Theo thống kê của Tuổi Trẻ Online từ 58 công ty chứng khoán, lượng tiền gửi của khách hàng cuối quý 4-2023 là gần 78.000 tỉ đồng, tăng gần 20.000 tỉ đồng so với cuối 2022 và cao nhất 7 quý gần đây.
"Ông lớn" chứng khoán nào nắm nhiều tiền chờ nhất
Tính chung số tiền "nằm chờ" giao dịch tăng nhưng đây không phải là xu hướng mọi công ty chứng khoán.
Dẫn đầu về lượng tiền của khách hàng tính đến cuối năm 2023 vẫn là Chứng khoán VPS với hơn 16.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này đã giảm gần 1.400 tỉ đồng so với cuối 2022.
Dù vậy, VPS vẫn tạo khoảng cách rất xa với các công ty xếp ngay sau là VNDirect (số dư tiền gửi hơn 6.366 tỉ đồng), TCBS (5.774 tỉ đồng) và SSI (5.274 tỉ đồng).
Điều này dễ lý giải khi thị phần môi giới của VPS trên HoSE năm 2023 là hơn 19% cũng bỏ rất xa SSI, TCBS và VNDirect với thị phần lần lượt 10,44%, 6,32% và 7,01%.
Bù lại, cuối 2023, lượng tiền gửi khách hàng tại cả SSI, TCBS và VNDirect đều có xu hướng tăng cao hơn so với cuối năm trước.
Trong đó, TCBS đang tăng "thần tốc", từ 2.330 tỉ đồng cuối 2022 lên 5.274 tỉ đồng sau một năm, tương đương mức tăng gấp gần 2,5 lần. SSI và VNDirect cũng tăng lần lượt là gần 12% và 35%.
Nằm trong nhóm nắm cả nghìn tỉ đồng tiền gửi của khách hàng còn có VCBS, Mirae Asset, MBS, VCI, HCM, FPTS, BVS, BSI, VPBanks, KIS…
Nhiều công ty chứng khoán có mức tăng tiền gửi rất mạnh, gấp nhiều lần - Dữ liệu: BCTC
Thấy gì khi tiền gửi của nhà đầu tư tăng cao, thanh khoản lại thấp?
Chiếm chủ yếu là tiền gửi nhà đầu tư theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Thông thường số tiền này dạng "nằm chờ" ngắn hạn, thể hiện sự sẵn sàng của nhà đầu tư với giao dịch cổ phiếu.
Bởi vậy, số tiền nằm chờ này càng tăng cao, thị trường càng kỳ vọng vào sự bùng nổ về thanh khoản. Nhưng thực tế, những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024, thanh khoản khá thấp, loanh quanh bình quân 14.000 - 15.000 tỉ đồng khớp lệnh.
Có thể lý giải, nhà đầu tư trông chờ, lạc quan vào cơ hội thị trường, rót tiền và chuẩn bị sẵn sàng giao dịch. Tuy nhiên sau đó lại chưa đẩy mạnh giải ngân vì chưa tìm được thời điểm phù hợp, lựa chọn được cổ phiếu…
Với lý do này, thị trường chứng khoán vẫn thể hiện sự kỳ vọng rất lớn với nhà đầu tư. Họ vẫn đợi tín hiệu tốt hơn để giao dịch và không dịch chuyển vốn sang kênh đầu tư khác.
Ngoài ra còn có thể đến từ câu chuyện công ty chứng khoán huy động tiền gửi.
Cuối tháng 12-2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải có văn bản gửi các công ty chứng khoán nhằm chấn chỉnh việc huy động vốn nhà đầu tư rồi trả lãi suất như ngân hàng.
Văn bản được ban hành sau khi cơ quan quản lý nhận thấy có hiện tượng một số công ty chứng khoán thỏa thuận cho phép khách hàng, nhà đầu tư được hưởng lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch.
Thời gian qua, báo chí từng phản ánh việc một số công ty chứng khoán triển khai hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi hay các sản phẩm tài chính mới, nhưng thực chất là huy động vốn từ nhà đầu tư.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết có lúc cao điểm khoản tiền gửi khách hàng còn lên tới 100.000 tỉ đồng. Giả sử một phần trong số tiền được sử dụng để kinh doanh chênh lệch lãi suất, số lợi thu về không hề nhỏ.
Không chỉ lượng tiền gửi tăng cao, theo thống kê của Tuổi Trẻ Online, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cuối quý 4-2023 vượt 170.000 tỉ đồng, tăng hơn 15.000 tỉ đồng chỉ sau 1 quý. Đây là mức cho vay cao nhất 2 năm trở lại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận