Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ tịch UBND xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), vào hầm vận động người dân ngừng cản trở dự án - Ảnh: Trường Trung |
Sáng 19-5, các ban ngành của UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), đại diện gói thầu số 4 và đơn vị bảo hiểm tổ chức họp nhưng người dân vẫn tiếp tục ở trong hầm đường bộ của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để cản trở thi công (xem Tuổi Trẻ ngày 19-5).
Do số hộ dân đến họp theo giấy mời chỉ có vài chục người nên cuộc họp đành phải hủy bỏ. Mặc dù chính quyền ra sức vận động nhưng đến chiều 19-5 người dân vẫn chưa đồng ý ra khỏi hầm.
Nhà nứt 2 vị trí, tính đền... 2.000 đồng
Theo hồ sơ dự toán công trình sửa chữa nhà dân huyện Duy Xuyên, có 110 hộ dân ở xóm Nam Sơn, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên có nhà bị hư hỏng do việc nổ mìn để làm hầm đường bộ gây ra, cần được khắc phục.
Trong danh sách này, hộ được dự tính đền bù thiệt hại cao nhất là gần 4,2 triệu đồng, hộ được đền bù thấp nhất chưa tới... 2.000 đồng. Ngoài ra còn có rất nhiều hộ được định giá sửa chữa chưa tới 20.000 đồng.
Nhà ông Lưu Ba nứt ở hai vị trí hiên trước và phòng ngủ nhưng được dự tính mức đền bù 1.600 đồng. Ông Ba bức xúc nói: “Nhà tôi mới làm năm 2013 nhưng đến năm 2014 khi nổ mìn làm hầm thì bị nứt. Phản ứng quá thì đơn vị bảo hiểm về khảo sát rồi gửi bản dự toán. Họ tính nhà tôi với hai vết nứt tổng chi phí khắc phục 30.000 đồng, trong đó giá trị sửa chữa hư hỏng nhà trước khi bắt đầu đánh mìn là hơn 28.000 đồng.
Tính ra giá trị sửa chữa, đền bù cho việc nổ mìn gây nứt nhà tôi chưa tới 2.000 đồng. Chúng tôi ngày ngày nghe nổ mìn, nhà cửa rung bần bật, hư hỏng như vậy mà đền bù số tiền không đủ uống ly cà phê thì đền bù làm chi?”.
Tương tự nhà ông Ba, nhà bà Trần Thị Sánh cạnh đó cũng nứt ở 14 vị trí, trong đó có một số nơi vết nứt rộng kéo dài có thể đưa lọt bàn tay. Bà Sánh cho biết nhà này bà phải tích cóp lâu ngày mới xây được nên khi xảy ra nứt cả nhà rất lo lắng.
“Thấy họ xuống chụp ảnh kiểm định hư hại tui cũng mừng nhưng tiền dự tính đền có 670.000 đồng thì làm sao đủ sửa. Thằng con tôi lo sợ nên phải đi mua ximăng về trám sơ sơ cũng đã gần hết số tiền đó rồi huống chi sửa chữa” - bà Sánh nói.
Đo lại rung chấn để dân an tâm
Giải thích về lý do một số hộ dân chỉ được dự tính đền bù với số tiền đủ... uống trà đá, đại diện Công ty bảo hiểm PVI Đà Nẵng cho biết đó là dựa theo kết quả giám định độc lập.
“Khi nhận hợp đồng bảo hiểm vật chất và bên thứ ba, chúng tôi đều thuê một đơn vị giám định độc lập đi đo đạc mức độ thiệt hại và hư hỏng. Từ đó, chúng tôi áp theo khung quy định của Bộ Xây dựng và đơn giá của tỉnh Quảng Nam để tính toán mức độ bồi thường và số tiền bồi thường. Chúng tôi thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư rồi sau đó gửi bản dự toán để họ cung cấp cho dân chứ không trực tiếp làm việc với người dân” - vị này nói.
Cũng theo vị này, hồ sơ dự toán mà nhà thầu vừa gửi đến cho người dân dựa theo kết quả đo đạc của đơn vị giám định trong tháng 4-2015 và đây mới chỉ là dự toán ban đầu chứ chưa phải là số tiền đền bù cuối cùng người dân nhận được.
Vị này cho biết vào tháng 10 tới đây, khi công trình thi công hầm ngừng hoàn toàn việc đánh mìn thì đơn vị bảo hiểm sẽ thực hiện đo đạc giám định nhà dân lại lần nữa để đưa ra mức giá đền bù thiệt hại cuối cùng.
Trường hợp người dân không yên tâm về kết quả giám định có thể liên hệ Phòng hạ tầng kinh tế huyện Duy Xuyên để được giám định lại.
Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện liên doanh gói thầu số 4 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết việc đánh mìn làm hầm được thực hiện cẩn thận với sự giám sát của các đơn vị quân sự địa phương.
Theo vị này, với công nghệ mới hiện nay việc nổ mìn thi công đã hạn chế được ảnh hưởng trong phạm vi ngoài 350m. “Do nhà dân trong khu vực này đều cách xa hơn 500m nên chúng tôi sẽ nhờ các đơn vị đi đo rung chấn lại để người dân an tâm. Còn việc dự tính đền bù quá thấp, chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị bảo hiểm để tính toán lại” - vị này nói.
Rạch Giá: chính quyền sẽ đối thoại với dân bị giải tỏa Ông Nguyễn Văn Hôn, phó chủ tịch UBND TP Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết địa phương này sẽ đối thoại với các hộ dân muốn mua trả chậm nền tái định cư sau khi bị giải tỏa để triển khai xây dựng kè ven sông và đường Nguyễn Trường Tộ, thuộc dự án nâng cấp đô thị Rạch Giá. Trước đó, nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực đường Nguyễn Trường Tộ tỏ ra lo lắng khi số tiền đền bù giải tỏa, hỗ trợ di dời không đủ mua nền tái định cư, trong khi Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị Rạch Giá ra thông báo cho bà con chậm nhất là hôm nay (20-5) phải tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Bà Nguyễn Thị Kim Lan, ngụ số 2 Nguyễn Trường Tộ, P.Vĩnh Thanh (TP Rạch Giá), cho hay gia đình bà chỉ được đền bù khoảng 167 triệu đồng, trong khi giá một nền tái định cư lên tới 212 triệu đồng. Phần lớn hộ dân sinh sống ở khu vực này đều trong tình cảnh tương tự như gia đình bà Lan. Nhiều hộ dân cho biết đã làm đơn gửi UBND P.Vĩnh Thanh, Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị Rạch Giá xin mua nền tái định cư trả chậm nhưng đều bị từ chối với lý do không có chủ trương bán trả chậm nền tái định cư. Trong khi trước đó trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hôn cho hay UBND TP sẽ xem xét cho các trường hợp khó khăn được mua trả chậm nền tái định cư. Về vấn đề này, ông Hôn khẳng định đã chỉ đạo UBND phường, Ban quản lý dự án và cả UBND TP Rạch Giá phải nhận đơn để xem xét cho bà con... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận