Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vận tải đường sắt.
Chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư
Đáng chú ý trong báo cáo Quốc hội là tình hình đầu tư các tuyến đường sắt đô thị cũng như định hướng phát triển đường sắt cao tốc trong thời gian tới.
Về đường sắt đô thị, báo cáo nêu quy hoạch tại Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 410km; nghiên cứu xây dựng các tuyến kết nối với đô thị vệ tinh; quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ hệ thống đường sắt đô thị.
Còn TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.
Song tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm so với dự kiến, đến nay mới đưa vào khai thác 13km, đạt 10,4% các tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020.
Thị phần vận tải đường sắt đô thị chưa đáp ứng được khoảng 15% - 20% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TP.HCM như quy hoạch đề ra.
Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.
Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Hà Nội, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại hai thành phố.
Theo đó, tại Hà Nội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư 2 tuyến. UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư 2 tuyến.
Đến nay tuyến 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao, Hà Nội đưa vào khai thác tháng 11-2021.
Tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1 đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản; thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, bộ đang bàn giao tài liệu để Hà Nội tiếp tục triển khai đầu tư.
Tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, cơ bản hoàn thành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023; đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội đang thi công, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027.
Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang điều chỉnh dự án để triển khai bước tiếp theo.
Tại TP.HCM, Chính phủ đã chỉ đạo thành phố thực hiện đầu tư 2 tuyến. Đến nay, tuyến số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên đang thi công, dự kiến hoàn thành thi công vào quý 4-2023.
Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương đang giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công.
Báo cáo cũng nêu đối với nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn các thành phố đến năm 2023 là hơn 71.468 tỉ đồng.
Trong đó, Hà Nội là hơn 39.568 tỉ đồng để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án và TP.HCM là hơn 31.899 tỉ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án.
Năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, báo cáo cho hay Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại 4 nước gồm Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức.
Đây là các nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển để cập nhật, bổ sung hoàn thiện đề án báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến Hội đồng thẩm định nhà nước trong năm 2023; phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2025.
Trong tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt trong từng giai đoạn của kế hoạch trung hạn.
Đặc biệt, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, huy động nguồn lực của các địa phương để tham gia đầu tư dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận