm đam mê khoa học cũng như về thái độ hiến thân cho nghĩa vụ công dân trong những thời khắc nghiệt ngã của lịch sử.
HÀM CHÂU
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận