26/05/2013 07:43 GMT+7

Tiền của dân phải để dân giám sát

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) khẳng định như vậy tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 25-5 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

FYhgasiw.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội trường sáng 25-5 - Ảnh: Việt Dũng
iXvGzMCC.jpg

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng báo cáo quyết toán nêu ra nhiều cái “không” về nguồn thu, chi như: không đúng thời gian, không phân bổ hết vốn được giao, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu chương trình được duyệt, không đúng đối tượng mục tiêu, không sát thực tế. “Những cái “không” này là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển” - ông Hùng nói.

Thu ngân sách thiếu vững chắc

Phát biểu trước đại biểu Hùng, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng nhận định ngân sách là tiền của nhân dân nhưng thời gian qua kỷ luật, kỷ cương trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm, thất thoát ngày càng tăng trong xây dựng cơ bản, thể hiện ở việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Bà Dung đề nghị: “Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia”.

Về nguồn thu ngân sách, dù nguồn thu năm 2011 vượt 126.804 tỉ đồng (21,3%), tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỉ trọng lớn là do giá cả tăng; điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, tăng thu từ tài nguyên (dầu thô) và các khoản về nhà, đất. Yếu tố tăng thu do sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu.

"Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp cho người dân giám sát, bởi ngân sách là tiền của dân"

Đại biểu Đỗ MẠNH HÙNG

“Tôi cảm thấy băn khoăn vì nếu ta không tăng thu được từ sản xuất mà chỉ vì giá cả tăng thì điều đó phản ánh thu ngân sách nhà nước thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế” - đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nói.

Về chi ngân sách, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề: Vì sao nghị quyết 11 của Quốc hội đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chi cho đầu tư phát triển lại tăng 37%, chi cho đầu tư xây dựng cơ bản tăng đến 34,5%. “Như vậy, chính sách tài khóa có phối hợp với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không, hay mỗi chính sách đi một nẻo?” - đại biểu Nguyễn Văn Phúc đặt vấn đề.

Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

Giải trình các thắc mắc của đại biểu, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Trong năm 2011 có một số khoản không đạt như dự toán đã đề ra, trong đó có những khoản chi rất quan trọng cho kinh tế, giáo dục, khoa học. Trong quá trình thực hiện, chúng ta có ban hành một số chính sách, trong đó có một số chính sách ban hành chậm, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, chính sách phụ cấp cho giáo viên. Năm 2011 cũng là năm đầu tiên của kế hoạch 2011-2015, có một số chương trình mục tiêu quốc gia được đánh giá, tổng kết và sắp xếp rà soát lại theo yêu cầu của Quốc hội nên giao dự toán 2011 có chậm. Chính vì vậy, có một số khoản chi không thực hiện được năm 2011”.

Về số nợ vay, hiện nay vay trong và ngoài nước đều theo kế hoạch được Quốc hội quyết và nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Cuối năm 2011: nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia vẫn nằm trong giới hạn. “Theo quy định thì nợ công được phép tương đương 65% GDP mà chúng ta chưa đến mức này. Sắp tới Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội chi tiết hơn về vấn đề nợ công” - ông Ninh cho hay.

Bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Ngày 25-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 điều 170 Luật doanh nghiệp theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp. Nội dung sửa đổi này nhằm đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không được quy định tại giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1-7-2006, đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư sau ngày 1-7-2006 và chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, được thực hiện thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật các vấn đề phát sinh kể từ ngày hết hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư cho đến thời điểm đăng ký lại doanh nghiệp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2013

* Cùng ngày, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Dự thảo mới đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của nghị quyết 20 là Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học - công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học - công nghệ. Việc phân bổ ngân sách nhà nước dành cho khoa học - công nghệ của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ.

M.H.

Xem xét huy động thêm nguồn lực hỗ trợ kinh tế

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 25-5, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết:

Đúng là nền kinh tế đang hết sức khó khăn và doanh nghiệp cũng khó khăn, đó là chuyện không ai phủ nhận. Chính vì vậy cho nên Chính phủ đang suy nghĩ tính toán, trong họp Chính phủ ngày 26-5 sẽ có bàn. Thứ nhất là xem xét để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hiện nay cũng có ý kiến nói là chậm thì mình phải làm nhanh hơn. Thứ hai là phải xem xét để huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cho nền kinh tế. Gọi là nới lỏng thì không chính xác vì mình chưa dùng từ này, nhưng mà cũng phải tạo điều kiện để nâng tổng cầu của nền kinh tế, cái đó cần thiết phải xem xét một cách nghiêm túc.

V.V.Thành ghi

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên