Khách đến lễ viếng giáo sư Trần Hồng Quân - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Lễ viếng giáo sư Trần Hồng Quân bắt đầu từ 11h tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TP.HCM). Đến viếng có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan trung ương, TP.HCM cùng đại diện nhiều trường đại học, các cán bộ giảng viên, sinh viên…
Kỷ niệm từ người trợ lý bộ trưởng
Vừa bay từ Hà Nội vào TP.HCM, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng cho giáo sư Trần Hồng Quân, đến ngay tang lễ, bày tỏ niềm thương tiếc với vị cựu lãnh đạo đáng kính.
Ông Tiến hồi tưởng những năm đầu của thập niên 1990, giáo sư Trần Hồng Quân nhận vị trí bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn. Đầu tư của Nhà nước cho giáo dục vì thế gặp vô vàn thách thức, đặc biệt về kinh phí.
Ông Tiến kể ông Quân thường đau đáu tìm cách làm thế nào để tăng nguồn lực dành cho phát triển giáo dục. Và chính ông Quân là người đề xuất ra khái niệm mà ngày nay thường gọi là "xã hội hóa giáo dục", tận dụng các nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội để đầu tư phát triển giáo dục.
Đặc biệt giáo sư Trần Hồng Quân cũng là người "mở đường" cho giáo dục đại học ngoài công lập. Đầu thời kỳ đổi mới, giáo dục ngoài công lập chưa dễ dàng được chấp nhận bởi nhiều ý kiến vẫn cho rằng các trường đại học phải thuộc Nhà nước.
"Tuy nhiên, giáo sư Trần Hồng Quân là người dám nghĩ, dám làm. Đã quyết là làm", ông Tiến nói.
Cuối cùng, sau 6 năm thí điểm mô hình đại học dân lập với tên gọi Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long, vào năm 1994 Chính phủ có chủ trương cho phép thành lập các trường dân lập, trong đó có Trường đại học Dân lập Thăng Long. Đây là cánh cửa cho các trường đại học dân lập, tư thục thành lập và hoạt động đến hiện nay.
Về mối quan hệ cá nhân, ông Tiến cho biết ông xem giáo sư Trần Hồng Quân như một người anh và rất thân thiết với gia đình ông.
Ông kể trong một lần đến nhà giáo sư chơi, sau khi chào vợ giáo sư thì bà nói vui rằng: "Tôi chỉ xếp thứ hai, 'vợ cả' của ông ấy là giáo dục".
Ông Tiến cho biết dù là một câu nói vui nhưng thật sự rất chính xác với sự nghiệp của giáo sư Trần Hồng Quân khi ông dành những gì tâm huyết nhất cho giáo dục.
Ngay cả khi nghỉ hưu, ông vẫn gắn bó với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ông vẫn theo dõi và gắn bó với các hoạt động giáo dục cho đến tận khi qua đời.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên viết trong sổ tang lễ của giáo sư Trần Hồng Quân
"Di sản" về đào tạo giáo viên, trường dân tộc nội trú
Có mặt tại tang lễ, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ bà và giáo sư Trần Hồng Quân cùng xuất thân từ các nhiệm vụ tại TP.HCM, cùng vào Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI nên có nhiều gắn bó.
Bà chia sẻ khi ông Quân làm bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1990-1997) cũng vào khoảng thời gian bà làm chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1992-1997). Lúc đó, ông Quân trăn trở cách nâng cao chất lượng cho các giáo viên nữ, vốn gặp nhiều thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp nam.
Vì vậy ông Quân cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều chương trình, dự án phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ để tăng cường đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên nữ.
Nhiều nữ học viên của các dự án sau này giữ những vị trí cao trong các trường đại học cũng như các cơ quan quản lý giáo dục.
Ông Đinh Hữu Cường - nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - nhớ lại giáo sư Trần Hồng Quân từng có những chuyến công tác tại Quảng Bình và nhận thấy điều kiện học tập cho các con em đồng bào dân tộc thập niên 1990 còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, Quảng Bình là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Vì vậy ông Quân đề nghị trường nên có các trường phổ thông dân tộc nội trú.
"Sau đó tỉnh Quảng Bình đã có hai trường phổ thông dân tộc nội trú đầu tiên. Đây cũng là nền tảng cho tỉnh có thêm những trường dân tộc nội trú, bán trú tiếp theo", ông Cường nói.
Không chỉ với Quảng Bình, ông Quân còn quyết liệt với chủ trương xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói chung. Ước tính chương trình của ông Quân đã thành lập hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, tổng cộng 50 trường thuộc trung ương, 250 trường ở huyện và 300 trường bán trú ở xã.
Chia sẻ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong sổ tang lễ gửi đến giáo sư Trần Hồng Quân
Bước chuyển đào tạo tín chỉ
PGS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM - nhớ lại vào năm 1993, Trường đại học Bách khoa là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước bắt đầu đào tạo theo tín chỉ. Khi đó hình thức này rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Đầu những năm 1990 ở Việt Nam, các trường đại học vẫn đào tạo theo niên chế. Sinh viên sẽ học chương trình với các môn cố định trong từng năm, sau đó kết thúc năm bằng một kỳ thi. Nếu số môn không đạt vượt quá quy định, sinh viên sẽ học lại toàn bộ các môn trong năm học đó, kể cả những môn đã đạt.
Chuyển sang đào tạo bằng tín chỉ đồng nghĩa các bạn sẽ học tập và tích lũy số tín chỉ đã được nhà trường đưa ra. Không đạt tín chỉ nào, các bạn chỉ sẽ phải học lại đúng tín chỉ ấy.
"Giáo sư Trần Hồng Quân khi đang là bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là người ủng hộ hết mình và tạo điều kiện cho Trường đại học Bách khoa tiên phong đào tạo theo tín chỉ. Đây là cột mốc lớn thay đổi cơ bản hình thức đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam", ông Phong nói.
Chia sẻ của nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trong sổ tang lễ
Giáo sư Trần Hồng Quân sinh năm 1937 tại tỉnh Sóc Trăng.
Ông nguyên là ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII, VIII, đại biểu Quốc hội khóa VIII, khóa X; nguyên bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề; nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 1990-1997; nguyên phó Ban Dân vận Trung ương; nguyên chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận