Lễ viếng và truy điệu Giáo sư Phan Huy Lê được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội - Ảnh: TRẦN HUẤN
Vào 7h30 sáng 27-6, lễ viếng và truy điệu Giáo sư Phan Huy Lê diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ tang do Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng gia đình tổ chức.
Rất nhiều lãnh đạo các ban ngành, đồng nghiệp, học trò nhiều thế hệ từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đã đến dự lễ tang.
Khi con gái của Giáo sư nói những lời về người cha kính yêu của mình, trước khi đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, rất nhiều nước mắt đã rơi.
Tang lễ giáo sư Phan Huy Lê - Video: Dương Liễu
Với gia đình, Giáo sư Phan Huy Lê là người chồng, người cha hết mực thương yêu vợ con, tình cảm với anh em trong gia đình. Các con của ông cho biết, ông luôn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho vợ con, luôn biết nghĩ đến người khác, luôn nhận phần khó khăn về mình.
Là người thay mặt gia đình lên cảm ơn mọi người đã đến dự lễ viếng, con gái Giáo sư Phan Huy Lê nghẹn ngào: "Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc đời ông vẫn giữ được tấm lòng bao dung, sự điềm tĩnh, giữ vững triết lý: Sự thật là chân lý cao nhất và đã sống cuộc đời tận hiến cho lịch sử đất nước".
Con gái Giáo sư Phan Huy Lê, nói những lời cuối trước khi đưa tiễn người cha kính yêu của mình về nơi an nghỉ cuối cùng - Ảnh: TRẦN HUẤN.
Điếu văn dành cho Giáo sư Phan Huy Lê vinh danh ông là một nhà khoa học có trí tuệ trác việt, tinh thần làm việc quên mình và năng suất lao động đáng kinh ngạc.
Điếu văn có đoạn: "Trong suốt sự nghiệp của mình ông đã công bố trên 450 công trình nghiên cứu gồm các sách và bài báo khoa học gồm các lĩnh vực: sử học, văn bản học, xã hội học, khu vực học và nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác.
Ông có đóng góp cho nền sử học Việt Nam hiện đại, có công lớn với đất nước trong việc gia tăng hiểu biết về con người, về các góc nhìn lịch sử, về quê hương đất nước và truyền thống của con người Việt Nam.
Giáo sư là một nhân cách sử gia lớn, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam, là người có ảnh hưởng sâu sắc, lan tỏa, dẫn dắt nhiều thế hệ nghiên cứu ở Việt Nam. Ông là trụ cột, ngọn cờ tập hợp giới sử học của cả nước.
Trong lĩnh vực giáo dục ông xứng đáng được tôn vinh là bậc danh sư. Ông đã truyền thụ và dẫn dắt nghiêm khắc mà nhân hậu, đòi hỏi mà bao dung, gợi mở, dẫn dắt, hỗ trợ. Hàng nghìn học trò của ông được ông dạy dỗ đã thành đạt, nắm giữ nhiều vai trò quan trọng".
Cú sốc cực lớn với giới sử học Việt
Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín, Nguyễn Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam tới dự lễ tang đã chia sẻ: "Sự ra đi của Giáo sư Phan Huy Lê là một cú sốc cực lớn với giới sử học, Khảo cổ học Việt Nam. Giáo sư vẫn còn đang sung sức, khỏe mạnh, giữ nhiều trách nhiệm trọng đại trong giới sử học. Khó có ai cầm được nước mắt khi biết tin ông ra đi. Ngay cả những người dân chỉ nhìn thấy ông trên tivi cũng thương tiếc ông.
Cả cuộc đời hoạt động của Giáo sư đã để lại một di sản rất lớn, ngay bây giờ chưa thể có ngay một tổng kết đầy đủ. Ở góc độ hiểu biết của tôi, Giáo sư Phan Huy Lê là người giữ nhiều kỷ lục nhất trong giới Sử học Việt Nam về những công tích đạt được trong cuộc đời nghiên cứu của ông.
Giáo sư đã để lại các di sản nghiên cứu sử học, khảo cổ học đồ sộ nhất với chất lượng rất cao. Ông là người có nhiều dự cảm khoa học, tiên đoán chính xác và ông luôn tìm cách để chứng minh. Đánh giá của ông về vai trò của Nhà Nguyễn, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cá nhân tôi nghĩ vô cùng xác đáng.
Giáo sư Phan Huy Lê còn được coi là người tổ chức nghiên cứu sử học giỏi nhất ở Việt Nam. Ông cũng là người rất quan tâm đến khảo cổ học và áp dụng nhiều thành tự khảo cổ học thành công vào trong nghiên cứu.
Giáo sư còn là người lên tiếng mạnh mẽ trong việc bảo vệ di sản như Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ.
Ông là con người luôn sống tận tâm, tận lực, chí công vô tư trong công việc, chí nghĩa chí tình trong các mối quan hệ và là người có lòng yêu nước vô bờ bến".
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự lễ viếng - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Người mở cánh cửa nghiên cứu của Việt Nam với thế giới
Sáng nay, 27-6, Văn phòng UNESCO đã phát đi thông cáo bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của Giáo sư Phan Huy Lê. Thông thông cáo, UNESCO khẳng định Giáo sư Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới.
Thông cáo viết: "Chúng tôi xin chia buồn sâu sắc tới gia đình của Giáo sư Phan Huy Lê, một con người mẫu mực cho giới trí thức, nghiên cứu. Giáo sư Phan Huy Lê đã mở cánh cửa nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam với thế giới thông qua nỗ lực tuyệt vời của ông dành cho thúc đẩy trao đổi và hợp tác với giới học thuật quốc tế.
Ông khơi nguồn và là tấm gương cho nhiều thế hệ các nhà sử học của Việt Nam và quốc tế. Giáo sư ra đi trong sự tiếc nuối của rất nhiều người, trong số đó rất nhiều người hàm ơn ông về sự giúp đỡ rộng lượng và hướng dẫn tận tình.
Bên cạnh những đóng góp to lớn của ông đối với nền sử học hiện đại của Việt Nam, Giáo sư Phan huy Lê đã đóng góp nổi bật cho sự thành công của đề cử Hoàng Thành Thăng Long của Việt Nam vào Danh sách Di sản thế giới UNESCO, và đặc biệt cho tới khi ra đi, Giáo sư Phan Huy Lê đã luôn đảm nhận vai trò dẫn dắt về học thuật và đưa lại một điển hình cho vai trò của Hội đồng khoa học hỗ trợ cho Khu Di sản thế giới này, thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc và trọng chứng".
Giáo sư Phan Huy Lê là một quý ông lịch lãm
Cùng trong thông cáo, văn phòng UNESCO cùng gửi kèm phát biểu của William Logan - Tiến sĩ, thành viên Hội đồng hàn lâm FASSA Australia, Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Deakin,Melbourne, Australia, một người rất am hiểu về Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, tác giả của cuốn sách rất giá trị về Hà Nội có tên Lịch sử Hà Nội do Nhã Nam phát hành.
Tiến sĩ William Logan viết: "Giáo sư Phan Huy Lê là một nhà sử học xuất chúng và đáng ngưỡng mộ bởi sự mẫn tiệp trong học thuật của ông, bởi cống hiến ông dành trọn cho Hà Nội và cho Việt Nam.
Ông là một quý ông vô cùng lịch lãm, luôn luôn thanh lịch và tử tế.
Tôi gặp ông lần đầu tiên vào những năm đầu thập niên 1990 khi thực hiện một dự án của UNESCO về bảo tồn Khu Phố cổ Hà Nội. Giáo sư Lê đã tới gặp và thảo luận với tôi tại nhà hang Bodega vốn đã không còn từ vài năm nay.
Giáo sư đã hỗ trợ tôi rất nhiều để giúp tôi hiểu được đặc điểm lịch sử của thành phố này và hoàn tất dự án.
Sau này, cuối những năm 2000, một đồng nghiệp của tôi cũng từ Trường Đại học Deakin, Tiến sĩ Colin Long và tôi cùng tham gia trong một nhóm cộng sự làm việc với sự chủ trì đầy kinh nghiệm của Giáo sư Lê trong việc biên soạn Hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long vào Danh sách Di sản thế giới.
Hồ sơ đề cử đã thành công và Giáo sư Lê đã tiếp tục vai trò dẫn dắt của ông đối với Hội đồng Khoa học tư vấn cho Hoàng Thành, cho tới tận ngày ông tạ thế.
Phẩm chất uyên bác của Giáo sư nổi danh cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Ông thực sự là một tài sản quý báu của Việt Nam và sẽ mãi mãi được tri ân trong trái tim của nhiều người.
Tôi xin được kính cẩn bày tỏ nỗi tiếc thương tới gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của Giáo sư".Lễ an táng tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h00 hôm nay.
Hình ảnh lễ tang Giáo sư Phan Huy Lê:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận