17/06/2016 14:42 GMT+7

Tiễn đưa danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Trưa ngày 17-6, tại nhà tang lễ Bộ quốc phòng, Hà Nội, nhiều tổ chức, đoàn thể, các hoạ sĩ, nghệ sĩ đến thắp hương kính viếng và tiễn đưa danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm về nơi an nghỉ cuối cùng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến thắp hương kính viếng hoạ sĩ và ghi sổ tang - Ảnh: V.V.TUÂN
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến thắp hương kính viếng hoạ sĩ và ghi sổ tang - Ảnh: V.V.TUÂN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là một trong những người đầu tiên đến đặt vòng hoa, thắp hương viếng và ghi trong sổ tang:

“Kính cẩn vĩnh biệt hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình và người thân của hoạ sĩ. Hoạ sĩ đã đi xa nhưng đóng góp, di sản quý báu hoạ sĩ để lại cho nền mỹ thuật, văn hoá VN còn mãi”.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội mỹ thuật VN, trưởng ban tổ chức tang lễ ghi ghi: “Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là thế hệ vàng của nền mỹ thuật VN hiện đại, là danh hoạ được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Các tác phẩm của ông là niềm tự hào của giới mỹ thuật VN, là những báu vật của văn hoá VN. 

Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời là tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi của gia đình, của Hội mỹ thuật và của nền mỹ thuật VN. Ông ra đi, tác phẩm của ông còn mãi với các thế hệ mai sau. Tên tuổi của ông ghi dấu ấn quan trọng trong nền mỹ thuật VN”.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là người có ảnh hưởng rất lớn đến mỹ thuật VN. Ông là tấm gương lao động nghệ thuật cực kỳ đáng khâm phục. Suốt cuộc đời ông không màng đến danh lợi, chỉ dành hết tâm sự cho việc sáng tạo nghệ thuật

 Ông Vi Kiến Thành  - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về người thầy lớn của mỹ thuật Việt, ông Vi Kiến Thành  - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) - nói:

“Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và hoạ sĩ Nguyễn Sáng là hai hoạ sĩ mà cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, tư duy tạo hình rất đặc biệt, rất độc đáo, có thể nói là hàng đầu của nền mỹ thuật VN.

Với Nguyễn Tư Nghiêm, ông là người luôn có tư duy rất độc đáo về ngôn ngôn ngữ tạo hình, hệ thống nét, cấu trúc tác phẩm. Nó thể hiện quan điểm mà ông đã từng đưa ra là “khi đi đến tận cùng của văn hoá truyền thống thì chúng ta sẽ đến được với hiện đại”.

Đó là quan điểm của một người đi trước thời đại, nhìn trước được vấn đề. Quan điểm đó vẫn là một chân lý của nghệ thuật đương đại hiện nay".

Sau khi kết thúc lễ viếng, lễ truy điệu danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm diễn ra lúc 12g45 cùng ngày. Ông được an tang tại khu A, nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Con nghé quả thực - sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm
Con nghé quả thực - sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm

Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời lúc 10g30 ngày 15-6, tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

Ông sinh năm 1922, tại Nam Đàn, Nghệ An. Thành danh với nhiều tác phẩm để đời, gặt hái được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực hội họa, năm 1996 họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên cho các tác phẩm: Con nghé quả thực - sơn mài (1957); Đêm giao thừa - sơn mài (1958); Nông dân đấu tranh chống thuế - sơn mài (1958); tranh Gióng - sơn mài (1976); Ông Gióng - sơn mài (1990); Điệu múa cổ - sơn mài (1983).

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên