14/06/2021 06:51 GMT+7

Tiễn biệt một người hiền: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

PHẠM XUÂN THẠCH
PHẠM XUÂN THẠCH

TTO - Nguyễn Xuân Khánh thuộc về một thế hệ nhà văn chỉ có được ở miền Bắc, với những con người đã đi qua kháng chiến chống Pháp, một thế hệ tạm gọi là thế hệ Điện Biên Phủ.

Tiễn biệt một người hiền: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - Ảnh: TRƯƠNG ANH QUỐC

Cùng thế hệ ấy là Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Nguyên Ngọc, nhiều tuổi hơn nhưng vẫn có thể xếp vào thế hệ ấy là Hoàng Cầm, là Nguyễn Đình Thi.

Sinh vào cuối những năm 1920, đầu những năm 1930, được khởi đầu hành trang học vấn trong giai đoạn thuộc địa, giáo dục Pháp - Việt chuẩn bị cho các ông những cánh cửa tiếp xúc với thế giới, bất kể những phân ly của Chiến tranh lạnh sau này, nhưng chính kháng chiến, chính tinh thần Điện Biên Phủ tạo nên cho các ông một tư thế để bước vào thế giới văn chương, trong thế đối diện đàng hoàng với nhân loại.

Cuộc hành trình truân chuyên

Nguyễn Xuân Khánh và thế hệ ông vừa tham gia - bằng những cách và mức độ khác nhau - vào văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sau 1954, lại vừa là những người khởi xướng những cuộc cách mạng lớn của văn chương Việt Nam hiện đại và đương đại.

Hãy nhớ lại thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, Người người lớp lớp của Trần Dần và xa hơn nữa, những thay đổi mà Nguyễn Minh Châu đã khởi xướng chỉ không lâu trước khi mất.

Cùng thuộc thế hệ Điện Biên Phủ, Nguyễn Xuân Khánh có số phận truân chuyên nhất trong thế hệ mình. Phải lưu văn trong suốt những năm 1970 và đầu những năm 1980, làn gió Đổi mới không đủ để Miền hoang tưởng của ông, dù xuất bản với một bút danh xa lạ, mở ra cho ông cánh cửa vào đời sống văn chương.

Nếu như ngay từ thập niên 1990, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần đã bước ra khỏi bóng tối của đời sống bên lề (bên lề chứ chưa bao giờ là quên lãng) thì phải đến đầu thế kỷ 21, những bản thảo quan trọng của Nguyễn Xuân Khánh mới bắt đầu được xuất bản.

Và cuộc hành trình muộn màng này cũng đầy éo le. Ông xuất hiện lại không phải bằng những tác phẩm mang tinh thần cách tân mãnh liệt nhất (Miền hoang tưởng và Chuyện ngõ nghèo) mà bằng một hình thức xưa cũ: tiểu thuyết sử thi trường thiên. Phải đến gần cuối cuộc đời ông, những văn bản được hoàn chỉnh từ những năm 1980 mới được tái/xuất bản.

Sự cổ điển cao cả

Cuộc đời văn chương của Nguyễn Xuân Khánh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng.

Đó là những cuộc cách mạng bị đình hoãn của văn chương do những biến cố của lịch sử, giống như những cách tân tiểu thuyết tâm lý được khởi sự từ Nhất Linh phải đợi đến Bảo Ninh mới được tiếp tục; những canh tân thơ được chủ trương từ cuối những năm 1950, 1960 của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt phải đến những năm 1990 mới được xuất hiện lại và trở thành một thứ vô cùng "đương đại".

Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh cũng vậy, bộ ba tiểu thuyết của ông Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa đáng lẽ phải được đặt trong cái khung cảnh của tiểu thuyết sử thi những năm 1970, như một dự án đổi mới, tìm lối đi khác cho thể loại này.

Thế nhưng ở thời điểm được xuất bản, chính tính cổ điển của bộ ba tác phẩm này, tính đồ sộ và phức tạp của cấu trúc, tính phức tạp của điểm nhìn, tính đối thoại và sự đối lập căng thẳng đến cực điểm của những lập trường trong tiểu thuyết đã tạo nên giá trị không thể phủ nhận cho bộ ba tác phẩm, vượt lên những nhị phân mới - cũ.

Và các nhân vật chính trong các tác phẩm của ông - dù là tiểu thuyết lịch sử hay tiểu thuyết hiện thực huyền ảo về đề tài đương đại, vẫn là người trí thức trong cơn bão tố của lịch sử, suy tư về những vấn đề lớn lao của Căn tính dân tộc, của Đất nước, của Nhân cách và Việc làm người.

Những chủ đề đó như những chủ âm xuyên suốt những giao hưởng tiểu thuyết đồ sộ của Nguyễn Xuân Khánh. Nó làm nên sự cổ điển của ông, một giá trị cao cả được hun đúc qua những hiểm nghèo của lịch sử và số phận. Như một bi kịch Hy Lạp mẫu mực.

Giờ này có lẽ Nguyễn Xuân Khánh đã gặp lại những người bạn yêu quý đã cùng ông đi qua những năm đau khổ của cuộc đời, cùng ông bán máu, nuôi lợn và hun đúc những ý tưởng văn chương. Vĩnh biệt ông, một người hiền...

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời lúc 14h55 ngày 12-6 vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.

Ba tiểu thuyết trường thiên của ông đều được Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng. Hồ Quý Ly đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001.

Mẫu Thượng Ngàn đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006. Đội gạo lên chùa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Riêng Chuyện ngõ nghèo được trao giải Sách hay 2018.

Năm 2018, ông được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời.

T.ĐIỂU

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời

TTO - Tin từ gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết, tác giả ‘Đội gạo lên chùa’ vừa qua đời vào 14h55 hôm nay 12-6, vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.

PHẠM XUÂN THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên